Thủ tướng Ethiopia Hailemariam Desalegn tại trụ sở Liên minh châu Phi ở Addis Ababa ngày 30/1. (Nguồn: THX/ TTXVN)
Phát biểu với các báo giới, Bộ trưởng Siraj Fegessa cho biết quyết định trên được thông qua do tình hình bạo lực tại một số khu vực vẫn tiếp diễn, mặc dù chính quyền đã nỗ lực áp dụng nhiều biện pháp để dập tắt bạo lực.
Tình trạng này khiến nhiều người thiệt mạng, nhiều người phải sơ tán và cơ sở hạ tầng bị phá hủy ở Ethiopia.
Trước đó, ngày 16/2, Ethiopia đã ban bố tình trạng khẩn cấp, một ngày sau khi Thủ tướng Hailemariam Desalegn tuyên bố sẽ từ nhiệm cả 2 cương vị là người đứng đầu chính phủ và Chủ tịch đảng cầm quyền quyền Mặt trận Nhân dân dân chủ cách mạng Ethiopia (EPRDF) để mở đường cho cải cách.
Ông Desalegn cũng nêu rõ sẽ tiếp tục đảm nhiệm vai trò thủ tướng cho đến khi EPRDF và Quốc hội nước này chấp nhận đơn từ chức và chỉ định thủ tướng mới. Ông Desalegn giữ chức Thủ tướng Ethiopia từ năm 2012.
Tình trạng khẩn cấp vốn được Thủ tướng Desalegn ban bố lần đầu tiên hồi tháng 10/2016 nhằm dập tắt các cuộc biểu tình chống chính phủ ở nhiều vùng của nước này trong nhiều tháng, dẫn tới bùng phát bạo lực khiến khoảng 500 người thiệt mạng.
Đến cuối tháng 3/2017, Quốc hội Ethiopia đã thông qua việc gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm 4 tháng nhằm duy trì sự yên bình và đảm bảo an ninh ở nước này.
Đến tháng 11, lệnh cấm các nhà ngoại giao đi ra khỏi thủ đô ngoài phạm vi bán kính 40km mà không có giấy phép mới được dỡ bỏ hoàn toàn.
Tuy nhiên, các biện pháp an ninh khác vẫn được giữ nguyên như cấm người dân tham gia các nhóm đối lập bị chính phủ liệt vào danh sách các phong trào khủng bố; cấm phân phát những vật dụng có thể kích động sự hỗn loạn./.