Hiệu quả từ công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Để người dân nông thôn Hà Tĩnh được quyền tiếp cận dịch vụ cấp nước sạch an toàn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo chỉ tiêu nước sạch trong NTM là mục tiêu mà Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn luôn hướng tới.

Hiệu quả từ công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung ở Hà Tĩnh

Nhà máy Nước Thạch Sơn ở xã Thạch Sơn, huyện Thạch Hà đang được gấp rút thay nguồn nước thô để đảm bảo phục vụ tốt hơn đời sống người dân.

Nhà máy Nước Thạch Sơn (Thạch Hà) được xây dựng từ năm 2013 có mức đầu tư gần 15 tỷ đồng, công suất thiết kế 900 m3/ngày đêm với nguồn nước thô lấy từ sông Nghèn, dự kiến cấp nước cho hơn 1.000 hộ dân ở xã Thạch Sơn.

Ban đầu, công trình do UBND xã Thạch Sơn quản lý nhưng không mang lại hiệu quả khi chỉ có 179 hộ dân ký hợp đồng mua nước từ nhà máy. Năm 2018, công trình được bàn giao lại cho Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (NS&VSMTNT) Hà Tĩnh quản lý, vận hành.

Sau khi tiếp nhận công trình, trung tâm đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo việc cung ứng nước thường xuyên, liên tục cho người dân. Vậy nên, số lượng hộ dân đăng ký dùng nước từ nhà máy ngày một tăng lên. Tới nay, đã cơ bản phủ sóng nước sạch cho xã Thạch Sơn.

Tuy vậy, qua nhiều năm khai thác, nhiều hạng mục của Nhà máy Nước Thạch Sơn bị xuống cấp, trong đó, nguồn nước thô lấy từ sông Nghèn không ổn định. Một số thời điểm, nhà máy phải ngừng cấp nước do chất lượng nước thô không đảm bảo theo tiêu chuẩn.

Hiệu quả từ công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung ở Hà Tĩnh

Nguồn nước thô cho Nhà máy Nước Thạch Sơn sẽ được thay thế từ sông Nghèn bằng hồ Cu Lây, xã Thuần Thiện, Can Lộc.

Trước thực tế này, Trung tâm NS&VSMTNT Hà Tĩnh đã tính toán phương án thay thế nước thô cho Nhà máy Nước Thạch Sơn từ sông Nghèn bằng hồ Cu Lây (xã Thuần Thiện, Can Lộc). UBND tỉnh đã quyết định chủ trương đầu tư dự án thay thế nguồn cấp nước cho hệ thống cấp nước sinh hoạt xã Thạch Sơn với nguồn kinh phí 14,5 tỷ đồng.

Thời điểm này, Trung tâm NS&VSMTNT Hà Tĩnh đang tiến hành tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu và thực hiện các bước tiếp theo. Khi dự án hoàn thành, chất lượng nguồn nước từ Nhà máy Nước Thạch Sơn được đảm bảo, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho Nhân dân.

“Lâu nay, người dân địa phương lo lắng về chất lượng nước từ nhà máy do nguồn nước thô lấy từ sông Nghèn. Việc thay thế nguồn nước thô đã giúp người dân an tâm khi sử dụng nước máy. Nguồn nước được đảm bảo góp phần cho địa phương xây chắc chỉ tiêu nước sạch trong xây dựng NTM”, ông Trần Hữu Nghĩa - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thạch Sơn cho hay.

Hiệu quả từ công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung ở Hà Tĩnh

Đưa nước sạch về từng thôn xóm là nhu cầu thiết yếu, đảm bảo sức khỏe cho người dân.

Thay thế nguồn cấp nước cho hệ thống cấp nước sinh hoạt xã Thạch Sơn là 1 trong số 25 dự án đang được Trung tâm NS&VSMTNT Hà Tĩnh triển khai nhằm hoàn thành chỉ tiêu nước sạch theo đề án “Thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021-2025”.

Ông Nguyễn Mậu Đại - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm NS&VSMTNT Hà Tĩnh cho hay: Thời điểm hiện tại, số người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh sử dụng nước hợp vệ sinh là 1.163.500, đạt 100%; trong đó, số hộ nông thôn sử dụng nước từ công trình cấp nước tập trung là 73.736/290.875 hộ, đạt tỷ lệ 25,34%.

