Hà Tĩnh gắn chuyển đổi số với xây dựng nên hành chính hiệu lực, hiệu quả

(Baohatinh.vn) - Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 22/10/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 được xem là “chìa khóa” để Hà Tĩnh phát triển chính quyền số, kinh tế số, hướng đến xã hội số, xây dựng nền hành chính hiệu lực, hiệu quả.

Nhiều lĩnh vực tiếp cận chuyển đổi số

Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến việc tổ chức mọi hoạt động chính trị, KT-XH. Trong bối cảnh đó, việc ứng dụng công nghệ trong các hoạt động đã được thúc đẩy tích cực, bước đầu đi vào lộ trình chuyển đổi số.

Hà Tĩnh gắn chuyển đổi số với xây dựng nên hành chính hiệu lực, hiệu quả

Hà Tĩnh chính thức vận hành trung tâm giám sát và điều hành thông minh để xây chứng chính quyền số.

Một trong những hoạt động ứng dụng khá hiệu quả công nghệ số của các ngành chức năng, đó là việc kết nối các sàn thương mại điện tử để tiêu thụ cam, bưởi và một số sản phẩm nông nghiệp khác cho người dân. Mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng hàng trăm tấn cam, bưởi của Hà Tĩnh đã được tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử nổi tiếng như: Postmart, Voso, Hatiplaza, Shopee, Lazada, Sendo…

Theo ông Nguyễn Mạnh Tường - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương Hà Tĩnh), cùng với các sàn thương mại điện tử, tỉnh còn tổ chức nhiều hội nghị trực tuyến để quảng bá sản phẩm cam và bưởi, thông qua hệ thống Zoom, kết nối trực tuyến với các bộ, ngành và địa phương trong cả nước. Cùng với đó, hoạt động truy xuất nguồn gốc nông sản, quản lý các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP, VietGAP được triển khai qua các phần mềm, ứng dụng số đã giảm được nhiều thời gian, công sức cho lực lượng chức năng, giảm phiền hà cho người sản xuất, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý, giám sát của các cơ quan nhà nước, hạn chế được việc tập trung đông người.

Hà Tĩnh gắn chuyển đổi số với xây dựng nên hành chính hiệu lực, hiệu quả

Kết nối các sàn thương mại điện tử để tiêu thụ cam, bưởi và một số sản phẩm nông nghiệp cho người dân.

Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin (CNTT), việc dạy học trực tuyến, quản lý hoạt động của giáo viên, học sinh trực tuyến, thực hiện các bài giảng, bài thi điện tử… đều đã được ngành giáo dục triển khai sâu rộng ở các cấp học. Đặc biệt, ngành đang từng bước số hóa dữ liệu quản lý liên quan đến cán bộ, công chức, học sinh, tạo sự minh bạch, chặt chẽ và thống nhất trong quản lý.

Trên lĩnh vực y tế, đến nay, 100% cơ sở khám chữa bệnh BHYT trong tỉnh đều đã triển khai thực hiện hiệu quả phần mềm quản lý khám chữa bệnh, dữ liệu khám chữa bệnh. Đặc biệt, Hà Tĩnh đã thực hiện việc kết nối với các bệnh viện tuyến Trung ương, tham gia các ca hội chẩn với các giáo sư, tiến sỹ, các chuyên gia đầu ngành ở các bệnh viện lớn và nhận được sự hỗ trợ ngay trên các hệ thống CNTT.

Bác sỹ Nguyễn Tuấn - Quyền Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Việc ứng dụng các phần mềm trong quá trình hoạt động đã giúp nhiều người bệnh được hưởng dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại Hà Tĩnh mà không phải mất nhiều thời gian và chi phí đi lại”.

Hà Tĩnh gắn chuyển đổi số với xây dựng nên hành chính hiệu lực, hiệu quả

Ngành y tế Hà Tĩnh đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong việc ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối khám chữa bệnh từ xa cho người dân.

