Áp lực vô hình
“Dì dượng kỳ vọng nhưng đừng gây áp lực cho thằng Phúc; thằng Bình nhà chị là bài học lớn rồi”, chị Vũ Thị Yến nhắc nhở vợ chồng cô em gái khi thấy họ đặt quá nhiều kỳ vọng vào cậu con trai trong kỳ thi đại học sắp tới.
Bình mà chị Yến nhắc đến là cậu con trai duy nhất của vợ chồng chị. Vì là con một, cháu đích tôn nên Bình trở thành niềm hy vọng của ba mẹ và dòng họ. Từ nhỏ, cậu bé Bình đã rất ngoan và chăm học, luôn là học sinh giỏi của một trường chuyên cấp quận tại TPHCM.
Với học lực tốt, vợ chồng chị Yến hướng con thi vào Đại học Y Dược TPHCM và Đại học Kinh tế TPHCM. Ngày biết kết quả thi của con, cả 2 khối đều rớt, thậm chí điểm thi không đủ để xét tuyển vào một trường công lập hạng trung, anh Hòa (chồng chị Yến) phóng thẳng từ công ty về, lao vào trách móc 2 mẹ con chị Yến.
“Ảnh trách tôi chỉ mỗi việc ở nhà chăm con, giám sát con học hành mà cũng không xong. Ảnh trách thằng Bình làm ảnh mất mặt, nhục nhã với mọi người. La mắng cả buổi xong, ảnh bỏ đi nhậu đến sáng hôm sau mới về. Bình khép mình từ đó, xa lánh mọi người và sống cô đơn trong chính căn nhà của mình”, chị Yến tâm sự.
Sau kỳ thi đó, Bình suy sụp, ba mẹ cũng suy sụp nên không ai vực cậu dậy. Sự tổn thương cứ thế găm sâu vào tâm hồn của cậu con trai mới lớn, dẫn đến chứng trầm cảm. Đến tận bây giờ, sau 5 năm kỳ thi kết thúc, Bình vẫn phải đều đặn tới phòng khám tâm thần để điều trị. Cũng từ mùa thi năm ấy, vợ chồng chị Yến không tìm được tiếng nói chung, anh chồng đi sớm về khuya, hạnh phúc gia đình chỉ còn là cái vỏ bọc để thiên hạ nhìn vào.
Trần Vũ Đình Phúc, 17 tuổi (ngụ quận 11) cho biết, cậu bị áp lực từ khi học lớp 3 đến tận bây giờ, cứ sau mỗi bài kiểm tra, hầu như Phúc đều nằm mơ mình bị điểm kém khiến cha mẹ không vui. Phúc kể: “Riết rồi em sợ đến phát bệnh mỗi khi kết thúc kỳ thi. Nhất là khi cha mẹ ngày nào cũng hỏi con có điểm chưa. Thậm chí, cha mẹ còn không tin tưởng em, suốt ngày hỏi dò chỗ bạn bè em và cả phụ huynh của bạn. Trong mắt mấy đứa bạn em, em thảm ghê lắm”.
Những câu chuyện như gia đình chị Yến hay Phúc không phải hiếm ở xã hội ngày nay, khi mà sự kiêu hãnh của người lớn được đặt cả lên vai những đứa trẻ. Khi mà cha mẹ sống thay, ước mơ thay con cái của mình, để rồi những đứa trẻ nghĩ rằng mình không làm được gì ngoài việc phải học thật tốt. Sau đó là những cú sốc khi điểm số không như mong muốn, lại không nhận được sự chia sẻ của gia đình, có bạn trẻ đã tìm đến cái chết.
Gia đình phải là chỗ dựa
Khi chị Yến nhận ra sai lầm của mình thì Bình đã phải chịu một sự tổn thương quá lớn. “Giá ngày đó tôi kịp thời động viên con, cùng con vượt qua cú sốc, tìm cho con một trường phù hợp hoặc động viên con năm sau thi lại thì có lẽ giờ này đã khác. Bình đã không phải lùi lại phía sau bạn bè một khoảng cách xa như vậy”, chị Yến trải lòng. Rõ ràng, bài học thì có nhiều, nhưng mấy người rút được kinh nghiệm cho mình sau những bài học đấy.
Mới đây, mạng xã hội lan tỏa câu chuyện của người cha đã ôm con vào lòng khi con gái bảo: Con đọc đề không hiểu, con chỉ làm được một ít thôi, sau giờ thi môn toán tuyển sinh vào lớp 10 ở TPHCM. Câu nói: “Không sao, không sao con. Cười đi nào. Nào đi về nhà nào” của người cha như đủ sức xóa tan mọi băng giá trong trái tim cô con gái nhỏ.
Lời nói ấy khiến bất cứ ai cũng cay khóe mắt, không phải họ thương cô bé kia thất bại trong kỳ thi mà họ mến phục tình cảm và sự thấu hiểu của người cha dành cho con. Bởi cánh cửa này khép lại sẽ có cánh cửa khác mở ra, miễn là cho các em cơ hội, miễn là dù sóng gió thế nào mà được đong đầy yêu thương từ người thân thì các em đều sẽ vượt qua. Cô bé trong câu chuyện này cũng vậy, rồi em sẽ đủ nghị lực để bước tiếp đến tương lai phía trước bởi em không đơn độc.
Suy cho cùng, điểm số tồi của một kỳ thi cũng chỉ là một trong những chông gai mà một đứa trẻ từ nhỏ đến khi trưởng thành ít nhiều phải trải qua. Nếu các em không đủ sức vượt qua, nếu gia đình không đủ yêu thương để cùng con khắc phục thất bại ấy, thì liệu rằng sau này, trên đường đời vấp phải những khó khăn lớn hơn, những thất bại khủng khiếp hơn, thì đâu sẽ là điểm tựa để con trẻ dựa vào mà đứng lên?