Sau khi các công trình cấp nước tập trung được triển khai xây dựng, hoàn thành đưa vào sử dụng, đến cuối năm 2024, tỷ lệ số hộ dân sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung sẽ tăng lên 35%, đến cuối năm 2025 tăng lên 50%.

Theo ông Nguyễn Mậu Đại, nước sạch cho người dân nông thôn là một trong những tiêu chí hết sức quan trọng trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Với vai trò là đơn vị “chủ công” trong lĩnh vực này, đơn vị cử cán bộ phối hợp với các địa phương triển khai kiểm tra, rà soát thực tế tình hình sử dụng nước sinh hoạt của người dân; đánh giá hiện trạng công trình và đề ra các giải pháp triển khai, chỉ đạo các xã, huyện hoàn thành chỉ tiêu nước sạch.

Hiệu quả từ công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung ở Hà Tĩnh

Hà Tĩnh chú trọng đảm bảo cho người dân được dùng nước hợp vệ sinh.

Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2021-2025 quy định: các xã đạt chuẩn NTM phải có từ 15-20% số hộ trở lên được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung; các xã đạt chuẩn NTM nâng cao phải có từ 55% số hộ được sử dụng nước sạch trở lên. Nguồn vốn hỗ trợ thực hiện chương trình nước sạch còn hạn chế, trong khi đó, kinh phí đầu tư xây dựng các công trình cấp nước tập trung khá lớn. Đây là những tiêu chí khó cho các địa phương, nhất là xã vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển, biên giới, khi triển xây dựng xã đạt chuẩn NTM.

Với nhiều nỗ lực vượt khó, dự kiến đến hết năm 2023, Hà Tĩnh có thêm 4 xã đạt chuẩn NTM, nâng số xã NTM đạt chỉ tiêu nước sạch trên địa bàn tỉnh là 182/182 xã; có thêm 20 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, lũy kế toàn tỉnh có 70 xã đạt chuẩn NTM nâng cao đạt chỉ tiêu nước sạch; thêm 6 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, nâng số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu đạt chỉ tiêu nước sạch lên 13.

Cùng với đó, toàn tỉnh hiện có 10/13 địa phương đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, đạt các yêu cầu về chỉ tiêu nước sạch.

Hiệu quả từ công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung ở Hà Tĩnh

Nguồn nước hợp vệ sinh góp phần đảm bảo đời sống, sức khỏe cho người dân nông thôn.

Ông Nguyễn Mậu Đại cho hay: “Với mục tiêu đảm bảo người dân nông thôn được quyền tiếp cận sử dụng dịch vụ cấp nước sạch công bằng, thuận lợi, đảm bảo vệ sinh môi trường, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn với thành thị, góp phần xây dựng NTM, thời gian tới, trung tâm nỗ lực đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng các công trình cấp nước tập trung đã được tỉnh phê duyệt; kêu gọi đầu tư, xã hội hóa xây dựng các công trình cấp nước tập trung phục vụ người dân nông thôn”.

Trung tâm NS&VSMTNT Hà Tĩnh sẽ phối hợp với các địa phương triển khai kiểm tra, rà soát, đôn đốc, hướng dẫn người dân tăng cường công tác duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp cải tạo công trình cấp nước nhỏ lẻ hộ gia đình.

Xây dựng công trình cấp nước quy mô cụm, nhóm hộ và lắp đặt, sử dụng máy lọc nước mini (RO), đặc biệt là các hộ thuộc vùng sâu, vùng xa, xã miền núi, biên giới không thể xây dựng công trình cấp nước tập trung; tăng cường kiểm tra, giám sát quản lý vận hành khai thác các công trình cấp nước tập trung đảm bảo hoạt động hiệu quả, bền vững.

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Giảm nghèo ở Cẩm Xuyên: Khi “cần câu” cho “xâu cá”

Giảm nghèo ở Cẩm Xuyên: Khi “cần câu” cho “xâu cá”

Đa dạng hỗ trợ các mô hình sinh kế, đẩy mạnh đào tạo nghề..., huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên xóa nghèo.
Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11

Bỏ quy định ghi hình cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ; tăng trợ cấp quân nhân xuất ngũ; nới điều kiện xây trường là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11.