Từ đầu tháng 6 lại nay, BVĐK thành phố Hà Tĩnh tiếp nhận, điều trị 20 bệnh nhi mắc tay chân miệng
Có 2 con đang phải điều trị bệnh tay chân miệng tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) TP Hà Tĩnh, chị N.T.H (xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc) cho biết: "Trước đó 2 cháu có tắm chung bể nước trong nhà với con của chị gái. Sau đó 1 ngày, cả 3 cháu đều sốt cao, quấy khóc và xuất hiện những mụn nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và ở miệng.
Ban đầu chỉ nghĩ là có thể bé bị nổi mẩn do dị ứng thời tiết hoặc côn trùng cắn nên tự mua thuốc điều trị. Tuy nhiên, mãi vẫn không khỏi nên chị đưa con đến Khoa Nhi (BVĐK TP Hà Tĩnh) thăm khám mới biết các cháu bị tay chân miệng”.
Còn với chị T.T.T (xã Thạch Hải, huyện Thạch Hà), khi thấy con gái 2 tuổi xuất hiện nóng sốt, bỏ ăn nhiều ngày, nổi nhiều bọng nước ở miệng, tay chân, chị đưa đến Trạm Y tế xã khám và được chẩn đoán viêm mạc lợi. Sau 2 ngày uống thuốc không đỡ, chị T. đưa con vào BVĐK thành phố Hà Tĩnh mới biết cháu bị tay chân miệng. Sau 3 ngày theo dõi, dùng thuốc theo phác đồ, đến nay sức khỏe cháu đã ổn định.
Bác sỹ Khoa Nhi (BVĐK thành phố Hà Tĩnh) kiểm tra cho cháu N.K.H
Theo số liệu từ BVĐK thành phố Hà Tĩnh, từ đầu tháng 6 đến nay, Khoa Nhi đã tiếp nhận và điều trị 20 bệnh nhân mắc tay chân miệng, chủ yếu là các cháu nhỏ dưới 5 tuổi. Tất cả các bệnh nhi nhập viện đều có biểu hiện sốt cao, bỏ bú, nổi nhiều bọng nước đỏ ở mông, bàn chân, tay, đầu gối...
Hầu hết trước khi nhập viện, các cháu đều được bố mẹ tự mua thuốc điều trị ở nhà ít ngày nhưng không đỡ nên mới chuyển đến bệnh viện khám và điều trị. Lúc này, bệnh các bé đã chuyển nặng, quá trình điều trị kéo dài hơn, ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe.
Các bác sỹ Khoa Truyền nhiễm (BVĐK tỉnh) thăm khám cho một bệnh nhi bị tay chân miệng.
Còn tại Khoa Truyền nhiễm (BVĐK tỉnh), từ đầu tháng 6 đến nay cũng đã ghi nhận 7 ca mắc tay chân miệng. Thống kê ban đầu từ ngành y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước có gần 38.531 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó 12.845 trường hợp nhập viện điều trị, nhiều nhất tập trung ở các tỉnh phía Nam. Còn tại Hà Tĩnh, dù bệnh tay chân miệng chưa bùng phát thành dịch, nhưng từ đầu năm đến nay đã ghi nhận hơn 100 trường hợp mắc bệnh vào điều trị tại các cơ sở y tế.
Bệnh tay chân miệng thể hiện ban đầu trẻ thường sốt nhẹ, trẻ lớn đau họng, đau miệng, chảy nước miếng và biếng ăn hơn; trẻ nhỏ thường đau khóc, bỏ bú. Khi đó, trong miệng trẻ có thể đã có những vết loét đỏ xuất hiện nhiều ở vòm miệng, môi trong, lợi, lưỡi và có thể thấy những vết phát ban dạng phỏng nước, hoặc vết nổi cộm trên da ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông của trẻ. Nếu trẻ sốt hơn 39 độ C và có những triệu chứng khác như: bứt rứt, khó ngủ, quấy khóc hoặc ngủ li bì, thỉnh thoảng giật mình và giơ hai tay lên thì cần đưa đến bệnh viện kịp thời.
Các biểu hiện của bệnh tay chân miệng (ảnh internet)
“Bệnh tay chân miệng có thể có các biến chứng rất nguy hiểm như: viêm não, màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp và dẫn tới tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử lý kịp thời.
Hiện nay, bệnh chưa có thuốc phòng ngừa và điều trị, bệnh có thể tái đi tái lại nhiều lần do có thể nhiễm nhiều chủng vi-rút khác nhau. Nếu trẻ có các triệu chứng của bệnh cần đưa đi khám tại cơ sở y tế, thực hiện việc điều trị, theo dõi và chăm sóc đúng chỉ dẫn của bác sỹ” – bác sỹ Bảo chia sẻ thêm.
Theo khuyến cáo từ ngành y tế, để phòng tránh bệnh tay chân miệng, phụ huynh cần cho trẻ ăn đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, uống sữa, ăn cháo bình thường, tăng cường uống nước hoa quả để bổ sung vitamin. Thực hiện ăn chín, uống chín, bát, đũa, thìa và các vật dụng ăn uống khác phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng. Tuyệt đối không mớm thức ăn cho trẻ, không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi, không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống... |