Thông tin từ UBND huyện Vũ Quang, mực nước sông Ngàn Sâu đo được tại trạm Hòa Duyệt lúc 11 giờ 30 phút là 7,75m (trên báo động I là 0,25m) khiến một số xã hạ huyện như: Đức Bồng, Đức Giang, Đức Lĩnh bị ngập cục bộ; cá biệt có những nơi ngập sâu. (Trong ảnh: ngập sâu ở thôn 6, xã Đức Bồng).
Thôn 5 (xã Đức Bồng) có nhiều điểm bị cô lập.
Ông Nguyễn Hữu Điền - Phó Chủ tịch UBND xã Đức Bồng thông tin: “Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn xã đã có 3 thôn (thôn 4, 5 và thôn 6) bị ngập cục bộ; cá biệt một số khu vực bị ngập sâu, nước lên nhanh như ở thôn 4 và thôn 6. Trước tình hình mưa lũ đang diễn biến phức tạp, Ban Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của xã đã huy động các lực lượng quân sự, công an, đoàn thanh niên... khẩn trương rà soát lại các điểm xung yếu có nguy cơ ngập úng; xây dựng phương án sơ tán dân trong trường hợp khẩn cấp”.
Tại xã Đức Lĩnh, mưa lớn cũng đã khiến địa bàn thôn Thanh Sơn, Yên Du bị ngập sâu, địa phương phải cắm biển cảnh báo để người dân chủ động né tránh rủi ro. (Trong ảnh: tuyến được trục thôn Thanh Sơn bị cô lập, người dân không thể lưu thông qua lại).
Một số nơi ở xã Quang Thọ cũng bị ngập sâu và sạt lở dọc bờ sông Ngàn Sâu.
Sạt lở bờ sông Ngàn Sâu vào sát nhà ông Nguyễn Văn Lâm, ở thôn 6 (xã Quang Thọ).
Tuyến đường trục xã, đoạn qua thôn 7 (xã Quang Thọ) xuất hiện nhiều điểm sạt lở.
Ông Nguyễn Hùng Cường - Chủ tịch UBND xã Quang Thọ cho biết: "Sau trận mưa lớn từ đêm qua đến nay, trên địa bàn đã xuất hiện hàng chục điểm sạt lở lớn nhỏ; cá biệt những điểm ở bờ sông Ngàn Sâu sạt lở vào sát nhà dân, rất nguy hiểm. Địa phương đã cử lực lượng đến hỗ trợ bà con di dời tài sản, chủ động các phương án đề phòng mưa lũ kéo dài".
Sạt lở đồi trên tuyến trục thôn Thanh Bình (xã Đức Lĩnh).
Sạt lở vào sát nhà dân ở thôn 3 (xã Đức Bồng).
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Vũ Quang, trên địa bàn hiện có mưa trên diện rộng, các xã hạ huyện như: Đức Bồng, Đức Hương, Đức Lĩnh cần chủ động các phương án ứng phó, di dời dân, tài sản, nhất là vùng có thể xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất... nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra. Đối với những thôn bị cô lập, các địa phương cần kiểm tra các điều kiện đảm bảo an toàn, tránh không để người dân thiếu lương thực, nước uống; cắm biển cảnh báo tại các khu vực tuyến đường giao thông bị ngập, đảm bảo an toàn trong mưa lũ.
Tại huyện Kỳ Anh, 3 cầu tràn trên địa bàn xã Kỳ Lạc bị ngập sâu.
Tại Hương Khê, mái taluy dương trên Tỉnh lộ ĐT 553 đoạn dốc Mục Bài thuộc địa phận xã Hương Lâm giáp ranh với xã Hương Xuân xảy ra 3 điểm sạt lở nghiêm trọng.
Tại 3 điểm sạt lở trên, nước chảy mạnh kèm đất, đá tràn ra mặt đường khiến các phương tiện gặp nguy hiểm khi qua lại.
Đường Hồ Chí Minh đoạn qua cây xăng Phúc Đồng (Hương Khê) ngập sâu.
Mưa lớn đã gây ngập lụt tại nhiều địa bàn huyện Can Lộc. Thống kê sơ bộ cho thấy, có gần 200 hộ dân nước đã vào nhà ở các xã: Phú Lộc, Nhân Lộc, Khánh Vĩnh Yên, Trung Lộc, Sơn Lộc...
Nước vào nhà dân ở xã Gia Hanh.
Lực lượng chức năng xã Sơn Lộc giúp dân di dời tài sản.
Các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương giúp dân di dời tài sản nhằm giảm thiểu thiệt hại; đồng thời tăng cường truyên truyền để người dân an toàn khi đi đánh cá và di chuyển, nhất là với các em học sinh.
Mưa lớn cũng làm đổ gần 350m tường rào của 9 nhà dân ở xã Phú Lộc, trạm y tế và khoảng 30m tường rào của Trường THCS Gia Hanh. Ngoài ra, một hồ nuôi trồng thủy sản của các hộ dân trên địa bàn bị tràn bờ, gây thiệt hại lớn về tài sản. |
Lúc 14h chiều 30/10, mực nước tại trạm Chu Lễ là 12,68m (trên báo động 2 là 18cm), Mực nước sẽ còn tiếp tục lên, mức ngập lụt sẽ tăng dần. Trong những giờ tới, mưa có xu thế giảm nên mức tăng mực nước có thể không đột biến nhưng chiều nay đến sáng 31/10 vẫn còn có mưa to, lũ vẫn còn lên cao nên cần chủ động ứng phó, đặc biệt là các huyện Hương Khê và Vũ Quang