Vết nứt lớn xuất hiện ở núi Vò Vò, xã Hương Liên, huyện Hương Khê trong đợt mưa lớn liên tục vừa qua.
Vừa qua, do mưa lớn liên tục, khu vực núi Vò Vò ở thôn 1, xã Hương Liên, huyện Hương Khê xuất hiện vết nứt lớn. Ngay khi nhận được thông tin phản ánh từ người dân, UBND huyện Hương Khê cùng xã Hương Liên đã nhanh chóng kiểm tra thực địa.
Xác định tình huống nguy hiểm, nhiều khả năng xảy ra sạt lở đất, chính quyền địa phương đã nhanh chóng tổ chức sơ tán các hộ dân và tài sản nằm trong vùng nguy cơ tới nơi an toàn. Những ngày sau đó, khi tình hình ổn định, các gia đình này đã trở về nhà sinh sống.
“Theo dự báo, do ảnh hưởng hoàn lưu phía Bắc bão số 9 kết hợp với không khí lạnh tăng cường nên từ ngày 28 – 31/10, Hà Tĩnh sẽ xảy ra một đợt mưa to đến rất to, có nơi đặc biệt to với tổng lượng mưa các khu vực phổ biến 300 - 500 mm/đợt, có nơi trên 500 mm/đợt, gây nguy cơ lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi nên huyện đã lên kế hoạch tiến hành sơ tán các hộ dân tới nơi an toàn. Khi thời tiết ổn định, địa chất tốt hơn, địa phương sẽ huy động máy móc xử lý dứt điểm đoạn bị nứt” - Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê Phan Kỳ thông tin.
Các điểm sạt lở bờ sông cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Ảnh chụp ở bờ sông Ngàn Sâu, xã Điền Mỹ, huyện Hương Khê.
Theo ông Phan Kỳ, qua rà soát, huyện xác định có 41 hộ/120 người nằm trong vùng nguy cơ xảy ra sạt lở đất, trong đó, Hương Lâm 24 hộ, Hương Liên 3 hộ, còn lại nằm rải rác ở các xã Gia Phố, Hương Giang, Điền Mỹ. Khi có tình huống xấu xảy ra, địa phương sẽ nhanh chóng sơ tán những hộ này tới nơi kiên cố, an toàn.
Hương Sơn là huyện thường xuyên phải hứng chịu các đợt lũ lụt nên để chủ động đối phó có hiệu quả các tình huống do thiên tai gây ra, hằng năm, BCH Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện đã phân công trách nhiệm cho từng thành viên chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện nghiêm phương châm “4 tại chỗ”.
Các hộ gia đình nằm dưới chân núi có nguy cao xảy ra sạt lở đất sau các đợt mưa lớn.
Huyện cũng giao các địa phương nhanh chóng xác định các vùng trọng điểm xảy ra lũ quét, sạt lở đất như: Sơn Kim 2, Sơn Tây, Sơn Lĩnh, Sơn Hồng, Sơn Giang, Sơn Châu, Sơn Lâm, Sơn Kim 1, Sơn Kim 2; xã có nguy cơ ngập lụt sâu như: Sơn Châu, Sơn Bình, Tân Mỹ Hà, Sơn Trà, Sơn Long, Sơn Ninh, An Hòa Thịnh, Sơn Lễ, Sơn Tiến, Sơn Phú, Kim Hoa, Sơn Bằng, Sơn Giang, Quang Diệm, thị trấn Phố Châu linh hoạt chuẩn bị các phương án ứng phó.
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hương Sơn Uông Thị Kim Yến cho biết: Địa phương sẵn sàng sơ tán 1.107 hộ dân/2.536 người nằm trong vùng nguy hiểm. Trong đó, vùng lũ quét 287 hộ/972 người; sạt lở đất đá 278 hộ/995 người; ngập lụt 260 hộ/487 người và hạ du hồ chứa 22 hộ/82 người. Vị trí sơ tán là tới các hộ có nhà an toàn, hội quán, trường học, trụ sở cơ quan, nhà thờ giáo họ kiên cố…
Để thực hiện tốt công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, nhất là công tác sơ tán dân cư các khu vực nguy hiểm, huyện Vũ Quang cũng chủ động xây dựng phương án với từng khu vực cụ thể.
Điểm sạt lở ngay gần nhà dân ở huyện Vũ Quang. Ảnh Văn Chung.
Theo đó, 4 xã, thị trấn thường bị lũ quét, sạt lở đất như: Thọ Điền, thị trấn Vũ Quang, Hương Minh, Quang Thọ với tổng số hộ cần di dời 205 hộ/655 người (di dời tại chỗ 150 hộ/471 người; cần sơ tán 55 hộ/184 người).
6 xã thường bị ngập lụt lưu vực sông, nội đồng như: Ân Phú, Đức Giang, Đức Lĩnh, Đức Bồng, Đức Hương, Đức Liên với tổng số 1.295 hộ/4.144 người cần di dời (di dời tại chỗ 881 hộ/2.819 người; cần sơ tán 414 hộ/1.325 người).
Mưa lớn nhiều ngày qua đã khiến bờ sông Ngàn Sâu đoạn qua thôn 4 (xã Đức Bồng) bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh Văn Chung
Xã Đức Bồng chuẩn bị tàu thuyền cứu hộ, cứu nạn sẵn sàng ứng phó khi lũ đến. Ảnh Văn Chung
Ngoài ra, huyện Vũ Quang cũng xác định một số hồ chứa, công trình hiện đang có nguy cơ mất an toàn để có phương án ứng phó.
“Trong mùa mưa lũ, BCH Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, địa phương để cập nhật thường xuyên mực nước trên sông, cảnh báo các hộ dân vùng nguy cơ, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư để tổ chức sơ tán dân khi có lệnh” - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vũ Quang Nguyễn Trường Thọ thông tin.
Sau thời gian mưa lớn kéo dài, các vùng núi có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét. Ảnh: Quốc lộ 12C tại Km 41+700 đoạn đi qua xã Kỳ Sơn (huyện Kỳ Anh) sạt lở nghiêm trọng.
Huyện Kỳ Anh cũng đã chủ động lên phương án phòng chống với mưa lớn do hoàn lưu bão số 9, trong đó, sẽ sơ tán 58 hộ/210 người ở các xã vùng thượng có nguy cơ sạt lở đất. Cụ thể, xã Kỳ Thượng 24 hộ/91 người, xã Kỳ Trung 7 hộ/21 người, xã Kỳ Sơn 6 hộ/18 người, xã Lâm Hợp 10 hộ/33 người, xã Kỳ Tây 1 hộ/2 người, Kỳ Lạc 10 hộ/45 người.
Nước rò rỉ từ thân hồ Trại Lưu ở thôn Trung Lưu, xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn.
Chánh văn phòng BCH Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ngô Đức Hợi cho hay: Thời gian qua, Hà Tĩnh có mưa, lũ kéo dài trong nhiều ngày nên đất đã bão hòa nước, dẫn tới nguy cơ sạt lở rất cao. Đơn vị đã yêu cầu các địa phương tiến hành kiểm tra, rà soát kỹ tất cả các vị trí có nguy cơ để kịp thời thông báo cho người dân chủ động phòng tránh.
Các địa phương tổ chức rà soát các hộ dân, số điện thoại chủ hộ nằm trong vùng có nguy cơ xảy ra ngập lũ, lũ quét, sạt lở đất để sẵn sàng liên lạc, ứng cứu.
Phân công cán bộ theo dõi cụ thể các vùng có nguy cơ cao về thiên tai, chủ động triển khai các phương án ứng phó phù hợp, không để bị động, bất ngờ; đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng cho người dân, không để người dân bị đói, rét, không có chỗ ở khi mưa lũ xảy ra.