Ghi số CMND trên đơn thuốc trẻ dưới 6 tuổi: "Nhiệm vụ bất khả thi"?!

(Baohatinh.vn) - Sau 10 ngày thực hiện quy định mới của Bộ Y tế về việc ghi số chứng minh nhân dân (CMND) của cha, mẹ hoặc người giám hộ vào đơn thuốc ngoại trú của trẻ dưới 6 tuổi, không chỉ thầy thuốc mà ngay cả người dân cũng đều cho rằng, quy định này khó khả thi.

ghi so cmnd tren don thuoc tre duoi 6 tuoi nhiem vu bat kha thi

Trong bất kỳ tình huống nào, người thầy thuốc đều phải tiếp nhận và điều trị cho trẻ kịp thời, kể cả không có người thân, người giám hộ chứ chưa nói đến giấy CMND

Điều 6 Thông tư 52/2017/TT-BYT do Bộ Y tế ban hành ngày 29/12/2017 về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú có quy định cụ thể: Đối với trẻ dưới 72 tháng tuổi (dưới 6 tuổi) phải ghi số tháng tuổi, tên và số CMND hoặc sổ căn cước công dân của bố, mẹ, hoặc người giám hộ trong đơn thuốc (hoặc trong sổ khám bệnh) của người bệnh. Quy định này có hiệu lực từ 1/3/2018.

Với quy định mới này, Thạc sĩ Cao Hưng Thái - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng, ngay khi đến các cơ sở khám, chữa bệnh, bố, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ dưới 6 tuổi phải đem theo giấy CMND để khi kê đơn, bác sĩ điền đầy đủ các thông tin trên. Khi có đơn thuốc và đầy đủ thông tin thì bất kể ai là người nhà hoặc người thân của trẻ đều có thể đi mua thuốc tại các cơ sở bán lẻ. Việc ghi thêm giấy CMND vào đơn thuốc cho trẻ dù mất thêm thời gian khám, chữa bệnh của bác sĩ nhưng đây là việc cần thiết để quản lý tốt việc kê đơn và bán thuốc theo đơn, đặc biệt là việc mua bán và lạm dụng kháng sinh đang diễn ra phổ biến hiện nay.

Thế nhưng, thầy thuốc và người nhà bệnh nhân cho rằng, chưa thấy mặt lợi ích từ quy định mà chỉ thấy phiền hà. Bác sĩ Trần Anh Pháp – Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa TP Hà Tĩnh cho biết: Đối với khoa khám bệnh theo yêu cầu, việc ghi số CMND của cha mẹ, người giám hộ lên đơn thuốc ngoại trú cho trẻ dưới 6 tuổi đã thực hiện được khoảng 50%, vì đối tượng đến khám bên này chủ yếu thuộc các gia đình có điều kiện, thường mang CMND trong người. Còn đối với khám chữa bệnh theo BHYT, mới thực hiện được hơn 20%. Người nông dân, người lao động tự do không có thói quen mang theo CMND nên chưa thực hiện được. Đơn thuốc theo mẫu cũ còn rất nhiều nên không thể bỏ đi, gây lãng phí, vì vậy, bác sĩ phải ghi chèn số CMND trên đơn thuốc.

Hơn nữa, với góc độ người thầy thuốc, xét về mặt lợi ích, chưa thấy mang lại điều gì. Nếu Bộ thực hiện quản lý mua thuốc theo đơn thì phải quản lý từ gốc, từ các quầy dược, từ số lượng nhập vào và xuất ra theo đơn bác sĩ chứ không thể trên số CMND được.

ghi so cmnd tren don thuoc tre duoi 6 tuoi nhiem vu bat kha thi

Ngay trong giới chuyên môn cũng cho rằng, quy định ghi số CMND của cha, mẹ hoặc người giám hộ vào đơn thuốc ngoại trú của trẻ dưới 6 tuổi rất khó khả thi.

Một dược sĩ ở quầy thuốc số 11 đường Nguyễn Công Trứ cho hay, họ chưa biết đến quy định này. Hơn nữa, bán thuốc theo đơn chỉ để ý đến tên bác sĩ và số điện thoại để có gì thắc mắc thì điện hỏi chứ không để ý đến số CMND. Nếu có ghi thêm số CMND trên đơn thuốc cũng không có ý nghĩa gì đối với người bán thuốc.

Còn với người dân, hầu hết họ cũng không quan tâm. Bà Nguyễn Thị Hồng (xã Thạch Hương, Thạch Hà) đưa cháu đi khám ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Điều chúng tôi quan tâm là được KCB nhanh, gọn, không phiền hà vì thủ tục; bác sĩ kê đơn thuốc làm thế nào để cháu chóng khỏi bệnh. Còn ghi số CMND trên đơn thuốc, chúng tôi không quan tâm”…

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tuấn, để thực hiện quy định mới của Bộ Y tế, các bệnh viện cần phải có thời gian, lộ trình nhằm tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn người dân.

Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở Y tế cũng cho rằng, quy định mới này rất khó khả thi. Vì trong bất kỳ tình huống nào, việc quan trọng nhất của bệnh viện, của người thầy thuốc là tiếp nhận, điều trị cho trẻ kịp thời. Còn giấy tờ của bố, mẹ hoặc người giám hộ có thể bổ sung sau, thậm chí chỉ cần thiết khi trẻ phải nhập viện điều trị nội trú. Trong rất nhiều trường hợp, khi đưa con đi viện, cha mẹ chỉ kịp mang theo thẻ BHYT của con, quên mang theo giấy CMND/thẻ căn cước công dân, thậm chí có những trường hợp không có để mang theo. Hoặc có nhiều trường hợp, người đưa trẻ đi viện không phải là người giám hộ hay bố mẹ thì bác sĩ vẫn phải lo điều trị trước.

Đọc thêm

Mở rộng danh mục thuốc bảo hiểm y tế, tăng quyền lợi cho người bệnh

Mở rộng danh mục thuốc bảo hiểm y tế, tăng quyền lợi cho người bệnh

Việt Nam được đánh giá là một trong số ít các nước trên thế giới có danh mục thuốc tương đối đầy đủ, toàn diện và mở rộng so với mức phí đóng bảo hiểm y tế (BHYT). Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, danh mục thuốc đó còn nhiều bất cập, hạn chế, cho nên Bộ Y tế đang xây dựng quy định mới nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để mở rộng phạm vi ảnh hưởng của người tham gia BHYT.
“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

Thời gian qua, với nhiều hoạt động tích cực trong tuyên truyền KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, Hội KHHGĐ Hà Tĩnh được coi là cánh tay nối dài của các cơ quan triển khai thực hiện chính sách dân số.
Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đã tồn tại 3 logo. Do chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển cần sáng tác logo mới thay thế logo về dân số và kế hoạch hóa gia đình.
 Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Trước hiện tượng 25 trẻ trong một xã ở Hà Tĩnh mắc sốt phát ban nghi sởi; trong đó, 10 bệnh nhân dương tính với vi rút sởi; các cơ quan chức năng đã vào cuộc không để bệnh lây lan.