Theo đánh giá từ Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT), việc ứng dụng CNTT trong công tác điều hành, quản lý thời gian qua đã từng bước đi vào chiều sâu và thể hiện rõ nét từ tỉnh đến cơ sở. 100% văn bản được gửi, nhận trực tuyến giữa các cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện; 99% văn bản giữa cơ quan cấp xã với các cơ quan cấp tỉnh và huyện (trừ các văn bản mật) và kết nối đồng bộ văn bản điện tử với Chính phủ, các bộ, ngành. 100% cơ quan cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, ứng dụng chữ ký số, công khai minh bạch thường xuyên hoạt động trên cổng/trang thông tin điện tử. Hệ thống hội nghị trực tuyến đã triển khai đồng bộ đến cấp huyện, nhiều địa phương đã triển khai đến tận cấp xã, góp phần tiết kiệm thời gian hội họp. Cổng Dịch vụ công của tỉnh đã cập nhật đầy đủ, kịp thời công khai 100% dịch vụ công trực tuyến, đồng bộ với Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Gắn chuyển đổi số với cải cách hành chính

Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 22/10/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh “Về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” đã xác định mục tiêu trọng tâm là phát triển hạ tầng số, cơ sở dữ liệu số, tạo nền tảng phát triển chính quyền số, kinh tế số, hướng đến xã hội số; gắn quá trình chuyển đổi số với cải cách hành chính nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng cung cấp dịch vụ công của chính quyền các cấp. Để đạt được mục tiêu tổng thể đó, đòi hỏi các cấp, ngành thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể theo từng năm.

Hà Tĩnh gắn chuyển đổi số với xây dựng nên hành chính hiệu lực, hiệu quả

Người dân đến giao dịch tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Theo ông Lê Văn Dũng - Trưởng phòng CNTT (Sở TT&TT), năm 2022, Hà Tĩnh xác định sẽ tiếp tục phát triển các chức năng và kết nối hệ thống dữ liệu quản lý chuyên ngành vào Hệ thống Giám sát và điều hành thông minh của tỉnh. Tiến hành nâng cấp các hệ thống dùng chung của tỉnh như: cổng dịch vụ công trực tuyến, hệ thống quản lý hồ sơ công việc… hướng tới giao dịch điện tử và quản lý hồ sơ điện tử. Đặc biệt, ngành chuyên môn sẽ tiến hành triển khai tích hợp và chia sẻ dữ liệu, kết nối đồng bộ hệ thống dữ liệu dùng chung giữa các ngành để hình thành cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh và đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia. Đẩy mạnh việc số hóa hồ sơ dữ liệu của các ngành, thực hiện chứng thực điện tử, tiến tới xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung và cơ sở dữ liệu mở.

Hà Tĩnh gắn chuyển đổi số với xây dựng nên hành chính hiệu lực, hiệu quả

Hà Tĩnh thường xuyên tổ chức các đợt tập huấn nâng cao kỹ năng CNTT và bảo đảm an toàn mạng cho cán bộ các sở, ngành, địa phương.

Ông Đậu Tùng Lâm - Giám đốc Sở TT&TT cho biết: “Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu về chuyển đổi số năm 2022 và xa hơn là tổng thể cả giai đoạn, đòi hỏi nhận thức về công tác chuyển đổi số của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành phải có sự thay đổi. Các đơn vị, địa phương phải chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện các nội dung về chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử phù hợp với đặc điểm, tình hình của đơn vị mình.

Trước hết, cần đẩy mạnh việc chuyển đổi số từ chính trong hoạt động của cơ quan Đảng, chính quyền, MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội các cấp trên các phương diện: số hóa hồ sơ, văn bản, tài liệu, quy trình nghiệp vụ, triển khai ứng dụng các nền tảng công nghệ số trong lãnh đạo, quản lý, cung cấp dịch vụ công, kết nối liên thông đồng bộ dữ liệu. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận với hoạt động chuyển đổi số trong các hoạt động giao dịch hành chính, sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ. Đây là giải pháp cơ bản để tạo ra các “công dân điện tử”, “công dân số”.

Chủ đề Cải cách hành chính

Đọc thêm

Bình Định ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A(H1N1)pdm

Bình Định ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A(H1N1)pdm

Theo Cục Y tế dự phòng, thông tin từ hệ thống giám sát dựa vào sự kiện, tại tỉnh Bình Định (huyện Phù Mỹ và huyện Vĩnh Thạnh) đã ghi nhận 4 trường hợp tử vong do nhiễm cúm A(H1N1)pdm.