Giáo sư Võ Quý - cả cuộc đời đam mê cống hiến

(Baohatinh.vn) - Giáo sư Võ Quý - nhà bảo tồn hàng đầu của Việt Nam đã về cõi vĩnh hằng ở 88 tuổi vào ngày 10/1/2017, để lại một khoảng trống lớn cho ngành khoa học môi trường và thiên nhiên Việt Nam. Cả cuộc đời ông là một cuộc hành trình không mệt mỏi để khám phá những mới lạ về sự phong phú của động thực vật và những ước vọng lớn lao về môi trường xanh của hành tinh.

Nhắc tới GS Võ Quý là nhắc tới một nhà khoa học lớn về môi trường. Cuộc đời ông là những chuyến đi dài như một nhà “thám hiểm” hết rừng rậm, non cao để khám phá thế giới sinh vật lạ. GS Võ Quý là kho báu lớn về những thành tựu khoa học, cống hiến cho nhân loại các giải pháp gìn giữ sự sống của trái đất.

giao su vo quy ca cuoc doi dam me cong hien

GS. Võ Quý (bên phải) tại lễ trao giải Hành tinh xanh, năm 2003 (Ảnh tư liệu ĐHQGHN)

Tôi không thể quên được những kỷ niệm khi được tiếp xúc với ông. Vào khoảng năm 1996, ông được nhận một giải thưởng lớn của Trường Đại học Michigan (Mỹ) về phát hiện gà lôi lam đuôi trắng ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh), Báo Lao Động nhờ tôi liên lạc để đưa tin. Với một người chưa quen biết, tôi sợ việc đó sẽ gặp khó khăn. Chẳng thể ngờ, từ đầu dây bên kia, ông cất tiếng chào tôi rất lịch sự rồi cung cấp thông tin cẩn thận, rõ ràng, thậm chí, còn đọc từng chữ và phiên âm rõ nghĩa từ tiếng Anh sang tiếng Việt. Nhờ thế, tin phát hiện gà lôi lam đuôi trắng ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ được Báo Lao Động đưa rất kịp thời.

Lần thứ hai tôi được gặp ông tại Khách sạn Hương Sen (TP Hà Tĩnh). Là giáo sư, nhà giáo có tên tuổi của thế giới nhưng trông ông quá khiêm tốn, bình dị, gần gũi. Một chiếc máy ảnh, một túi du lịch đựng vài bộ quần áo dã chiến cùng tài liệu ghi chép khiến tôi hết sức ngưỡng mộ và khâm phục ông. Tuy mái đầu đã pha sương nhưng đôi mắt thông minh, sắc sảo ẩn dưới cặp lông mày dài và rậm vẫn toát lên sức xuân phơi phới. GS Võ Quý bảo tôi: “Mình quê ở Yên Hồ (Đức Thọ), quê mình chỉ có ruộng đồng, không có núi non nhưng từ nhỏ, mình đã thích rừng, yêu chim thú, thiên nhiên”.

Năm 1946, ông là một trong 4 học sinh Nghệ - Tĩnh thi đậu vào Trường Quốc học Huế. Nhưng điều không may mắn cho ông, vừa học được vài tháng thì Huế bị thực dân Pháp đánh chiếm, Võ Quý đành phải về quê làm ruộng. Một năm sau, trường chuyển ra Hà Tĩnh, ông lại tiếp tục theo đuổi sự nghiệp đèn sách.

giao su vo quy ca cuoc doi dam me cong hien

GS. Võ Quý trong một chuyến khảo sát tại Vườn quốc gia Pù Mát (Nghệ An)

Năm 1949, GS Võ Quý bắt đầu giảng dạy ở Trường cấp 2 Liên Việt ngay tại quê hương. Năm 1950, thầy giáo Võ Quý được điều về dạy tại Trường cấp 3 Phan Đình Phùng, sau đó, dạy tại Trường Sư phạm trung cấp Liên khu 4 Nghệ An, Trường Cấp 3 Lam Sơn - Thanh Hóa rồi nhận công tác tại Nha Giáo dục phổ thông - Bộ Giáo dục. Từ năm 1956, ông làm việc tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội).

