Hà Tĩnh có hơn 170 vị trí sạt lở nghiêm trọng

(Baohatinh.vn) - Ước tính khối lượng sạt lở ở Hà Tĩnh là hơn 680.000m3 đất đá. Các địa phương có mức độ sạt lở tập trung cao như: Cẩm Xuyên, Hương Khê, Hương Sơn, TX Kỳ Anh, Vũ Quang.

Hà Tĩnh có hơn 170 vị trí sạt lở nghiêm trọng

Sạt lở núi Nam Giới, xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà khiến 3.000 m3 đất đá tràn vào các nhà dân.

Do ảnh hưởng của mưa lũ, từ ngày 19 - 20/10, khu vực núi Nam Giới, thôn Tân Phong, xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng khiến 3.000m3 đất đá tràn xuống nhà của 3 hộ dân sống xung quanh.

Vụ sạt lở nghiêm trọng làm hư hại một số tài sản nhưng may mắn không gây thương vong về người bởi chính quyền địa phương đã chủ động sơ tán các hộ dân tới nơi an toàn từ trước.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà Nguyễn Văn Sáu: Có 7 hộ dân đang sinh sống tại khu vực núi Nam Giới và có nguy cơ cao bị sạt lở mỗi khi có mưa lũ. Để đảm bảo sớm ổn định đời sống, an toàn tính mạng và tài sản cho người dân, huyện đã có công văn gửi tỉnh về việc xin di dời, tái định cư các hộ dân.

Hà Tĩnh có hơn 170 vị trí sạt lở nghiêm trọng

Huyện Thạch Hà kiến nghị UBND tỉnh di dời, tái định cư cho các hộ dân nằm dưới chân núi Nam Giới.

2 phương án mà địa phương này đề xuất là tỉnh chỉ đạo BQL Dự án mỏ sắt Thạch Khê bố trí 7 lô đất ở khu tái định cư Thạch Bàn 2 hoặc huyện giao cho xã Đỉnh Bàn quy hoạch xen dắm các lô đất gần UBND xã để tái định cư cho các hộ gia đình.

“Các hộ dân mong muốn được di dời, tái định cư để ổn định cuộc sống. Họ sinh sống bằng nuôi trồng thủy sản, đánh bắt cá nên có đề xuất về địa điểm tái định cư gần khu vực sản xuất” - Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà Nguyễn Văn Sáu thông tin.

Trong đợt mưa lũ tháng 10, huyện Đức Thọ đã sơ tán 7 hộ dân sống dưới núi Rú Dầu, thôn Thượng Tiến, xã Hòa Lạc khi khu vực sườn núi xuất hiện vệt sụt lún lớn, có nơi rộng tới gần 1m, gây nguy cơ cao sạt lở đất mỗi khi mưa lớn kéo dài.

Hà Tĩnh có hơn 170 vị trí sạt lở nghiêm trọng

Để đảm bảo an toàn cho người dân, chính quyền các địa phương dựng biển báo cấm ở các khu vực núi sạt lở. (Trong ảnh: xã Hòa Lạc, huyện Đức Thọ cử lực lượng chốt chặn ở điểm có sạt lở ở núi Rú Dầu).

Trước tình trạng này, địa phương đã đề nghị tỉnh cho chủ trương di dời, tái định cư các hộ dân, đảm bảo cuộc sống lâu dài với phương án là phần đất hiện nay đang sinh sống thì chỉ được phép sản xuất nông, lâm nghiệp, làm vườn, còn nơi ở mới thì sẽ xây dựng, bố trí vào khu tái định cư, có chính sách hỗ trợ để người dân có điều kiện xây nhà tại nơi ở mới.

Ngoài khu vực núi Nam Giới, núi Rú Dầu thì sau các đợt mưa lũ lớn vừa qua, sạt lở đất còn xảy ra ở nhiều địa phương ở Hà Tĩnh. Tình trạng sạt lở xảy ra chủ yếu ở các khu vực chân núi, các tuyến đường giao thông, bờ kè, mái taluy, chân cầu, bờ biển, kè chắn sóng.

Hà Tĩnh có hơn 170 vị trí sạt lở nghiêm trọng

Trước tình trạng bờ biển ở xã Kỳ Lợi bị sạt lở nghiêm trọng, TX Kỳ Anh kiến nghị sớm di dời 16 hộ dân và 300 ngôi mộ.

Giám đốc Sở TN&MT Hà Tĩnh Hồ Huy Thành cho hay: Qua thống kê, toàn tỉnh có trên 170 vị trí xảy ra sạt lở ở 11 huyện, thị xã với khối lượng ước tính 680.000m3 đất đá, ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của người dân.

Một số địa phương mức độ sạt lở tập trung cao như Cẩm Xuyên (58 vị trí), Hương Sơn (24 vị trí), Hương Khê (31 vị trí), TX Kỳ Anh (14 vị trí), Vũ Quang (11 vị trí), Nghi Xuân (11 vị trí), Kỳ Anh (9 vị trí).

Hà Tĩnh có hơn 170 vị trí sạt lở nghiêm trọng

Mưa lũ khiến mố cầu Tô Bố Ba và bờ sông ở xã Hương Lâm, huyện Hương Khê bị xói lở.

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng sạt lở xảy ra nhiều nơi ở Hà Tĩnh là do địa hình tỉnh ta có nhiều đồi núi dốc, phân cách mạnh, nhiều vùng do hoạt động địa chất tạo đới phong hóa dày, đất đá mềm bở, tình trạng mưa lớn kéo dài làm đất đá bị bão hòa, sũng nước làm tăng các lực gây trượt, giảm các lực kháng trượt, thúc đẩy nhanh quá trình trượt lở, kết hợp với các yếu tố bất lợi khác như thảm phủ thực vật nhiều nơi bị suy giảm…

Hà Tĩnh có hơn 170 vị trí sạt lở nghiêm trọng

Sạt lở ở hạ tràn hồ Kẻ Gỗ cuốn trôi nhiều diện tích keo của người dân thôn Mỹ Sơn, xã Cẩm Mỹ trong đợt mưa lũ vừa qua (Ảnh: Trâm Phuong)

Trước tình trạng sạt lở có nguy cơ cao tiếp tục tái diễn trong những năm tiếp theo, nhất là về mùa mưa bão, có thể ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản, cuộc sống của người dân, Sở TN&MT kiến nghị các ngành chức năng cần sớm kiểm tra, đánh giá cụ thể mức độ tác động của từng điểm sạt lở, sụt lún để có giải pháp kịp thời.

Từ thống kê của Sở TN&MT cùng đề nghị của các địa phương về việc xin chủ trương di dời các hộ dân nằm trong vùng nguy cơ cao ảnh hưởng bởi tình trạng sạt lở, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng vừa có văn bản giao BCH Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan kiểm tra, đánh giá cụ thể tình hình sạt lở và đề xuất phương án xử lý.

Chủ đề Mưa lũ ở Hà Tĩnh

Đọc thêm

Đào phai vào mùa tuốt lá

Đào phai vào mùa tuốt lá

Thời điểm này, các chủ vườn đào ở xã Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đang tất bật tuốt lá để đào ra nụ và lộc mới, cung ứng ra thị trường vào dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

Hệ thống cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh từng bước được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.