Tất cả những cá nhân, tổ chức hoạt động SXKD trong lĩnh vực công nghệ cao, nông nghiệp sạch đều có thể tiếp cận tín dụng ưu đãi này. Cụ thể, lãi suất cho vay vốn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn đều thấp hơn từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm so với mức lãi suất cho vay thông thường.
Với nhiều tiêu chí đề ra, các doanh nghiệp khó tiếp cận được gói tín dụng cho vay công nghệ cao, nông nghiệp sạch.
Khách hàng vay vốn theo chương trình được sử dụng tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản đảm bảo cho khoản vay theo quy định của pháp luật. Về phía ngân hàng, đây chính là cơ hội để các nhà băng “rót” vốn vào mảnh đất màu mỡ như nông nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Diên - Giám đốc Chi nhánh Agribank Hà Tĩnh cho hay: “Agribank Hà Tĩnh đã sẵn sàng dành một nguồn vốn cho nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Cùng với sự vào cuộc của tỉnh, đồng vốn sẽ đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân và doanh nghiệp (DN). Vấn đề nằm ở chỗ, dự án có đáp ứng được các tiêu chí như Bộ NN&PTNT và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đề ra hay không?”. Cho đến thời điểm này, gói tín dụng này tại Hà Tĩnh vẫn “đóng” im lìm, chưa phát sinh dư nợ.
Trên thực tế, vốn là yếu tố hàng đầu cho phát triển sản xuất, nhất là đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao. Và, không phải người dân, DN nào cũng không mặn mà với cuộc cách mạng nông nghiệp. Chỉ có điều những thông tin về gói tín dụng còn quá ít ỏi đến với DN dù đã được hướng dẫn cụ thể bởi 2 cơ quan liên quan trực tiếp là Bộ NN&PTNT và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Trong khi đó, các điều kiện đáp ứng để được tiếp cận vốn mà Bộ NN&PTNT đề ra không dễ chút nào. Dự án nông nghiệp công nghệ cao phải nằm trong khu hoặc vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được công nhận; dự án được tích hợp từ thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại, tạo ra sản phẩm chất lượng. Dự án nông nghiệp sạch phải thực hiện ở các cơ sở SXKD được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn theo Thông tư 48/2013/TT- BNN&PTNT; đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo Thông tư 45/2014/TT-BNN&PTNT; DN nông nghiệp công nghệ cao theo quy định; dự án VietGAP có quy trình sản xuất nông nghiệp tốt… Qua “cửa ải” của ngân hàng, khách hàng còn phải chứng minh về tài sản thế chấp, việc mà lâu nay khó tìm được tiếng nói chung giữa ngân hàng và người đi vay.
Nhiều DN cho rằng, ngân hàng luôn đòi hỏi tài sản có thể thế chấp bằng đất, còn những tài sản khác được thẩm định rất thấp. Thế nhưng, đất sản xuất nông nghiệp không phải ở đâu cũng có sổ đỏ, có khi cả khu sản xuất có cả đất mượn, đất thuê thì DN khó mà “với” được vốn vay. Bà Võ Thị Hồng Minh - Giám đốc Công ty CP Giống cây trồng Hà Tĩnh cho biết: “Là DN đạt khoa học công nghệ, phát triển nông nghiệp công nghệ cao là định hướng lâu dài của công ty. Có được vốn ưu đãi này chính là giải được bài toán về vốn. Tuy nhiên, đầu tư nông nghiệp là lĩnh vực khó, nhiều rủi ro, chúng tôi cần phải tìm hiểu kỹ hơn về các đối tượng và khung pháp lý trước khi vay”.
Nhìn nhận một cách thẳng thắn ở nền nông nghiệp Hà Tĩnh, bóng dáng của DN đầu tư vào lĩnh vực này đang yếu thế. Việc không đáp ứng được các tiêu chí cho vay, nhiều nguy cơ DN, người sản xuất Hà Tĩnh sẽ bị đánh bật khỏi cuộc chơi đầy hấp dẫn này. Đã từng có nhiều gói tín dụng đành phải “đóng cửa” trước người sản xuất Hà Tĩnh. Chẳng hạn tại Agribank, trước gói 100.000 tỷ đồng, chương trình tín dụng ưu đãi nông nghiệp sạch đã được triển khai, song sau gần nửa năm, Chi nhánh Hà Tĩnh cũng không có báo cáo dư nợ nào. Hay, dự án liên kết cho vay thí điểm phát triển nông nghiệp tại Nhà máy Chế biến súc sản Mitraco của Vietcombank với hơn 35 tỷ đồng, đánh giá liên tục thua lỗ. Dòng tiền từ dự án không đáp ứng được việc trả nợ đã đẩy cả DN lẫn ngân hàng vào khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Trước đây, một số DN đã tiếp cận được nguồn vốn phát triển chuỗi sản xuất, thế nhưng, trong “sân chơi” nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, DN phải thực sự “đủ sức khỏe” mới theo đến cùng được. Hiện, tỉnh đang tiến hành xúc tiến đầu tư, mời gọi DN lớn đầu tư, nhằm tạo động lực cho sự phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, công nghệ cao”.