Ông từng tâm sự: “Từ khi về Hà Nội, mình đã trải qua nhiều cương vị khác nhau, nào là giảng viên rồi trưởng phòng đào tạo, Chủ nhiệm Khoa Sinh học. Nghĩa là ban giám hiệu phân công gì, mình đều nhận và khi đã nhận là làm nghiêm túc...”.

Là một giáo sư có đức, có tài, có kinh nghiệm trong công tác giảng dạy, GS Võ Quý được học trò kính trọng, đồng nghiệp khâm phục, được các trường đại học: Sư phạm Hà Nội, Nông nghiệp mời làm giảng viên. GS Võ Quý còn tham gia giảng dạy tại các trường đại học: Wisconsin, Berkley (Mỹ), Oxford (Anh)... Ông cũng là một trong những người sáng lập nhiều tổ chức trong nước như Tổng hội Các nhà sinh học, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường, Hội Sinh thái học, Hội Nạn nhân chất độc màu da cam/dioxin. Ông cũng là thành viên tham gia tích cực các tổ chức quốc tế như Hội đồng Vườn quốc gia và Khu bảo tồn quốc tế (WCPA/IUCN).

Năm 1985, GS Võ Quý sáng lập và làm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tài nguyên và môi trường thuộc Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Đây là trung tâm đầu tiên của Việt Nam với chức năng vừa nghiên cứu, vừa đào tạo bổ túc kiến thức về môi trường. Trung tâm đã xâu chuỗi được một hệ thống cộng tác viên khắp nơi trong cả nước và tổ chức quốc tế.

Trong quá trình giảng dạy, nhờ sự dẫn dắt của ông, nhiều học sinh đã trưởng thành, không ít người đã có những công trình khoa học lớn, nhưng bao trùm nhất của GS Võ Quý là sự nghiệp khám phá và nghiên cứu về sinh học và môi trường. Ngay từ những năm 1971, khi cả nước còn chìm trong khói lửa chiến tranh, GS Võ Quý đã có mặt tại khu vực sông Bến Hải - Quảng Trị. Ông đã đặt chân đến cánh rừng Rú Lệnh (Quảng Bình) xác xơ vì bom Mỹ và chất độc da cam.

Năm 1974, GS Võ Quý lại dẫn đầu một đoàn công tác vượt vĩ tuyến 17, lặn lội 3 tháng trời, không quản sên, vắt và muỗi đốt để điều tra và ghi chép lại tình trạng hàng ngàn ha rừng bị thiêu trụi vì chất độc hóa học Mỹ. Chiến tranh kết thúc, trước thực trạng dân chúng di cư tự do, ồ ạt vào Tây Nguyên tìm kế mưu sinh, chặt phá, đốt rừng làm rẫy, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường lâm sinh, GS Võ Quý đã kịp thời lên tiếng trên nhiều diễn đàn và hệ thống thông tin đại chúng.

Không chỉ ở Tây Nguyên mà tình trạng phá rừng trên cả nước đã làm trái tim ông nhức buốt, bởi nhiều người chưa hiểu được cái giá phải trả khi rừng bị tàn phá. GS Võ Quý đã cảnh báo: Nếu không có những biện pháp mạnh trong bảo vệ rừng thì 2 thập kỷ nữa, nước ta sẽ không còn những cánh rừng tự nhiên. Ông đã trình bày những vấn đề bức xúc, đồng thời, đề xuất các giải pháp trong vấn đề bảo vệ môi trường với đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn và được Tổng Bí thư đồng ý. Cuốn sách trình bày ý tưởng tài nguyên - môi trường của ông được đồng nghiệp trong và ngoài nước đánh giá cao, Hiệp hội Bảo vệ thiên nhiên quốc tế (IUCN) dịch ra tiếng Anh và xem đó như một “cẩm nang” về bảo vệ môi trường.

giao su vo quy ca cuoc doi dam me cong hien

Giáo sư Võ Quý. (Ảnh tư liệu)

GS Võ Quý thường xuyên trăn trở: “Phải làm gì để không chỉ giữ gìn mà còn phát huy những giá trị tốt đẹp của môi trường”. Là người đồng sáng lập, làm phó chủ nhiệm rồi chủ nhiệm 2 chương trình quốc gia về môi trường, từ năm 1981-1990, GS Võ Quý đã có nhiều đóng góp quan trọng vào việc đề xuất các chính sách phát triển bền vững. Ông vừa là người biên tập, vừa là đồng tác giả bản thảo đầu tiên của chiến lược bảo vệ môi trường và Luật Bảo vệ môi trường. Ông còn là dịch giả 3 cuốn sách về môi trường của các nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới.

Năm 1994, khi thuyết trình tại hội nghị Chiến lược toàn cầu về môi trường tại Canada, GS Võ Quý đã làm cả hội trường ngạc nhiên trước bài tham luận: “Bảo vệ rừng cần có sự tham gia của cộng đồng”. Theo quan điểm của ông, muốn giữ rừng thì phải hợp tác với dân, “phải thực hiện cho được mỗi người dân là một kiểm lâm viên… Nếu dân thiếu ăn thì phải giúp họ vay vốn để làm ăn, giúp học nghề tạo việc làm, bày cho họ cách kết hợp trồng rừng, bảo vệ động vật hoang dã với nuôi tôm, cá, cua, ong... để lấy lại cân bằng sinh thái”.

GS Võ Quý chịu khó lặn lội lên các vùng rẻo cao, hẻo lánh, đi sâu vào đời sống những người nông dân nghèo thuộc các dân tộc thiểu số, tại các “vùng đệm” của các khu bảo tồn, khám phá tài nguyên rừng ở các vùng mà họ định cư để tìm ra những giải pháp vừa giúp họ phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống, vừa đẩy lùi những hành vi phá rừng, biến họ thành những chủ nhân tích cực xây dựng, bảo vệ, phát triển rừng. Chính GS Võ Quý đã lấy mảnh đất quê hương Hà Tĩnh của ông để minh chứng cụ thể cho luận điểm của mình. Ông đã xắn quần lội ruộng, tư vấn cho người dân tỉnh Phú Thọ cách làm thủy lợi, trồng rừng tạo nên một môi trường sinh thái điển hình của cả nước.

Năm 1989, GS Võ Quý đã được UBND tỉnh Phú Thọ trao tặng Huy chương Hùng Vương - phần thưởng cao quý nhất dành cho người có công lớn với địa phương. Sau đó, mô hình này đã được nhân rộng ra cả nước như Sân chim (Đồng Tháp), Khu Bảo tồn hoang dã Xuân Thủy (Nam Định), An Giang, Kiên Giang...

Ông còn dành nhiều tâm sức để nghiên cứu đa dạng sinh vật học, các loài bị đe dọa tuyệt chủng, thiết lập và quản lý các khu bảo tồn, giúp đỡ các cộng đồng địa phương sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên để phát triển bền vững. Với vai trò là người cố vấn, GS Võ Quý đã góp phần to lớn vào thành công của dự án “xóa đói giảm nghèo” cho nhân dân 137 xã thuộc 9 huyện tỉnh Hà Tĩnh do Ngân quỹ quốc tế về phát triển nông nghiệp (IFAD) tài trợ (dự án đầu tiên của Liên hiệp quốc thực hiện tại Việt Nam mà hầu như không có chuyên gia nước nào tham gia). Bản thân ông còn dành toàn bộ tiền thưởng của mình để góp phần bảo tồn rừng đầu nguồn Kẻ Gỗ.

Không thụ động chờ rừng tự hồi sinh, GS Võ Quý đã chủ động cùng đồng nghiệp đề xuất giải pháp trồng rừng và được nhiều địa phương tích cực hưởng ứng. Nhiều cánh rừng trồng hôm nay đang tràn ngập tiếng chim, tạo nên một môi trường xanh bất diệt, ta càng thấu hiểu một con người cả cuộc đời tận tụy cống hiến công sức và trí tuệ vì muôn đời hoa lá xanh tươi.

Đọc thêm

Chật vật tìm lao động xuất khẩu sang Nhật

Chật vật tìm lao động xuất khẩu sang Nhật

Nhu cầu lao động ở Nhật Bản tăng nhưng nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi tìm nguồn, phải “mua” lại từ môi giới với giá 20-30 triệu đồng mỗi người để kịp đơn hàng.