Hà Tĩnh hóa giải tình trạng thiếu giáo viên tiểu học

(Baohatinh.vn) - Nhiều giải pháp đang được chính quyền các cấp và ngành Giáo dục Hà Tĩnh tập trung triển khai nhằm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên bậc tiểu học, tạo điều kiện để học sinh có điều kiện học tập ổn định trong năm học mới.

Dồn lớp, tăng tiết, bố trí giáo viên đặc thù làm chủ nhiệm

Năm học này, Trường Tiểu học Thạch Tân (Thạch Hà) có hơn 700 học sinh với 21 lớp nhưng chỉ có 18 giáo viên văn hóa. Để duy trì các hoạt động trong ngày tựu trường và ổn định nền nếp chuẩn bị cho năm học mới, trường đã phải bố trí 3 giáo viên đặc thù đứng lớp.

Hà Tĩnh hóa giải tình trạng thiếu giáo viên tiểu học

Năm học này, Trường Tiểu học Thạch Tân có 21 lớp nhưng chỉ có 18 giáo viên văn hóa

Cô Thiều Thị Minh Châu - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạch Tân cho hay: “Đặc thù của bậc tiểu học, giáo viên chủ nhiệm phải là giáo viên văn hóa, nhưng thiếu giáo viên nên chúng tôi đành phải bố trí giáo viên ở bộ môn Mỹ thuật làm chủ nhiệm (gọi chung là giáo viên đặc thù). Để hỗ trợ cho các giáo viên đặc thù hoàn thành tốt nhiệm vụ này, ban giám hiệu nhà trường cũng sẽ điều động giáo viên văn hóa ở các lớp khác tăng cường dạy văn hóa cho các lớp có giáo viên đặc thù chủ nhiệm”.

Không chỉ ở Thạch Tân mà hầu hết các trường tiểu học ở Thạch Hà cũng đang trong tình trạng thiếu giáo viên đứng lớp.

Thầy Trần Quang Cảnh - Trưởng phòng GD&ĐT Thạch Hà cho biết: "Trong lúc chờ tuyển dụng hoặc hợp đồng, phòng chỉ đạo các trường vận động giáo viên văn hóa dạy tăng số tiết, thậm chí ở một số lớp sẽ phải dạy 2 ca”.

Hà Tĩnh hóa giải tình trạng thiếu giáo viên tiểu học

Nhiều trường đã phải dồn lớp, tăng sĩ số để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên

Tại Trường Tiểu học thị trấn Nghèn (huyện Can Lộc), năm nay, toàn trường có 32 lớp nhưng chỉ có 30 giáo viên. Để khắc phục tình trạng này, Phó Hiệu trưởng của trường đã phải kiêm trách nhiệm đứng lớp.

Cô Nguyễn Thị Hường - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Can Lộc cho biết: “Theo kế hoạch, năm nay, bậc tiểu học ở Can Lộc có 416 lớp nhưng do thiếu giáo viên nên chúng tôi đã thực hiện giải pháp dồn lớp, tăng sĩ số. Hiện tại, toàn huyện chỉ còn 400 lớp, thế nhưng tình trạng thiếu giáo viên vẫn chưa được khắc phục, để đủ giáo viên đứng lớp, ban giám hiệu các nhà trường đã phải kiêm luôn nhiệm vụ này”.

Điều chuyển, tuyển dụng giáo viên - giải pháp căn cơ

Để đảm bảo cho việc dạy và học đồng thời thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết 128/NQ-HĐND ngày 13/12/2018 của HĐND tỉnh đó là tỷ lệ giáo viên văn hóa đảm bảo 1,11 giáo viên/lớp thì toàn tỉnh vẫn còn thiếu 499 giáo viên tiểu học trong năm học 2019 - 2020 này.

Hà Tĩnh hóa giải tình trạng thiếu giáo viên tiểu học

Quyết định tuyển bổ sung số lượng giáo viên còn thiếu của tỉnh là tin vui cho bậc tiểu học

Để giảm áp lực cho các nhà trường, đồng thời hạn chế tình trạng thừa, thiếu cục bộ ở các cấp học, thời gian qua, Sở Nội vụ Hà Tĩnh đã phối hợp với chính quyền các địa phương rà soát lại thực tế, đồng thời đưa ra giải pháp chuyển một số giáo viên đặc thù còn thừa ở bậc THCS sang dạy các môn đặc thù ở bậc tiểu học. Việc điều chuyển này sẽ thực hiện ở nội huyện. Theo đó, đã có 54 giáo viên ở 9 huyện được điều động. Trong đó, nhiều nhất là Hương Khê với số lượng 18 giáo viên, Đức Thọ 11 giáo viên, Can Lộc 9 giáo viên, Cẩm Xuyên 7 giáo viên…

Đặc biệt, tin vui cũng đã đến với bậc tiểu học ngay trước thềm năm học mới khi UBND tỉnh đồng ý cho phép các địa phương tuyển 456 giáo viên còn thiếu ở bậc tiểu học. Thông tin này không chỉ mang đến niềm hy vọng về một cơ hội mới cho đội ngũ những giáo viên hợp đồng thời vụ mà cũng là lời giải cho bài toán khó về thiếu giáo viên đã tồn tại dai dẳng nhiều năm ở các nhà trường.

Năm học 2019-2020 được xác định là năm bản lề để hoàn tất các công đoạn chuẩn bị cho việc đưa chương trình giáo dục phổ thông mới áp dụng cho lớp 1 vào năm tới. Việc bổ sung đủ số lượng giáo viên không chỉ là giải pháp căn cơ để duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, mà còn được xem là một trong những cơ sở để các trường chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới vào năm tới.

Chủ đề Chủ trương - Chính sách

Đọc thêm

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trong suốt hành trình 40 năm phát triển, Trường Năng khiếu thị xã Hà Tĩnh xưa và Trường THCS Lê Văn Thiêm nay luôn là lá cờ đầu của ngành GD&ĐT tỉnh nhà. Không chỉ đảm đương sứ mệnh là “nôi” bồi dưỡng nhân tài, chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học sinh, Trường THCS Lê Văn Thiêm đang bắt nhịp xu thế, phát triển mô hình trường học tiên tiến, năng động, từng bước hội nhập quốc tế.
Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Hơn 17 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, thầy Trần Xuân Thắng (Trường THPT Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã dành trọn tình yêu thương cho học trò, chắp cánh cho các em bước tới tương lai.
“Cùng con học bài”

“Cùng con học bài”

Phong trào “Cùng con học bài” do Hội LHPN huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) triển khai không chỉ nhằm truyền đạt kiến thức mà còn là cơ hội để bố mẹ gắn kết hơn với con cái.
Mỗi năm, Hà Tĩnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp, xây mới trường học

Mỗi năm, Hà Tĩnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp, xây mới trường học

Thực hiện Đề án Xây dựng trường mầm non và phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, các địa phương đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện gắn với phong trào xây dựng NTM, đô thị văn minh. Mỗi năm các trường học đã được đầu tư hàng trăm tỷ đồng để củng cố, nâng cấp, xây mới.