Chiều 25/8, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2019 – 2020, triển khai nhiệm vụ năm học 2020 – 2021.
Áp dụng linh hoạt mô hình trường học mới
Kết thúc năm học 2019 - 2020, toàn tỉnh có 239 trường tiểu học (giảm 13 trường so với năm học 2018-2019), 15 trường THPT&THCS (tăng 4 trường so với năm học trước); 3 trường tiểu học, THCS&THPT trực thuộc có cấp tiểu học; có 3.947 lớp, 118.586 học sinh, trung bình 30 học sinh/lớp.
Ông Trần Hậu Tú – Trưởng phòng Giáo dục phổ thông Sở GD&ĐT tỉnh báo cáo kết quả năm học 2019 – 2020.
Dù bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh nhưng năm học 2019 – 2020, ngành giáo dục Hà Tĩnh vẫn đạt được nhiều kết quả khả quan. Theo đó, các trường tiểu học đã linh hoạt lựa chọn thành tố tích cực của mô hình trường học mới Việt Nam để áp dụng vào trường mình.
Mô hình mới cơ bản nhận được sự đồng thuận của chính quyền, phụ huynh học sinh, sự tham gia tích cực của các nhà trường.
Đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu thành phố Hà Tĩnh.
Công tác triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 nói chung và lớp 1 nói riêng được thực hiện đồng bộ, bài bản với quyết tâm cao, đảm bảo theo đúng sự chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.
Đến thời điểm hiện tại, tất cả các điều kiện về cơ sở vật chất, trình độ đội ngũ giáo viên, sách giáo khoa đã cơ bản sẵn sàng cho năm học 2020 - 2021.
Triển khai song hành hai chương trình giáo dục phổ thông
Tại hội nghị, đại biểu đã thảo luận các vấn đề liên quan đến công tác chuẩn bị cho năm học mới như: đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, sách giáo khoa… Nhiều địa phương báo cáo tình hình thiếu giáo viên đứng lớp, đặc biệt giáo viên tiếng Anh, tin học, thể dục…, nhất là các huyện vùng sâu vùng xa. Điều này gây khó khăn cho việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, ảnh hưởng chất lượng giáo dục chung.
Ông Nguyễn Trường Thư – chuyên viên phụ trách bậc tiểu học Phòng GD&ĐT thành phố Hà Tĩnh: Thành phố cơ bản hoàn tất công tác chuẩn bị cho năm học mới, đặc biệt là rà soát, ưu tiên bố trí trang thiết bị dạy học cho học sinh lớp 1; đảm bảo hài hòa khi thực hiện song hành hai chương trình giáo dục.
Năm học 2020 – 2021 sẽ áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới với bậc tiểu học mà trọng tâm là lớp 1. Tuy nhiên, đội ngũ giáo viên dạy lớp 2 sẽ không có nhiều thời gian tiếp cận với sách giáo khoa mới, do đó, cần có kế hoạch tập huấn, hỗ trợ giáo viên và các nhà trường trong vấn đề này.
Đại biểu cũng đề nghị Sở GD&ĐT cần tham mưu tỉnh sớm bố trí kinh phí để địa phương, trường học mua sắm thêm trang thiết bị; góp ý với Sở Nội vụ về vấn đề tuyển dụng giáo viên phù hợp với tình hình thực tế dạy và học tại các địa phương.
Ông Lê Trọng Châu – Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Lộc Hà: Việc chọn sách giáo khoa còn nhiều bất cập, cần bố trí tập huấn bài bản cho giáo viên để nâng cao hiệu quả tiếp cận và triển khai sách giáo khoa mới.
Năm học 2020 – 2021, ngành GD&ĐT Hà Tĩnh xác định các nhóm nhiệm vụ: tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, đồng thời tổ chức thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 bảo đảm chất lượng, hiệu quả, trọng tâm là lớp 1.
Đảm bảo đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý đủ về số lượng, chuẩn hóa về trình độ đào tạo, đồng bộ về cơ cấu, nâng cao chất lượng theo chuẩn nghề nghiệp; bố trí đầy đủ cơ sở vật chất để đáp ứng chương trình giáo dục mới…