Hà Tĩnh: 3 thập kỷ chung sức đẩy lùi nghèo đói, nâng cao đời sống Nhân dân

(Baohatinh.vn) - Từ nhiệm vụ cấp thiết “thực hiện công cuộc xóa đói giảm nghèo” sau ngày tái lập tỉnh đến Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020-2025, Hà Tĩnh đang hiện thực hóa mục tiêu: “cải thiện toàn diện đời sống Nhân dân”.

Thành tựu to lớn trong công cuộc xóa đói giảm nghèo (XĐGN) là kết quả của sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt và linh hoạt của cả hệ thống chính trị trong suốt 3 thập kỷ tái lập tỉnh.

Từ đầu tư hạ tầng sản xuất, xóa nhà tranh tre dột nát…

Với cao trình thiết kế đỉnh đập đạt 57,8m, dung tích hồ chứa 775 triệu m3, hồ Ngàn Trươi có nhiệm vụ tích nước và điều tiết lũ cho vùng hạ du. Ảnh PV.

Ngày mới tách tỉnh, Hà Tĩnh xếp vào hàng nghèo nhất nước với tỷ lệ đói nghèo hơn 58%; nhiều huyện như: Kỳ Anh, Hương Khê, Hương Sơn có tỷ lệ hộ đói nghèo chiếm trên 60%. Sản lượng lương thực đạt thấp; tình trạng “đói giáp hạt” luôn xảy ra.

Trước tình hình đó, công tác XĐGN được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong phát triển KT-XH sau khi tách tỉnh.

Nhiều nghị quyết, quyết định về chương trình XĐGN đã được Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh ban hành, tập trung vào các nhiệm vụ như: ưu tiên hàng đầu nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ nông nghiệp, đồng thời ứng dụng mạnh mẽ KHKT, thay đổi bộ giống để nâng cao hiệu quả sản xuất; huy động cả hệ thống chính trị xóa nhà tranh tre dột nát, ngói hóa nhà ở, giúp người dân ổn định cuộc sống.

Năm 2021, sản lượng bưởi toàn huyện Hương Khê ước đạt 21 nghìn tấn. Ảnh: Dương Chiến

Cần một cơ sở hạ tầng đủ mạnh để tổ chức sản xuất thì người dân mới giảm đói nghèo là điều trăn trở, thôi thúc các thế hệ lãnh đạo tỉnh và các địa phương tranh thủ kết nối, huy động nguồn lực đầu tư từ Trung ương.

Chia sẻ niềm vui mừng trước sự khởi sắc rõ nét của kinh tế huyện nhà và sự thay đổi vượt bậc trong thu nhập của người dân Hương Khê hiện nay, nguyên Chủ tịch UBND huyện Phan Văn Quý kể lại với chúng tôi về dấu mốc đầu tiên cho bước chuyển của nông nghiệp huyện nghèo, đó là sự kiện công trình thủy lợi sông Tiêm được Trung ương đầu tư xây dựng năm 1995. Tiếp đó, hệ thống công trình thủy lợi nhỏ, nhiều đường giao thông nông thôn ra đời, nhanh chóng kết nối vùng miền, tạo “cú hích” phát triển kinh tế huyện nghèo; nạn đói cơ bản được đẩy lùi.

Video: Nguyên Chủ tịch UBND huyện Hương Khê Phan Văn Quý kể về nỗ lực XĐGN của huyện.

Trong câu chuyện về XĐGN những ngày đầu tái lập tỉnh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đặng Duy Báu thường kể lại những ngày hết sức khó khăn nhưng tỉnh vẫn quyết tìm cho được cách để huy động nguồn lực giúp dân phát triển sản xuất, xóa nhà tranh tre dột nát, ngói hóa nhà ở và hỗ trợ các địa phương bê tông hóa giao thông nông thôn.

Năm 2001, BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết 02/TU về tiếp tục lãnh đạo chương trình XĐGN - giải quyết việc làm và xây dựng nông thôn mới (NTM); tiếp đó, BTV Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị 14 CT/TU về việc thực hiện cuộc vận động xóa nhà tranh tre dột nát và Chỉ thị 43-CT/TU về chương trình ngói hóa nhà ở.

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, đến năm 2005, toàn tỉnh đã “xóa” được 12.000 nhà tranh tre dột nát, thay thế bằng nhà “3 cứng” (nền cứng, khung cứng, mái cứng). Hà Tĩnh là tỉnh dẫn đầu cả nước về phong trào xóa nhà tranh tre dột nát, ngói hóa nhà ở cho người dân trong giai đoạn 2001-2005.

… Đến giúp hộ nghèo có địa chỉ, không để ai bị bỏ lại phía sau

Xã Hương Trạch - vùng quê từng ở tốp cuối của huyện Hương Khê - huyện thuộc diện đặc biệt khó khăn của cả nước, giờ đây đang sáng bừng sắc màu của ấm no, trù phú.

Ông Cao Song Hiền - Trưởng thôn Tùng Lĩnh cho biết, ngoài những người già cả, bệnh tật bất khả kháng, còn lại người còn sức lao động đều đã thoát nghèo, nhiều hộ đã vươn lên làm giàu.

Người dân thôn Tùng Lĩnh, Hương Trạch chung sức xây dựng khu dân cư kiểu mẫu.

Cùng Trưởng thôn đến thăm hộ chị Nguyễn Thị Hồng, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của xã, chúng tôi được biết, gia đình chị được quan tâm ưu tiên các nguồn lực XĐGN như: hỗ trợ con giống, vay vốn ưu đãi và được Hội LHPN các cấp cùng chính quyền địa phương huy động xây dựng ngôi nhà kiên cố vào năm 2016.

Bây giờ, mẹ con chị đã có 3 sào bưởi Phúc Trạch cho thu hoạch; trong chuồng có nhiều lợn, bò, gà… cho thu nhập ổn định. Năm 2015, chị Hồng thoát nghèo và cách đây 2 năm, đã ra khỏi danh sách hộ cận nghèo.

Gia đình chị Nguyễn Thị Hồng đã xây dựng ngôi nhà kiên cố, phát triển sản xuất, chăn nuôi, có thu nhập ổn định.

Trở lại địa bàn ngập sâu ở xã Tân Lâm Hương (Thạch Hà) trong cơn bão lịch sử tháng 10/2020, ông Phạm Đình Hòa - Bí thư Chi bộ - Thôn trưởng thôn Sơn Trình dẫn chúng tôi đến nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh, trú bão lũ, giới thiệu từng hạng mục công trình và gọi đó là “ngôi nhà mong ước”.

Khuôn viên nhà văn hóa rộng 5.000 m2, tầng 1 hoạt động thể thao, giải trí; tầng 2 gồm các phòng: sinh hoạt cộng đồng; bếp ăn; 2 khu vệ sinh nam, nữ; nhà kho....

Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng dự lễ khánh thành, gắn biển công trình nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão, lũ tại thôn Sơn Trình, xã Tân Lâm Hương (Thạch Hà).

“Tỉnh thấu hiểu lòng dân vùng lũ, nhà tài trợ mở rộng tấm lòng thì thôn chúng tôi mới có được công trình trị giá gần 3 tỷ đồng như thế này. Nhà văn hóa cộng đồng đáp ứng việc hội họp, sinh hoạt văn hóa, thể thao… cho gần 200 người dân; khi có thiên tai, lũ lụt thì đủ chỗ sơ tán cho gần 100 người dân cùng tài sản ở tầng 2 và chứa được khoảng 100 con gia súc ở tầng 1” - Bí thư Chi bộ, Thôn trưởng thôn Sơn Trình vui mừng cho biết.

Ông Phạm Đình Hòa, Bí thư Chi bộ - Thôn trưởng thôn Sơn Trình chia sẻ niềm vui của người dân trong thôn khi có nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão, lũ.

Được biết, chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2021, toàn xã Tân Lâm Hương đã làm mới được 2 nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh, trú bão lũ; 60 nhà ở kiên cố cho hộ nghèo, gia đình chính sách gặp hoàn cảnh khó khăn. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 3,2%, hộ cận nghèo là 4,25%.

Xuyên suốt mục tiêu giúp người dân giảm nghèo bền vững, các chương trình hỗ trợ của tỉnh đã tập trung đầu tư hạ tầng, hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ phát triển sản xuất theo hướng tiếp cận trực tiếp từng hộ nghèo, hộ đặc biệt khó khăn và ưu tiên cho những vùng thường xuyên chịu tác động của thiên tai.

Chi hội Phụ nữ tổ dân phố 15, thị trấn Cẩm Xuyên mổ lợn tiết kiệm tặng con giống, thức ăn, chế phẩm sinh học cho chị Bùi Thị Liên, hộ nghèo đơn thân, tháng 3/2020.

Những năm gần đây, với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, tỉnh chỉ đạo các địa phương tiến hành phân loại hộ nghèo và có giải pháp, chính sách riêng để hỗ trợ thêm hằng tháng cho hộ nghèo bất khả kháng, hộ già cả neo đơn, gia đình có các thành viên hưởng chính sách bảo trợ xã hội…

Vững vàng hướng tới mục tiêu cải thiện toàn diện đời sống Nhân dân

Trong từng giai đoạn khác nhau, Hà Tĩnh đã ban hành các chương trình, đề án giảm nghèo bền vững với nhiều giải pháp đồng bộ trên các lĩnh vực theo hướng tiếp cận đa chiều.

Trong 30 năm tái lập tỉnh, hàng chục nghìn tỷ đồng đã được huy động cho việc thực hiện đề án giảm nghèo. Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh, chỉ tính riêng giai đoạn 2008-2020, chương trình giảm nghèo đã huy động được trên 16.540 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, theo Ủy ban MTTQ tỉnh, chỉ tính từ năm 2014-2020, Quỹ “Vì người nghèo” các cấp đã nhận được gần 250 tỷ đồng tiền ủng hộ, hỗ trợ cho hàng nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo làm mới và sửa chữa nhà ở, hỗ trợ vốn phát triển sản xuất, tặng quà tết, hỗ trợ đột xuất, khám, chữa bệnh và hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó học giỏi.

Đường về xã nông thôn mới nâng cao Tượng Sơn (Thạch Hà). Ảnh PV.

Với nguồn lực lớn, cách làm hiệu quả, trong 30 năm tái lập tỉnh, Hà Tĩnh đã đạt và vượt các mục tiêu về giảm nghèo do Trung ương đề ra: tỷ lệ hộ nghèo năm 1992 chiếm 56,01%, đến năm 2000 giảm xuống 22,51%, năm 2005 còn 10,75%, năm 2015 còn 5,82 % và đến năm 2020 còn 3,41%.

Năm 2019, Hà Tĩnh thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững, gắn mục tiêu giảm nghèo trong xây dựng NTM, đô thị văn minh ở các địa phương.

Lộ trình phát triển nền kinh tế tỉnh nhà với 3 trụ cột công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ sẽ mang đến những kết quả giảm nghèo vững chắc hơn trong giai đoạn mới. Ảnh: Khu kinh tế Vũng Áng, ảnh PV.

Trong giai đoạn mới, đề án giảm nghèo bền vững sẽ tiếp tục được triển khai đồng bộ, hiệu quả, trong đó, đặc biệt tập trung giảm nghèo vùng núi, ven biển; tiếp tục huy động xã hội hóa để giúp đỡ các hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội đảm bảo trên mức sống trung bình; giảm tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ hộ cận nghèo thấp hơn bình quân cả nước.

Công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội gắn kết với xây dựng NTM, đô thị văn minh ở các địa phương và lộ trình phát triển nền kinh tế tỉnh nhà với 3 trụ cột công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ sẽ mang đến những kết quả giảm nghèo vững chắc hơn trong giai đoạn mới.

Thành phố Hà Tĩnh Thành phố Hà Tĩnh từ cửa ngõ phía Nam. Ảnh: Huy Tùng

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020-2025 đặt mục tiêu thu nhập bình quân đầu người ở Hà Tĩnh đạt 70 triệu đồng vào năm 2025, cao hơn bình quân các tỉnh Bắc Trung Bộ; phấn đấu đến năm 2030, trở thành tỉnh khá của cả nước. Hà Tĩnh đang bước lên một bậc thang mới trong lộ trình giảm nghèo, hướng tới sự đổi thay toàn diện cả về đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói