10 năm trước, tại lớp dạy nghề tẩm quất do Hội Người mù tỉnh tổ chức, Nguyễn Văn Dương (SN 1986, ở Cẩm Lĩnh - Cẩm Xuyên) và Đoàn Thị Yến (SN 1983, ở Sơn Thủy - Hương Sơn) gặp nhau và nên duyên chồng vợ.
Vợ chồng Yến - Dương chăm chỉ trong cơ sở tẩm quất, xông hơi do mình lập nên
Dương kể: “Em và Yến ngồi cạnh nhau. Dù không nhìn thấy gì nhưng cảm nhận tinh tế của người mù giúp em nhận ra mái tóc dài và giọng nói dịu dàng của Yến”. Còn Yến chia sẻ: “Dương chăm chỉ và rất giỏi tay nghề. Vì vậy, có gì em không làm được thì đều được Dương giúp”.
Tình yêu đã đơm hoa, kết trái với đám cưới ấm cúng do Hội Người mù Cẩm Xuyên (nơi Dương sinh hoạt) đứng ra tổ chức. Dẫu không ít lần rơi nước mắt bởi những khó khăn khi đôi vợ chồng trẻ khiếm thị vừa mưu sinh, vừa chăm sóc 2 con nhỏ, nhưng tình yêu thương, sẻ chia và những khát vọng, nghị lực vươn lên đã giúp họ vượt qua sóng gió.
Năm 2009, sau một thời gian làm nghề tẩm quất tại Hội Người mù, vợ chồng Yến, Dương quyết định ra mở cơ sở riêng. Bán hết quà cưới và gom góp hai bên nội ngoại chỉ được 8 triệu đồng, vợ chồng trẻ thuê nhà trọ và chắt chiu sắm những thiết bị đơn sơ để khởi nghiệp.
Đến nay, nhờ đặc biệt chú trọng đến chất lượng phục vụ, cơ sở tẩm quất, xông hơi mang tên Yến Dương (phường Nam Hà, TP Hà Tĩnh) đã trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều người. Với khoảng 400 khách mỗi tháng, ngoài nguồn thu trên dưới 15 triệu đồng sau khi trừ chi phí, cơ sở còn tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 2 hội viên người mù khác.
“Gia đình nhỏ, hạnh phúc to” của vợ chồng Yến - Dương.
Còn ở thôn Hồng Hà, xã Tiến Lộc (Can Lộc), ai cũng khâm phục sự chịu thương chịu khó và tình nghĩa sâu nặng của vợ chồng khiếm thị Phạm Thị Nhâm - Đặng Duy Quế. Vợ chồng chị Nhâm, anh Quế nên duyên từ hơn 20 năm trước và sinh được một cậu con trai. Năm 2000, Hội Người mù huyện Can Lộc đứng ra vận động xây dựng cho gia đình anh Quế ngôi nhà nhỏ kiên cố; tiếp đó, lại tạo điều kiện cho gia đình vay vốn, con giống để phát triển chăn nuôi. Chăm chỉ làm lụng, tích cóp, anh chị đã nuôi con khôn lớn nên người và tích lũy làm lại ngôi nhà rộng rãi hơn.
Chủ tịch Hội Người mù Can Lộc Trần Thị Hòa cho biết, dù từ gần 5 năm nay, vợ chồng chị Nhâm đều mắc bệnh tim mạch, phải thường xuyên điều trị ở bệnh viện nhưng vẫn ngày ngày chăm sóc và động viên nhau tiếp tục cuộc hành trình vượt lên số phận.
Phó Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Phạm Thị Thùy cho biết, toàn tỉnh có hàng trăm cặp vợ chồng hội viên người mù đã kết duyên, đồng cam cộng khổ xây dựng gia đình hạnh phúc. Đối với những hội viên đặc biệt khó khăn, hội còn đứng ra tổ chức đám cưới, vận động các nhà hảo tâm giúp làm nhà, hỗ trợ cây, con giống… Nhờ đó, phần lớn các gia đình vợ chồng khiếm thị đã vượt khó, nuôi dạy con cái trưởng thành, xây dựng hạnh phúc vững bền.