Sốt xuất huyết có thể xuất hiện quanh năm

(Baohatinh.vn) - Từ đầu năm đến nay, Hà Tĩnh phát hiện 9 ca mắc sốt xuất huyết. Dù chưa xuất hiện ổ dịch, song ngành y tế khuyến cáo người dân không chủ quan vì dịch có thể xuất hiện quanh năm.

Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận gần 29.000 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), trong đó có 3 ca tử vong. Còn tại Hà Tĩnh đã ghi nhận 9 ca mắc tại 5 địa phương gồm: TX Kỳ Anh, Hương Sơn, Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Can Lộc, trong đó, 3 ca mắc nội tại và 6 ca vãng lai.

SXH 2024A.jpg
Bệnh nhân P.T.T điều trị tại Trung tâm Y tế TP Hà Tĩnh.

Ca bệnh được phát hiện gần nhất là trường hợp chị P.T.T (SN 1982, thôn Sơn Phú, xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà). Ngày 23/6, bệnh nhân đi từ TP Gia Nghĩa (tỉnh Đăk Nông) – vùng có dịch SXH về tại nhà người thân ở thôn Sơn Phú. Đến ngày 24/6, bệnh nhân có biểu hiện sốt trên 39,5 độ, đau cơ, đau đầu nên ra trạm y tế để thăm khám. Trên cơ sở các triệu chứng và điều tra dịch tễ, cán bộ y tế chuyển bệnh nhân lên trung tâm y tế để làm các xét nghiệm. Kết quả, bệnh nhân dương tính với SXH.

Bác sỹ Nguyễn Đức Ánh – Trạm trưởng Trạm Y tế xã Mai Phụ cho biết: “Ngay sau khi nhận được thông tin, chúng tôi đã nhanh chóng đến nơi ở của bệnh nhân P.T.T để tiến hành giám sát, điều tra xem có trường hợp nào khác bị sốt không rõ nguyên nhân không. Trạm cũng đã kịp thời tổ chức vệ sinh môi trường, khử khuẩn khu vực xung quanh nhà ở để phòng tránh lây lan dịch bệnh. Đến nay, qua giám sát thường xuyên, cán bộ y tế vẫn chưa phát hiện thêm trường hợp sốt không rõ nguyên”.

Về phía bệnh nhân P.T.T, sau gần 1 tuần điều trị tại Trung tâm Y tế TP Hà Tĩnh, hiện nay, tình hình sức khỏe đã dần ổn định. Các bác sỹ điều trị cho biết, khoảng 2 ngày nữa, bệnh nhân có thể xuất viện về nhà.

sxh 2024 1A.jpg
Khi có ca bệnh nghi ngờ mắc SXH, lực lượng y tế nhanh chóng tiến hành xét nghiệm để xác định kết quả, từ đó triển khai phòng, chống dịch kịp thời.

Trước đó, tại xã Kỳ Nam (TX Kỳ Anh) cũng phát hiện một trường hợp đi từ tỉnh Đồng Nai về mắc SXH. Bệnh nhân N.V.T (SN 1989) đến trạm y tế với các triệu chứng sốt cao, đau đầu, đau khớp, đau cơ. Qua xét nghiệm cho thấy bệnh nhân dương tính với SXH. Ngay khi phát hiện ca bệnh, Trung tâm Y tế thị xã Kỳ Anh phối hợp với y tế địa phương tổ chức vệ sinh môi trường, phun hóa chất khử khuẩn quanh khu vực bệnh nhân sinh sống. Đồng thời, tổ chức giám sát chặt chẽ tại địa bàn để phát hiện kịp thời các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.

Đây là 2 trong 9 ca bệnh mắc sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay. Dù chưa xuất hiện ổ dịch song ngành y tế cảnh báo người dân không được chủ quan lơ là, nhất là thời điểm từ nay đến cuối năm, nguy cơ bùng phát dịch rất cao.

vsmt 1A.jpg
Người dân cần chủ động trong công tác vệ sinh môi trường, làm sạch các nơi chứa nước.

Bác sỹ Nguyễn Chí Trung – Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Từ thực tiễn tình hình SXH trên địa bàn cả nước và trên địa bàn tỉnh cho thấy dịch có xu hướng xuất hiện quanh năm. Chính vì vậy, đòi hỏi y tế cơ sở và người dân cần nhận thức rõ xu hướng này để chủ động các biện pháp phòng, chống dịch, không chủ quan, lơ là. Khi xuất hiện ca bệnh nghi ngờ, phải triển khai các giải pháp phòng, chống kịp thời, bài bản để khống chế ngay từ đầu, tránh để lây lan, bùng phát thành dịch. Các cơ sở y tế, nhất là y tế ngoài công lập, cần có sự phối hợp chặt chẽ với lực lượng y tế dự phòng, khi phát hiện các ca bệnh nghi ngờ, kịp thời thông báo để triển khai giám sát và thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch".

Bác sỹ Nguyễn Chí Trung cũng cảnh báo: "Bệnh SXH đến nay chưa có vắc-xin phòng và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng, dẫn đến tử vong. Chính vì vậy, khi có các triệu chứng nghi ngờ như: sốt cao, phát ban, đau cơ, đau đầu… người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời".

Ngành y tế khuyến cáo, hiện nay, biện pháp phòng bệnh SXH chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt. Vì vậy người dân cần chủ động đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ; lật úp các dụng cụ không chứa nước; thường xuyên vệ sinh môi trường, loại bỏ các vật liệu phế thải như: chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp xe, vỏ xe cũ, hốc tre… để không cho muỗi đẻ trứng. Tham gia tích cực các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch, các chiến dịch ra quân diệt lăng quăng, vệ sinh môi trường tại khu dân cư do ngành y tế và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội phát động.

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

Bình Định ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A(H1N1)pdm

Bình Định ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A(H1N1)pdm

Theo Cục Y tế dự phòng, thông tin từ hệ thống giám sát dựa vào sự kiện, tại tỉnh Bình Định (huyện Phù Mỹ và huyện Vĩnh Thạnh) đã ghi nhận 4 trường hợp tử vong do nhiễm cúm A(H1N1)pdm.