Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng Đơn vị điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, Cơ sở 3, cho biết cúm mùa là bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây ra. Cúm là bệnh lành tính. Người mắc cúm mùa hầu hết sẽ tự khỏi, không để lại di chứng mà không cần đến bệnh viện. Một số trường hợp đặc biệt có thể dùng thuốc chống virus, còn lại thường điều trị triệu chứng tại nhà. Trong đó, một số loại rau, gia vị dễ kiếm có thể giúp bệnh mau khỏi.
Húng quế có vị hơi ngọt và cay, là loại rau thơm phổ biến. Húng quế có thể hỗ trợ giảm các triệu chứng ho, cảm lạnh, cúm.
Tỏi có đặc tính chống viêm, chống nấm và kháng virus. Không những thế, tỏi cũng là thảo mộc tăng cường miễn dịch hiệu quả, có thể ngăn ngừa các triệu chứng cảm cúm. Trong tỏi có chứa chất allicin, hợp chất sulfur có tác dụng kháng khuẩn, tiêu viêm mạnh. Do đó, tỏi được coi là thực phẩm tốt để trị bệnh cúm, giảm ngạt mũi, giảm ho.
Gừng có vị cay, tính ấm, có tính năng làm cơ thể toát mồ hôi nên dùng gừng sẽ có hiệu quả hạ sốt, giảm đau họng.
Sả có đặc tính chống lại vi khuẩn và các hợp chất chống viêm citral và geraniol giúp giảm ho, đau họng.
Hồ tiêu vị cay, tính rất nóng có tác dụng hạ khí tiêu đờm, chữa đau bụng đột ngột, lạnh tay chân, nôn mửa, thổ tả, suyễn, sát trùng, tiêu độc... Dùng tiêu chữa cảm hàn, vừa làm toát mồ hôi, tan khí lạnh ở ngoài, vừa làm ấm bụng tăng sức ấm nóng bên trong. Còn tiêu sọ chuyên trị thổ tả, trừ hàn thấp và diệt khuẩn.
Quế có vị cay, tính ấm, phát tán phong hàn, làm thông kinh mạch, trừ độc khí bên ngoài xâm nhập, chữa cảm gió nhức đầu, đau mình, đau nhức các khớp xương, gân cơ. Quế có tác dụng cải thiện tuần hoàn máu, làm ấm cơ thể, khi thêm quế vào món ăn giúp tăng nhiệt độ cơ thể cũng như giảm chứng khó tiêu, đầy hơi và buồn nôn...
Đại hồi có chứa tinh dầu, chống co thắt, long đờm, sát trùng, lợi tiểu, chống viêm cũng như các đặc tính khử trùng, hỗ trợ giảm đau họng.
Mật ong cũng được xem là một trong những thực phẩm kháng khuẩn, giúp tăng cường sức đề kháng hiệu quả. Sử dụng mật ong hoặc trà mật ong gừng, nước chanh tươi ấm pha mật ong giúp làm dịu cổ họng, giảm ho tốt.
Ngoài ra, các loại gia vị Âu như bạc hà, cỏ xạ hương, hương thảo cũng chứa nhiều tinh dầu, cũng có tác dụng rất tốt đối với cúm.
Củ gừng. Ảnh: Freepik
Theo bác sĩ Vũ, để trị cúm, các loại rau gia vị này dùng chế biến món ăn như thông thường; hoặc dùng dạng trà (tươi hoặc khô), hãm với nước sôi, ngày dùng 2-3 lần, uống nóng, mỗi lần một tách nhỏ. Cách dùng khác là xông vùng mặt hoặc xông tắm toàn thân, hít hơi nước nóng mang tinh dầu, giúp làm thông đường hô hấp và thư giãn.
Tuy nhiên, những người có bệnh lý tăng huyết áp cần thận trọng khi sử dụng các gia vị có tính cay nóng (tiêu, gừng, quế, hồi) vì chúng có khả năng làm tăng huyết áp. Chỉ nên dùng với liều lượng nhỏ, tần suất ít khi ăn uống, tốt hơn là nên dùng ngoài da như xông tắm. Người có bệnh lý nền chế độ ăn uống cần theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Bên cạnh đó, những trường hợp mắc cúm cần đến bệnh viện là ngoài các triệu chứng thông thường như sốt, ho... người bệnh có thêm biến chứng viêm phổi, viêm tai giữa, các tổn thương ở vị trí khác. Những biến chứng cúm rất nặng như viêm não, tổn thương cơ quan khác, rối loạn huyết học giảm tiểu cầu xuất huyết...
Trẻ nhỏ dưới hai tuổi, người già trên 65 tuổi, bệnh nhân có bệnh mạn tính (phổi mạn tính, hen suyễn mãn tính, phổi tắc nghẽn mãn tính), người tiểu đường, gan, thận, tim... phụ nữ mang thai, người có suy giảm miễn dịch... thuộc nhóm có nguy cơ bị biến chứng cúm, cần được khám và theo dõi sát sao. Trường hợp tử vong do cúm chủ yếu xảy ra ở đối tượng nguy cơ này. Ngoài ra, có thể xảy ra ở người khỏe mạnh nếu không chăm sóc và điều trị cúm đúng cách, bác sĩ Vũ cho hay.