Nhận được lệnh trên, xã trưởng Vều triệu tập “bá quan, văn võ”, dao, rạ, cào, cuốc trên vai, phi ào ào xuống đường như châu chấu đàn tràn xuống ruộng lúa non.
Sau khi dẹp được dăm quán cóc, lều cắt tóc ven đường, ven chợ thì… hết việc! Nguyên do là ở cái xã bán sơn địa này, đất rộng, người thưa nên chả ai thèm lấn chiếm hành lang cả, vậy là từ trạng thái đang rất rầm rộ, cả đám trở nên… mất cả hứng!
Thế nhưng, vẫn với phong độ “nếu không lấy lại được vỉa hè cho dân, tôi sẽ cởi áo về vườn”, xã trưởng Vều phất tay chỉ về phía mấy cây cổ thụ ở phía con đường làng Hạ, kiêu dũng ra hiệu cho cả đoàn tiến lên… chặt bỏ! Trong cơn “tăng động” mạnh, hàng chục cây lâu năm đã bị chặt hạ, trong đó có cả cây đa đầu làng…
Nhìn hàng cây đã gắn bó máu thịt với làng mình bao năm, nay bị chặt hạ, nam phụ, lão ấu làng Hạ ai nấy đều cảm thấy xót xa… Đành rằng, những hàng cây kia được trồng bên lề đường, thuộc phần đất công, nhưng nào có ảnh hưởng đến giao thông? Những hàng cây ấy đã gắn bó với cuộc sống dân làng qua bao đời, là một thành phần không thể thiếu trong tâm thức, trong văn hóa của người làng Hạ, chặt hạ đi, đồng nghĩa với xóa bỏ một nét đẹp văn hóa…
Đám trẻ trâu làng Hạ đi học về dưới trời nắng gắt, ấm ức: ở chốn kinh kỳ, đất chật, người đông, lấn chiếm hành lang tràn lan, chứ quê mình thưa người, rộng đất, lại toàn làm nông, có ai lấn chiếm chi đâu… Cứ thấy người ta làm, mình cũng “noi gương”, thế mấy cái cột điện trồng ở bên đường sao không “chặt bỏ” đi luôn?!