Người dân Cẩm Xuyên bỏ phiếu cho ý kiến về chủ trương sáp nhập xã
Năm 2019, Hà Tĩnh tiến hành sắp xếp 80 xã với 2.321 cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách. Sau sắp xếp, toàn tỉnh giảm 46 xã, hình thành 34 xã mới.
Để sắp xếp và đảm bảo quyền lợi cho đội ngũ cán bộ dôi dư do sáp nhập, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 164 về một số chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người hoạt động không chuyên trách cấp xã trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2019 – 2021.
Đến nay toàn tỉnh đã có 1.188 cán bộ, công chức, bán chuyên trách cấp xã xin nghỉ để hưởng chính sách hỗ trợ của tỉnh
Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, người hoạt động bán chuyên trách thực hiện chủ trương, đến nay toàn tỉnh đã có 1.188 người tự nguyện xin nghỉ để hướng chính sách theo Nghị quyết 164.
Các địa phương có số lượng cán bộ, công chức, bán chuyên trách xin nghỉ để hưởng chính sách lớn như: Hương Sơn 174 người, Can Lộc 158 người, Đức Thọ 141 người, Thạch Hà 123 người…
Theo ông Lương Quang Diên – Trưởng phòng Ngân sách huyện xã - Sở Tài chính, đây là những cán bộ, công chức, bán chuyên trách được các huyện tổng hợp và gửi lên Sở Nội vụ thẩm định. Sau đó, khi được UBND tỉnh đồng ý về mặt chủ trương, Sở Tài chính đã tiến hành tính toán để hỗ trợ cho các đối tượng theo quy định của Nghị quyết.
Ông Nguyễn Trọng Tình - Phó Chủ tịch HĐND xã Đức Thanh là một trong những người tiên phong viết đơn xin nghỉ hưu trước tuổi (Ảnh: Đức Thanh).
Theo tổng hợp, tổng số kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng là trên 33,9 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh trên 21 tỷ đồng, kinh phí của các địa phương gần 12,9 tỷ đồng.
“Sở đã hướng dẫn các huyện tạo điều kiện cho các xã gặp khó khăn trong việc bố trí kinh phí do hụt thu được ứng trước ngân sách. Còn đối với cấp huyện, đơn vị nào khó khăn thì làm văn bản báo cáo Sở Tài chính xin ứng trước ngân sách để cấp cho các đối tượng. Sở sẽ trừ bổ sung, cân đối của năm sau” – ông Lương Quang Diên cho biết thêm.