Nghiên cứu khoa học nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Từ năm 2020 đến nay, ngành Y tế Hà Tĩnh có hơn 350 đề tài nghiên cứu khoa học được áp dụng hiệu quả. Qua đó, nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân.

Nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của Nhân dân, trong những năm qua, ngành Y tế Hà Tĩnh chú trọng đến các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và sáng kiến kinh nghiệm vào công tác khám chữa bệnh.

KH Y te 1A.jpg
Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị cho người bệnh.

Là cơ sở y tế đầu ngành và tuyến cuối của y tế tỉnh nhà nên thời gian qua, BVĐK tỉnh đã có sự quan tâm lớn cho công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào hoạt động chuyên môn. Mỗi năm bệnh viện có từ 20-25 đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến kỹ thuật. Trong đó, nhiều đề tài được ứng dụng đem lại hiệu quả cao trong công tác khám và điều trị cho người bệnh.

Theo đó, đề tài: “Đặc điểm di căn xương trên xạ hình toàn thân bằng 99mTc-MDP của bệnh nhân ung thư phổi” của tác giả Võ Văn Phương, Nguyễn Việt Hùng đã cung cấp các bằng chứng cho bác sỹ ung bướu về tình trạng di căn xương của người bệnh ung thư phổi, từ đó đánh giá cải thiện chất lượng sống ở bệnh nhân trước và sau hóa trị liệu.

Đề tài “Đánh giá hiệu quả của liệu pháp điều trị sớm theo mục tiêu ở bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn” của nhóm tác giả Hoàng Quang Trung, Nguyễn Xuân Thái và Nguyễn Sỹ Trình qua nghiên cứu ở 32 bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn được điều trị tại Khoa Cấp cứu chống độc - BVĐK tỉnh cho thấy, liệu pháp điều trị sớm theo mục tiêu đã cải thiện được các rối loạn về lâm sàng và cận lâm sàng, giảm được liều thuốc vận mạch, giảm được tỷ lệ tử vong cho người bệnh.

KH y te 3A.jpg
Đề tài “Tỷ lệ mắc và hiệu quả can thiệp rối loạn phổ tự kỷ trẻ em từ 18-60 tháng tại Hà Tĩnh” góp phần nâng cao hiệu quả công tác điều trị cho trẻ bị phổ tự kỷ tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Tĩnh.

Không chỉ ở BVĐK tỉnh mà tại các bệnh viện chuyên khoa, công tác nghiên cứu khoa học cũng được chú trọng triển khai và xem là tiêu chí để đánh giá, xếp loại thi đua của các khoa phòng và cá nhân hằng năm. Từ thực tiễn, kinh nghiệm và tâm huyết của các y bác sỹ đã có nhiều đề tài mới, có tính sáng tạo và ứng dụng cao được nghiên cứu. Điển hình như đề tài: “Tỷ lệ mắc và hiệu quả can thiệp rối loạn phổ tự kỷ trẻ em từ 18-60 tháng tại Hà Tĩnh” của tác giả Phạm Thị Phương - Phó Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Tĩnh.

Bác sỹ Phạm Thị Phương cho biết: “Nghiên cứu trên 17.080 trẻ từ 18-60 tháng tuổi cho thấy, tỷ lệ mắc chứng tự kỷ trong độ tuổi này là 0,48%. Từ thực tế đó, chúng tôi có những kiến nghị để phát hiện, can thiệp sớm trẻ tự kỷ, làm giảm nhẹ, khắc phục những khuyết tật của trẻ, giảm các khoản chi phí về vật chất, thời gian, giúp trẻ có cơ hội học tập và dễ hòa nhập với cộng đồng”.

Đề tài: “Tuân thủ điều trị của bệnh nhân lao ngoại trú tại Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh năm 2022 và một số yếu tố ảnh hưởng” của tác giả Nguyễn Thị Hoài Thương cũng đã nghiên cứu vấn đề cần quan tâm trong công tác phòng, chống lao, đặc biệt là việc tuân thủ điều trị của bệnh nhân lao ngoại trú. Đây là thông tin quan trọng làm cơ sở trong việc xây dựng kế hoạch quản lý điều trị người bệnh lao trong bối cảnh mới, đồng thời đưa ra các giải pháp cải thiện kết quả điều trị.

KH y te 4A.jpg
Đề tài khoa học cấp tỉnh “Xác định sự phân bổ quần thể véc tơ truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue và một số yếu tố liên quan tại tỉnh Hà Tĩnh” góp phần mang lại hiệu quả trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết.

Trong công tác phòng, chống dịch, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cũng có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học gắn với nghiên cứu dịch tễ học các dịch bệnh thường xảy ra trên địa bàn. Trung bình mỗi năm, Trung tâm có khoảng 5 – 8 đề tài khoa học các cấp. Đặc biệt, đề tài khoa học cấp tỉnh “Xác định sự phân bổ quần thể véc tơ truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue và một số yếu tố liên quan tại tỉnh Hà Tĩnh” của nhóm tác giả Nguyễn Lương Tâm, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Hữu Thanh, Nguyễn Chí Trung, Nguyễn Công Hiếu, Hồ Thị Tú đã thực hiện nghiên cứu tại 13 xã/phường trên địa bàn tỉnh từ tháng 7/2019 đến tháng 10/2020.

Bác sỹ Nguyễn Chí Trung – một trong những tác giả đề tài cho biết: “Qua nghiên cứu, chúng tôi đã tìm hiểu được đặc điểm, sự phân bố của véc tơ truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue và mối liên quan giữa véc tơ truyền bệnh sốt xuất huyết dengue với các yếu tố khí hậu. Từ kết quả nghiên cứu, chúng tôi đã có những giải pháp hiệu quả trong việc giám sát dịch tễ và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại cộng đồng, đặc biệt tại các địa phương thường xuyên lưu hành dịch bệnh”.

K y te 2A.jpg
Tác giả các đề tài xuất sắc nhận thưởng tại Hội nghị khoa học ngành Y tế Hà Tĩnh lần thứ VI (tháng 6/2024).

Nhằm ghi nhận và đánh giá hoạt động nghiên cứu khoa học, Sở Y tế cũng đã định kỳ tổ chức các hội nghị khoa học của ngành. Tại hội nghị khoa học ngành Y tế Hà Tĩnh lần thứ VI vừa qua, phần lớn các đơn vị đều có đề tài tham gia, từ các lĩnh vực lâm sàng, cận lâm sàng đến lĩnh vực y tế công cộng, dược, điều dưỡng - chăm sóc người bệnh, y học cổ truyền... Hội đồng Khoa học và Công nghệ Sở Y tế đã lựa chọn được 22 đề tài tiêu biểu để in kỷ yếu khoa học và chọn ra 12 đề tài để báo cáo tại hội nghị.

Các báo cáo tại hội nghị đã thực sự thu hút đội ngũ chuyên môn về tính mới, sáng tạo và tính ứng dụng cao trong toàn ngành. Theo số liệu thống kê, từ năm 2020 đến nay, các đơn vị trực thuộc Sở Y tế đã có hơn 350 đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến được nghiệm thu đạt phạm vi ảnh hưởng và hiệu quả áp dụng cấp cơ sở, có 15 sáng kiến được công nhận nghiệm thu đạt phạm vi ảnh hưởng và hiệu quả áp dụng cấp tỉnh; toàn ngành thực hiện 6 đề tài, nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh.

Hằng năm, Sở Y tế đã giao các đơn vị phải có kế hoạch về nghiên cứu khoa học và lấy đó làm tiêu chí thi đua. Công tác nghiên cứu khoa học đã trở thành phong trào thi đua sâu rộng trong cán bộ, viên chức, người lao động với chất lượng và tính ứng dụng ngày càng cao. Nhiều đề tài, công trình khoa học được nghiên cứu từ thực tế đã giúp ích rất nhiều trong việc nâng cao kiến thức, phổ biến kinh nghiệm và áp dụng có hiệu quả để nâng cao chất lượng chuyên môn, công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân.

Ông Nguyễn Minh Đức – Giám đốc Sở Y tế

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

Chuyên gia dịch tễ khuyến cáo gì về bệnh bạch hầu?

Chuyên gia dịch tễ khuyến cáo gì về bệnh bạch hầu?

Điểm nguy hiểm của bệnh là tỷ lệ tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời. Những trường hợp nặng có thể dẫn đến nhiễm độc, nhiễm trùng nặng, đặc biệt là gây các tổn thương viêm cơ tim, nguy cơ tử vong cao...
Cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về sàng lọc sơ sinh

Cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về sàng lọc sơ sinh

Sàng lọc sơ sinh sẽ giúp sớm phát hiện bệnh cho trẻ để điều trị kịp thời, do đó, việc tuyên truyền thực hiện vấn đề này theo cơ chế xã hội hóa ở Hà Tĩnh cần được triển khai quyết liệt hơn nhằm góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Hy vọng mới cho bệnh nhân đa u tủy xương tại Việt Nam

Hy vọng mới cho bệnh nhân đa u tủy xương tại Việt Nam

Theo giới chuyên gia, việc điều trị đa u tủy xương trên thế giới đã có tín hiệu lạc quan với sự ra đời của nhiều loại thuốc mới, trong đó có những phác đồ đường uống hiệu quả, an toàn và thuận tiện.