Hạn hán và cháy rừng hoành hành châu Âu

Các nhân viên cứu hỏa trong những ngày qua đã phải vật lộn để kiểm soát đám cháy lớn ở phía tây nam nước Pháp, trong khi cá chết hàng loạt dạt vào sông Oder chảy qua Đức và Ba Lan.

Dọc theo sông Oder, chảy từ CH Czech về phía bắc biển Baltic, các tình nguyện viên đang thu gom xác cá chết dạt vào bờ ở Ba Lan và Đức. Trong ảnh là khu vực gần Brieskow-Finkenheerd, miền Đông nước Đức hôm 11/8.

Piotr Nieznanski - Giám đốc chính sách bảo tồn tại WWF Ba Lan - cho biết tình trạng này diễn ra khả năng cao là vì mực nước thấp do hạn hán, và ngành công nghiệp nào đó đã thải chất độc hóa học vào nước sông.

“Một sự kiện bi thảm đang diễn ra dọc theo sông Oder, nhưng không có thông tin minh bạch cho những gì đang xảy ra”, ông Nieznanski nói, kêu gọi chính quyền điều tra vụ việc. Chính quyền cảnh báo người dân sống dọc con sông này không bơi hoặc thậm chí chạm vào dòng nước.

Hạn hán và cháy rừng hoành hành châu Âu

Cơ quan quản lý nước của Ba Lan cho biết họ chưa xác định được nguồn gây ô nhiễm. Trong ảnh là xác cá chết nổi trên mặt sông Oder ở Bielinek, Ba Lan hôm 11/8.

Ngựa gặm cỏ trên đồng cỏ khô héo tại trang trại ngựa nằm ở Wehrheim gần Frankfurt, Đức hôm 11/8.

Hạn hán và cháy rừng hoành hành châu Âu

Không chỉ vậy, mực nước dọc theo sông Rhine của Đức có nguy cơ xuống thấp đến mức có thể gây cản trở việc vận chuyển hàng hóa, bao gồm cả các mặt hàng năng lượng quan trọng như than và xăng. Trong ảnh là các tàu vận tải đi qua lòng sông Rhine cạn một phần ở Bingen hôm 9/8.

Trong khi đó, nước Pháp đang hứng chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất từng được ghi nhận. Lửa bùng lên từ hôm 9/8 trên khắp các rừng thông ở vùng Gironde - phía tây nam nước Pháp - và Landes lân cận. Trong ảnh là xe cứu hỏa nỗ lực dập lửa ở Saint-Magne hôm 11/8.

Hơn 10.000 người phải sơ tán, còn 16 ngôi nhà bị phá hủy. Hàng chục xe tải từ Tây Ban Nha hướng đến Pháp phải quay đầu vì cháy rừng buộc giới chức phải đóng cửa một số cửa khẩu biên giới. “Đây là một con yêu tinh, một con quái vật”, nhân viên Gregory Allione từ cơ quan lính cứu hỏa Pháp mô tả về đám cháy.

Hơn 60.000 ha bị bén lửa trong năm nay ở Pháp, gấp sáu lần mức trung bình các năm 2006-2021. Giới chức Pháp cho biết nhiệt độ ở khu vực Gironde đạt 40 độ C vào ngày 11/8 và duy trì ở mức cao cho đến ngày 13/8. Trước đó, Gironde đã bị ảnh hưởng bởi trận cháy rừng lớn vào tháng 7, phá hủy hơn 20.000 ha rừng và tạm thời buộc gần 40.000 người phải sơ tán. Thị trưởng Hostens Jean-Louis Dartiailh mô tả những tuần qua là “thảm họa”.

Hạn hán và cháy rừng hoành hành châu Âu

Ở Bồ Đào Nha, công viên quốc gia Serra da Estrela cũng đang bị tàn phá bởi một trận cháy rừng. Khoảng 1.500 nhân viên cứu hỏa, 476 phương tiện và 12 máy bay đã được triển khai để ứng phó với đám cháy. Trong ảnh là một đám cháy ở Videmonte, Celorico da Beira, hôm 11/8.

Mực nước trên hồ Colliford của Anh hôm 8/8 sụt giảm nghiêm trọng, lộ cả cây khô héo cùng đá. Tại Anh, văn phòng dự báo thời tiết cảnh báo “nhiệt độ cực cao” trong các ngày 11-14/8, với mức nhiệt có thể lên tới 36 độ C.

Hạn hán và cháy rừng hoành hành châu Âu

Miền Nam của Anh cũng đang trải qua một trong những mùa hè khô hạn nhất, với cảnh báo “nguy cơ đặc biệt” về cháy rừng trong vài ngày tới. Đội cứu hỏa London cho biết họ đã xử lý 340 đám cháy trong tuần đầu tiên của tháng 8, gấp tám lần so với năm ngoái.

Italy đang chứng kiến đợt hạn hán tồi tệ nhất trong bảy thập niên, khi sông Po khô cằn gây thiệt hại hàng tỷ euro cho những người nông dân sống dựa vào con sông dài nhất Italy để tưới tiêu cho đồng ruộng. Po chạy 652 km từ thành phố tây bắc Turin đến Venice. Po có hàng chục con sông phụ lưu nhưng miền Bắc Italy không có mưa trong nhiều tháng, trong khi lượng tuyết rơi năm nay giảm 70%. Việc Po cạn kiệt cũng gây áp lực lên nguồn nước uống tại các quận đông dân cư và khu công nghiệp hóa của Italy.

Theo Zing

Đọc thêm

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Ngày 19/1, Lực lượng quân đội Colombia cho biết sẽ tăng cường các hoạt động ở khu vực Tây Bắc đất nước để ngăn chặn làn sóng bạo lực bùng phát trong những ngày qua.
WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.