Gaza bên bờ vực thảm họa

Giá thực phẩm tăng vọt, nguồn cung nhiều mặt hàng thiết yếu cạn kiệt, cùng tình trạng phong tỏa viện trợ đang đẩy Gaza đến bờ vực thảm họa nhân đạo tàn khốc.

Giá thực phẩm tăng vọt, nguồn cung nhiều mặt hàng thiết yếu cạn kiệt, cùng tình trạng phong tỏa viện trợ đang đẩy Gaza đến bờ vực thảm họa nhân đạo tàn khốc.

Các tổ chức nhân đạo, bao gồm Chương trình Lương thực thế giới (WFP) và Cơ quan Liên hợp quốc về người tị nạn Palestine (UNRWA), hỗ trợ hơn 2 triệu người Palestine ở Gaza đã phân phối số bột mì và các loại thực phẩm khác còn lại cho hàng chục bếp ăn cộng đồng tại vùng lãnh thổ này.

Cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Gaza ngày càng trầm trọng bất chấp nỗ lực trợ giúp của cộng đồng quốc tế. Ảnh: Tân Hoa xã

Trong khoảng thời gian ngừng bắn giữa Israel và Hamas vào giữa tháng 1, các kho hàng cứu trợ từng được lấp đầy. Tuy nhiên, kể từ khi lệnh này hết hiệu lực vào đầu tháng 3, các nguồn hàng dự trự đến nay đã cạn kiệt.

Ngày 27/4 (giờ địa phương), một quan chức Liên hợp quốc xác nhận thông tin không còn bất cứ thứ gì có thể cung cấp cho người dân ở Gaza khi những nguồn cung cuối cùng đã được sử dụng hết. Dựa trên kinh nghiệm từ những cuộc khủng hoảng khác, quan chức này đánh giá, tình hình nhân đạo tại vùng lãnh thổ xung đột đang xấu đi rất nhanh.

Việc Israel ra lệnh phong tỏa nghiêm ngặt các nguồn viện trợ từ đầu tháng 3 góp phần khiến thảm họa nhân đạo ở Gaza ngày càng trầm trọng. Các khu chợ tại vùng lãnh thổ này gần như trống rỗng, trong khi những mặt hàng còn được bày bán đã trở nên quá đắt đỏ với phần lớn người dân. Giá cà chua đã tăng 4 lần, giá đường tăng 7 lần, trong khi bột mỳ tăng giá từ 10 đến 15 lần.

Hiện tại, Phân loại giai đoạn an ninh lương thực tích hợp (IPC), hệ thống theo dõi nạn đói của Liên hợp quốc, đang chuẩn bị một đánh giá mới về Gaza và sẽ công bố vào tháng 5.

Đến nay, 70% diện tích Gaza nằm trong phạm vi lệnh sơ tán của quân đội Israel hoặc là một phần của vùng đệm mở rộng do lực lượng này kiểm soát. Theo thống kê, hơn 400.000 người đã phải di dời kể từ khi lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas hết hiệu lực.

Trước sự phản đối của cộng đồng quốc tế, Israel vẫn khẳng định, lệnh phong tỏa nhằm ngăn Hamas đánh cắp hàng viện trợ để phân phối cho thành viên hoặc thu lợi thông qua hoạt động buôn bán. Tuy nhiên, các tổ chức cứu trợ đã phản bác lập luận này, nói rằng không có bất kỳ vụ đánh cắp viện trợ nào trong những tháng gần đây.

Cùng ngày, phái đoàn Hamas đã gặp Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan tại Doha (Qatar) để thảo luận về những diễn biến nghiêm trọng của tình hình nhân đạo ở Gaza. Trong một tuyên bố, Hamas khẳng định đang xúc tiến với các quốc gia trung gian hòa giải nhằm đạt được một thỏa thuận toàn diện, bao gồm lệnh ngừng bắn, trao đổi tù nhân, cứu trợ và tái thiết Gaza.

Hôm nay (28/4), Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) sẽ bắt đầu phiên điều trần để xác định tính hợp pháp của lệnh cấm nhằm vào UNRWA do Israel ban hành. Hồi cuối tháng 10/2024, Quốc hội Israel quyết định chặn mọi hoạt động của UNRWA ở Gaza và Bờ Tây với cáo buộc cơ quan trực thuộc Liên hợp quốc dính líu đến Hamas.

hanoimoi.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói