Giúp ngư dân nghèo ở Hà Tĩnh có cuộc sống an toàn

(Baohatinh.vn) - Sau hơn 2 năm triển khai, chương trình “An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn” đã giúp hàng ngàn người dân vùng biển ở Hà Tĩnh có cuộc sống, công việc ổn định, an toàn hơn.

“An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn” là chương trình được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam triển khai từ năm 2022 - 2027 tại 291 xã khó khăn thuộc 23 tỉnh, thành giáp biển trên cả nước (theo Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 25/1/2017 của Thủ tướng Chính phủ).

Chương trình "An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn" ở Hà Tĩnh được triển khai tại địa bàn 6 huyện, thị giáp biển.

Tại Hà Tĩnh, chương trình được triển khai tại các xã đặc biệt khó khăn, bãi ngang ven biển thuộc 6 huyện, thị giáp biển (Thạch Hà, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Nghi Xuân, Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh). Chương trình tập trung kêu gọi nguồn lực hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở an toàn, mô hình sinh kế bền vững; tặng áo phao cứu sinh đa năng, cờ Tổ quốc; phổ biến kiến thức pháp luật về chủ quyền biển đảo; tập huấn kỹ năng cấp cứu, sơ cứu trên biển cho ngư dân…

Là một trong những gia đình được hỗ trợ kinh phí xây mới, sửa chữa nhà ở theo chương trình này, vợ chồng anh Nguyễn Văn Long (thôn Tân Thành - xã Kỳ Nam - TX Kỳ Anh) không giấu được nỗi vui mừng, phấn khởi bởi từ nay, vợ chồng anh và 3 con nhỏ không còn phải trú mưa, tránh nắng trong căn phòng 20m2 lợp bằng tấm fibro xi măng tạm bợ, xuống cấp nữa.

Lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ tỉnh dự lễ khánh thành, bàn giao hỗ trợ nhà ở cho gia đình anh Nguyễn Văn Long.

Căn nhà mới của gia đình anh Long rộng rãi, đầy đủ các phòng công năng; kết cấu chống bão, lũ, phù hợp với tình hình thời tiết của địa phương với tổng kinh phí xây dựng hơn 250 triệu đồng, trong đó, Hội Chữ thập đỏ tỉnh kêu gọi hỗ trợ 70 triệu đồng.

Anh Long chia sẻ: “Làm nghề đánh bắt hải sản nhiều năm nay nhưng vì không có thuyền bè, chỉ đi biển bằng thuyền thúng nên thu nhập của gia đình tôi chẳng đáng là bao. Nhà đông miệng ăn, chi phí cho các con học hành tốn kém nên luôn ao ước có căn nhà vững chãi, khang trang nhưng “lực bất tòng tâm”. Nay được Hội Chữ thập đỏ tỉnh kêu gọi hỗ trợ, tôi mạnh dạn vay mượn thêm họ hàng, làng xóm giúp đỡ ngày công để xây nhà. Đây là niềm vui rất lớn đối với gia đình tôi”.

Chương trình đã giúp nhiều hộ ngư dân nghèo có chỗ ở ổn định, an toàn.

Bên cạnh việc xây dựng nhà ở, trao mô hình kế để ngư dân ổn định cuộc sống, hội chữ thập đỏ các cấp trên địa bàn tỉnh cũng triển khai chương trình “An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn” với nhiều hoạt động phong phú nhằm cải thiện điều kiện lao động, đảm bảo an toàn cho ngư dân.

Tháng 4/2023, Hội Chữ thập đỏ huyện Cẩm Xuyên ra mắt Đội Cứu hộ, cứu nạn xã Cẩm Nhượng với 12 thành viên. Đội được trang bị một thuyền cứu hộ với đầy đủ áo phao, thiết bị bảo hộ, dụng cụ y tế… Sau hơn 1 năm thành lập, đội đã tích cực tham gia các hoạt động như tuần tra ven biển; tham gia công tác đảm bảo an toàn cho các lễ hội tại địa phương; hỗ trợ ngư dân và du khách tắm biển khi có sự cố…

Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Trương Thanh Huyền dự lễ ra mắt và trao thuyền cứu hộ cho Đội Cứu hộ, cứu nạn xã Cẩm Nhượng vào tháng 4/2023. Ảnh tư liệu.

Ông Đặng Thế Quy - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, Bảo trợ xã hội, kiêm Đội trưởng Đội Cứu hộ, cứu nạn xã Cẩm Nhượng cho biết: “Các thành viên của đội đều phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất để góp phần đảm bảo an toàn cho người dân khu vực ven biển. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tích cực tham gia các lớp tập huấn về cứu nạn, cứu hộ, an toàn trên biển do các cấp, ngành tổ chức để nâng cao năng lực ứng phó khi xẩy ra sự cố”.

Hội Chữ thập đỏ huyện Kỳ Anh lựa chọn triển khai chương trình theo hình thức tham gia cùng các cấp, ngành ra mắt mô hình dân vận khéo “Phòng chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển” vào đầu tháng 7/2024.

Theo đó, huyện hội đã trao hỗ trợ hàng trăm lá cờ Tổ quốc, áo phao cứu sinh cho ngư dân có thuyền đánh bắt trên địa bàn; sẵn sàng hỗ trợ các đơn vị liên quan trong quá trình mô hình dân vận khéo đi vào hoạt động.

Không chỉ giúp ngư dân nghèo có cuộc sống, công việc ổn định, an toàn, chương trình còn tạo động lực để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.

Trong hơn 2 năm triển khai chương trình “An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn”, các cấp hội chữ thập đỏ trên địa bàn tỉnh đã huy động được hơn 4,2 tỷ đồng. Từ nguồn lực này, đã có hàng nghìn ngư dân được hỗ trợ nhà ở, sinh kế, trao tặng dụng cụ bảo hộ an toàn trên biển; được tập huấn, trang bị kiến thức pháp luật…

Tính riêng từ đầu năm 2024 đến nay, các cấp hội đã hỗ trợ xây mới, sửa chữa 7 nhà ở; trao 15 mô hình sinh kế; tặng 150 áo phao, 12 túi sơ cấp cứu và 700 lá cờ Tổ quốc; trao học bổng cho học sinh nghèo và hỗ trợ khám chữa bệnh, cấp phát thuốc cho hàng trăm người; truyền thông kiến thức về pháp luật và sơ cấp cứu cho 740 ngư dân… với tổng nguồn lực hơn 1,7 tỷ đồng.

Thực hiện Chương trình “An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của hội chữ thập đỏ các cấp trong giai đoạn 2022 - 2027. Chương trình có ý nghĩa rất lớn trong việc hỗ trợ ngư dân các địa bàn nghèo, đặc biệt khó khăn có cuộc sống ổn định, môi trường làm việc an toàn hơn. Từ đó, ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, tuân thủ quy định pháp luật trong khai thác, chế biển hải sản; phát huy ý thức và vai trò trong việc góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Bà Trần Thị Hải Việt - Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói