Giữa “bão dịch”, nông dân đô thị trung tâm Hà Tĩnh vẫn bám đồng sản xuất

(Baohatinh.vn) - Giữa mùa dịch Covid-19, bà con nông dân TP Hà Tĩnh vẫn cần mẫn bám đồng ruộng để sản xuất bên cạnh áp dụng các giải pháp đảm bảo an toàn để phòng chống dịch bệnh.

Là vụ dưa chuột đầu tiên đầu tư sản xuất, chị Hoa phải thường xuyên chăm sóc, theo dõi sự phát triển của cây.

Được biết đến là vùng sản xuất rau an toàn có tiếng của địa phương, những ngày này, bà con nông dân xã Đồng Môn vẫn khá tất bật với ruộng đồng để chăm sóc cây trồng, đáp ứng nhu cầu rau xanh cho thị trường. Chăm sóc xong luống rau ở ngoài đồng, chị Nguyễn Thị Hoa lại tất tả về khu nhà lưới vừa mới đầu tư trồng dưa chuột.

Được hỗ trợ 60 triệu đồng xây dựng nhà lưới từ chính sách phát triển sản xuất của UBND thành phố Hà Tĩnh, gia đình chị Hoa đã triển khai xây dựng nhà lưới để trồng rau củ an toàn. Với 1.300 gốc dưa chuột ở vụ sản xuất đầu tiên, đến nay, qua quá trình chăm bón đã ra hoa và bắt đầu đậu quả.

Đến nay, cây phát triển tốt, đã bắt đầu đậu quả.

Công việc trong mùa dịch Covid-19 so với trước cũng không có gì thay đổi, chị Hoa vẫn đều tay thu hoạch, chăm sóc, lên luống… mấy sào rau, dưa chuột để có sản phẩm hàng ngày. Hơn nữa, đây là vụ đầu tiên đầu tư mô hình trồng dưa chuột trong nhà lưới nên chị phải có mặt thường xuyên chăm sóc, tỉa lá… cho cây trồng. Đến nay, cây sinh trưởng và phát triển tốt, dự kiến hơn 1 tuần nữa có thể thu hoạch được…

“Thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 và lao động sản xuất là 2 nhiệm vụ song song. Dù phải hạn chế đến mức thấp nhất nhưng tôi vẫn bám đồng, chỉ cần mình thực hiện tốt việc đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên...” – chị Hoa chia sẻ.

Tỉ lệ lúa trổ sớm của TP Hà Tĩnh ở mức thấp nhất toàn tỉnh với gần 250 ha.

Đang chăm sóc hơn 4 sào lúa của gia đình trong giai đoạn đòng trổ bông, chị Lê Thị Tâm (xã Thạch Trung) cho biết: “Vì công việc của người nông dân chúng tôi không thể dừng được, nếu lúa mà không chăm sóc thường xuyên thì sâu bệnh sẽ tấn công, nhất là trong giai đoạn phát triển quan trọng này. Do vậy, để đảm bảo an toàn giữa dịch, khi từ nhà đi đến ruộng và trong suốt quá trình lao động, chúng tôi đều tuân thủ các quy định như đeo khẩu trang, không tập trung đông người…”.

Được biết, vụ lúa xuân năm nay, TP Hà Tĩnh gieo cấy 1.410 ha với các loại giống như: HT1, VTNA2, N98, XT28, ADI168, BQ, KD18. Qua theo dõi, các xã, phường có gần 250 ha lúa đã trổ (gần 18%). Tuy vậy, hiện nay, bệnh đạo ôn cổ bông, khô vằn đã nhiễm rải rác trên diện tích lúa đã trổ nên những ngày gần đây, bà con nông dân đang tích cực phòng trừ.

Ngành chức năng địa phương thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn bà con nhân dân các biện pháp kỹ thuật về chăm sóc cây trồng và phòng trừ các đối tượng gây hại trên cây trồng vụ xuân.

Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi TP Hà Tĩnh Trần Viết Phương cho biết: “Trên cơ sở đưa ra dự báo về tình hình sâu bệnh cho 3 trà lúa trổ, hiện nay, đơn vị chức năng đang đôn đốc các địa phương chỉ đạo bà con nông dân phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông, khô vằn ngay khi lúa bắt đầu trổ. Đồng thời theo dõi, dự tính, dự báo các đối tượng gây hại khác trên cây trồng để kịp thời hướng dẫn xứ lý...”.

Diện tích thả nuôi tôm thẻ chân trắng của anh Nguyễn Văn Hòa (Thạch Hạ).

Bên cạnh chủ động sản xuất lúa xuân, rau màu... thì nuôi trồng thủy sản – lĩnh vực thế mạnh của nông nghiệp TP Hà Tĩnh cũng cơ bản ổn định. Đến nay, đã có hơn 250 ha diện tích nuôi trồng thủy sản nước lợ, nước ngọt được thả nuôi.

Vừa hoàn thành thả nuôi tôm thẻ chân trắng cách đây gần 1 tuần, ông Nguyễn Văn Hòa (hộ nuôi tôm vùng Đồng Ghè – xã Thạch Hạ) cho biết: “Quyết tâm không để chậm dịch thời vụ xuống giống, chúng tôi đã tổ chức thả giống trong điều kiện khác so với trước đây. Đó là chỉ huy động những người cần thiết, đeo khẩu trang để đảm bảo các điều kiện tối thiểu trong phòng chống dịch Covid-19”.

Người dân thu hoạch tôm một số ao nuôi vụ trước để chuẩn bị diện tích cho vụ nuôi mới.

Qua theo dõi, đến nay, các đối tượng thủy sản đang sinh trưởng và phát triển tốt. Các hộ dân nuôi thủy sản trên địa bàn cơ bản thả đúng lịch thời vụ và làm tốt công tác cải tạo ao hồ theo quy trình kỹ thuật ban hành.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19, giá thành con giống và các vật tư đầu vào khác cũng có nhiều biến động. Dự báo, mùa vụ sản xuất năm nay còn có nhiều khó khăn...

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói