Hà Tĩnh: 34 xã mới đi vào ổn định, giảm 695 cán bộ, công chức cấp xã sau sáp nhập

(Baohatinh.vn) - Hà Tĩnh thành công trong sắp xếp đơn vị hành chính nhờ công tác thông tin, tuyên truyền được chú trọng; công khai các phương án tổ chức bộ máy, nhân sự, giải quyết cơ bản hợp lý nguyện vọng của Nhân dân.

Kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh khóa XII đã nghe Báo cáo Kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 819/NQ-UBTVQH14 ngày 21/11/2019 của UBTV Quốc hội và Nghị quyết số 156/2019/NQ-HĐND ngày 17/7/2019 của HĐND tỉnh với những thành công mang tính bước ngoặt.

34 xã mới theo Nghị quyết số 819 đi vào ổn định, nâng cao hiệu lực, chất lượng hoạt động

Đó là đánh giá của Ban Pháp chế sau khi tiến hành giám sát trực tiếp tại 4 huyện có số lượng đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp lớn gồm: Thạch Hà, Hương Sơn, Đức Thọ và Can Lộc; 15 xã, thị trấn và 15 thôn, tổ dân phố ở các huyện.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh cùng lãnh đạo huyện Thạch Hà trao quyết định thành lập cho BCH Đảng bộ xã Tân Lâm Hương vào ngày 1/1/2020

Tổng số đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp trong năm 2019 gồm 80 đơn vị, chiếm 127% so với số xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp; giảm 46 xã, hình thành 34 xã mới. Sau sắp xếp, hiện nay, toàn tỉnh còn 216 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 17,56 % so với số xã trước khi sắp xếp; đồng thời thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính xã Hương Minh, huyện Vũ Quang.

Cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân huyện Cẩm Xuyên đồng tình cao với chủ trương sáp nhập xã.

Thành công trong sắp xếp đơn vị hành chính nhờ vào công tác thông tin, tuyên truyền được chú trọng thực hiện với nhiều nội dung đa dạng, phong phú; công khai các phương án sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự, giải quyết cơ bản hợp lý nguyện vọng của Nhân dân. Việc lấy ý kiến cử tri được tổ chức tốt, tỷ lệ đồng tình đạt trung bình 92,15%. Đặc biệt, đến nay, không phát sinh đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh.

Việc sắp xếp tổ chức bộ máy, bầu cử các chức danh của HĐND, UBND, bố trí người làm việc ở các phòng, ban tại các xã, phường, thị trấn sau sắp xếp đảm bảo đúng hướng dẫn của tỉnh, định hướng của huyện, đề án cấp xã, tạo được sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ Võ Công Hàm (thứ 2 từ phải sang) trò chuyện với cán bộ Huyện ủy đã nghỉ công tác về các bước triển khai trong sáp nhập xã

UBND các huyện, thành phố đã thực hiện kịp thời sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế; rà soát, bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách theo đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức cấp xã; kết hợp đồng bộ các giải pháp như vận động nghỉ việc, nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ hưởng chính sách, bố trí cán bộ kiêm nhiệm các chức danh, luân chuyển cán bộ, công chức về huyện và sang các xã khác...

Ngoài ra, các địa phương đã bố trí trụ sở làm việc của các đơn vị hành chính mới đảm bảo nằm ở vị trí trung tâm, thuận lợi cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và thực hiện các nhiệm vụ chính trị cũng như các giao dịch hành chính, dân sự của người dân. Tiếp tục quan tâm đầu tư hệ thống cơ sở vật chất; tích cực xây dựng Đề án sáp nhập các đơn vị sự nghiệp ở các đơn vị hành chính mới như trường học, trạm y tế.

Ngay sau khi công bố quyết định thành lập Đảng bộ các ĐVHC cấp xã mới, những con dấu ban chấp hành đã được đưa vào sử dụng

Việc tổ chức đăng ký lại địa chỉ, các loại giấy tờ liên quan của tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đã được các cơ quan, đơn vị quan tâm, triển khai hướng dẫn, thực hiện kịp thời. Đến nay, các đơn vị mới hình thành do sắp xếp, điều chỉnh, thành lập đã có đủ con dấu của cơ quan, đơn vị, đảm bảo hoạt động theo quy định.

Giảm 695 cán bộ, công chức cấp xã sau sáp nhập

Toàn tỉnh hiện có 216 xã, phường, thị trấn. Sau khi thực hiện Nghị quyết 156/2019/NQ-HĐND, tổng số cán bộ, công chức cấp xã là 4.448 người (2.222 cán bộ, 2.226 công chức), giảm 695 người so với trước (358 cán bộ, 337 công chức).

“Sau sáp nhập xã, Hương Sơn cần tiếp tục sắp xếp cán bộ hợp lý” là nội dung trọng tâm được đề cập sau khi Ban Pháp chế HĐND tỉnh Hà Tĩnh thực hiện chương trình giám sát việc sắp xếp các đơn vị hành chính tại Hương Sơn.

Qua giám sát cho thấy, có 148 xã đã bố trí số lượng đảm bảo theo Nghị quyết số 156/2019/NQ-HĐND, còn 68 xã chưa đảm bảo số lượng theo Nghị quyết (34 xã thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính chưa xử lý hết số cán bộ, công chức dôi dư và 34 xã khác còn dôi dư).

Tổng số người hoạt động không chuyên trách cấp xã 1.753 người, giảm 788 người so với trước thời điểm có Nghị quyết số 156/2019/NQ-HĐND (2.451 người).

Hiện có 186 xã bố trí dưới hoặc bằng 8 người; 29 xã bố trí 9 người; 16 xã do sắp xếp đơn vị hành chính nên còn bố trí cao hơn so với Nghị quyết số 156/2019/NQ-HĐND. Số người hoạt động không chuyên trách cấp xã bình quân là 8,11 người/xã. Việc bố trí số lượng người hoạt động không chuyên trách cấp xã cơ bản đảm bảo theo quy định.

Cán bộ, công chức xã Bùi La Nhân (Đức Thọ) trao đổi một số nội dung về kiện toàn các tổ chức sau khi công bố thành lập Đảng bộ xã

UBND các xã, phường, thị trấn đã thực hiện nghiêm túc việc bố trí số lượng người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố, đảm bảo 2 người/3 chức danh. Do giảm số lượng người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, khuyến khích thực hiện kiêm nhiệm nên bình quân mức phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ở thôn, tổ dân phố của tỉnh cao hơn mức bình quân quy định tại Nghị định 34/34/2019/NĐ-CP của Chính phủ.

Việc cấp, chi trả mức bồi dưỡng cho người trực tiếp tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố đảm bảo theo quy định của Nghị quyết số 156/2019/NQ-HĐND (thôn, tổ dân phố loại 1 được hỗ trợ 25 triệu đồng/thôn, tổ dân phố/năm; thôn, tổ dân phố loại 2 được hỗ trợ 22 triệu đồng/thôn, tổ dân phố/năm; thôn, tổ dân phố loại 3 được hỗ trợ 20 triệu đồng/thôn, tổ dân phố/năm).

Đại diện lãnh đạo Công an tỉnh Hà Tĩnh và lãnh đạo huyện Hương Sơn tặng hoa chúc mừng các cán bộ công an chính quy được điều động về đảm nhiệm các chức danh công an xã Kim Hoa và xã Sơn Châu.

Hà Tĩnh cũng đã chủ động xây dựng đề án, ban hành Nghị quyết số 197/2020/NQ-HĐND ngày 24/3/2020 về chính sách hỗ trợ đối với Trưởng Công an, Phó Trưởng Công an và Công an viên thường trực các xã, thị trấn nghỉ việc để bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã, thị trấn. Đến nay các địa phương đã hoàn thành việc bố trí 596 công an chính quy về công tác tại 195 xã, thị trấn; thực hiện tốt việc luân chuyển, điều động, bố trí, vận động nghỉ chính sách đối với 261 đồng chí là Trưởng, Phó, Công an viên thường trực trước đây.

Hỗ trợ kinh phí thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã

Đó là một trong những nội dung mà Ban Pháp chế HĐND tỉnh đề xuất với Chính phủ dựa trên cơ sở những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 819/NQ-UBTVQH14 ngày 21/11/2019 của UBTV Quốc hội và Nghị quyết số 156/2019/NQ-HĐND ngày 17/7/2019 của HĐND tỉnh. Cùng đó là nghiên cứu, xem xét để có các chính sách ưu tiên trên lĩnh vực kinh tế - xã hội đối với các xã, thị trấn thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính.

Cử tri Nguyễn Văn Hùng, xã Khánh Vĩnh Yên (Can Lộc) đề xuất chính sách hỗ trợ cho các xã, thị trấn sau sáp nhập

Nghiên cứu, sửa đổi Nghị định 34/2019/NĐ-CP theo hướng kiêm nhiệm chức danh mà giảm được 1 người trong số lượng quy định tối đa tại Nghị định thì được hưởng mức phụ cấp kiêm nhiệm chức danh. Trường hợp địa phương quy định số lượng cán bộ, công chức thấp hơn mức tối đa đã quy định tại Nghị định, người kiêm nhiệm chức danh được hưởng phụ cấp 50% mức lương bậc 1, cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) của chức danh kiêm nhiệm. Đồng thời, có quy định cụ thể chế độ phụ cấp cho các đối tượng (thôn đội trưởng; công an viên; nhân viên y tế, dân số - kế hoạch hóa gia đình).

Đề nghị UBND quy định cụ thể việc bố trí tăng thêm người ở một số chức danh công chức cấp xã phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của từng xã, phường, thị trấn (trừ chức danh Trưởng Công an xã và Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã), nhưng không vượt quá tổng số cán bộ, công chức cấp xã quy định tại Nghị quyết số 156/2019/NQ-HĐND.

Nghiên cứu, xem xét trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 156/2019/NQ-HĐND ở một số nội dung như: khoán quỹ phụ cấp để chi trả hàng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách ở mỗi thôn, tổ dân phố; Nâng mức hỗ trợ phù hợp với tình hình thực tiễn cho các thôn, tổ dân phố. Chỉ đạo các địa phương rà soát quy hoạch, có kế hoạch đầu tư nâng cấp trụ sở làm việc, các công trình phục vụ cho hoạt động của cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể ở xã, thị trấn, nhà văn hóa tại các khu dân cư và cơ sở hạ tầng khác...

UBND các huyện, xã tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn hoạt động của các các đơn vị hành chính mới, nhất là trong sắp xếp, bố trí tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách, tiếp tục đi vào ổn định và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Chỉ đạo các đơn vị hành chính mới thực hiện việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch nông thôn mới; gắn với việc xử lý, sử dụng đất đai, tài sản dư thừa sau sắp xếp đảm bảo hiệu quả.

Hoàn thành việc sắp xếp, sáp nhập các trạm y tế, trường học; rà soát các thôn, tổ dân phố chưa đảm bảo tiêu chuẩn để chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn xây dựng đề án sáp nhập. Chỉ đạo công an cấp huyện tiếp tục thực hiện tốt việc cấp đổi, đăng ký lại các loại giấy tờ của tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân ở các đơn vị hành chính mới.

UBND các đơn vị hành chính mới thực hiện tốt các nội dung liên quan đến đề án sắp xếp đơn vị mình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo đúng lộ trình, chất lượng, hiệu quả; rà soát để có giải pháp xử lý các khoản nợ xây dựng cơ bản, các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân tồn đọng từ trước khi sắp xếp xã. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền các nội dung của Nghị quyết số 156/2019/NQ-HĐND để đảm bảo thực hiện đúng quy định.

Chủ đề Sáp nhập xã ở Hà Tĩnh

Chủ đề Kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói