Học làm dâu, tôi đã sống thật hạnh phúc!

Quà tặng mà tôi nhận được là một người mẹ tuyệt vời và những ngày thật vui ở gia đình mới

Là con gái một nên tôi được ba mẹ hết lòng yêu chiều. Lúc còn con gái, tôi chỉ việc ăn, ngủ và đi học. Việc nhà chẳng bao giờ đến phiên vì ba mẹ giành làm hết. Thấy tôi vào bếp, mẹ xua tay: “Để mẹ nấu cho con, coi cả dầu bắn vào tay”. Thấy tôi chuẩn bị giặt áo quần, mẹ cũng vội vàng giành lấy.

Ba thì lại càng thương con gái. Chẳng bao giờ ba nói nặng một câu. Đi đâu về cũng mua đủ thứ quà cho con. Ai chê bai tôi là ba bênh chằm chặp.

Thỉnh thoảng, bà nội lên thăm thấy ba mẹ giành làm mọi việc thì chặc lưỡi trách: “Để cho cháu nó làm chứ con gái không biết gì sau này làm sao lấy chồng, làm dâu hả con?” Nghe thế ba gạt đi: “Mẹ lo gì. Có đứa con gái thương nó được ngày nào hay ngày ấy. Sau này nó lấy chồng mình muốn thương cũng chịu mẹ ơi”.

Cứ thế những ngày tháng sống cùng ba mẹ trôi qua thật tuyệt vời. Tôi chẳng cần lo lắng gì vì tất cả đã có ba mẹ tôi.

Thời gian lặng lẽ trôi. Chẳng mấy chốc mà tôi ra trường đi làm. Ba mẹ tôi vẫn thế. Hết lòng chăm lo, yêu thương, chiều chuộng con gái.

Thế rồi duyên số đưa đẩy khiến tôi và anh gặp nhau. Anh thật thà, giỏi giang. Chỉ mỗi tội là con trai trưởng nên lấy anh chắc chắn tôi phải ở cùng ba mẹ chồng. Nghĩ đến việc làm dâu, sống chung với mẹ chồng tôi lại phân vân. Cuối cùng tình yêu chiến thắng mọi lo lắng. Sau một đám cưới thật to, chúng tôi chính thức thành vợ chồng.

Vì chưa từng đụng tay vào việc gì nên ngày đầu về nhà chồng, tôi cứ lúng ta lúng túng. Làm việc gì cũng không xong. Nấu ăn thì bữa mặn bữa nhạt. Canh nồi rượu thì rượu khê. Xắt chuối cho vịt cho gà thì cắt vào tay chảy máu…

Mẹ chồng tôi suốt ngày làm không nghỉ tay. Nay thấy con dâu vụng về thì đâm ra bực bội. Thế là thành lời qua tiếng lại. Không khí gia đình trở nên ngột ngạt. Chồng tôi cũng trở thành nạn nhân. Hết nghe mẹ than thở lại bị vợ kéo vào phòng càm ràm. Công việc cơ quan bận rộn lại thêm mẹ và vợ “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” khiến anh mệt mỏi. Người gầy sọp đi. Nhìn chồng tôi thấy xót xa quá!

Học làm dâu, tôi đã sống thật hạnh phúc!

Thế là tôi hạ quyết tâm “học làm dâu”.

Trước hết, tôi quyết tâm học nấu ăn. Do không biết gì nên tôi nhờ mẹ chồng chỉ cho cách nấu nướng, nêm nếm. Nghe tôi muốn học nấu ăn mẹ vui lắm. Hôm ấy tôi thấy mẹ cười. Ánh mắt mẹ nhìn tôi cũng đầy yêu thương. Vừa hướng dẫn tôi nấu canh, kho cá mẹ vừa thủ thỉ: “Mẹ thích dạy nấu ăn mà nhà có ba thằng con trai nên đành chịu. Nay có con mẹ vui lắm!”. Nghe thế tôi thấy quý mẹ thêm một chút.

Được mẹ tận tình hướng dẫn, cuối cùng tôi cũng nấu được những món ăn hợp với khẩu vị của người trong nhà. Tôi cũng không còn sợ những bữa ăn và những ngày giỗ chạp nữa.

Không chỉ học nấu ăn, tôi còn học cách thu vén nhà cửa. Thỉnh thoảng có gì không biết tôi lại hỏi mẹ. Cứ thế tình cảm của mẹ con tôi dần tốt lên. Nhà đã thôi những tiếng càm ràm, thở ngắn than dài.

Trước đây tôi cứ nghĩ mẹ chồng thì chẳng bao giờ bằng mẹ ruột. Nên mẹ nói câu gì là tôi lại suy diễn: chắc là đang chê, lại mỉa mai rồi… Thế là tôi đâm ra khó chịu. Có khi còn bướng bỉnh cãi lời.

Nhưng từ ngày theo mẹ học nấu ăn, tiếp xúc nhiều với mẹ tôi mới biết mình lầm. Thế là tôi học cách đối xử thật lòng với mẹ. Mỗi khi vui hoặc buồn chuyện gì thay vì chỉ điện thoại tâm sự với mẹ ruột thì tôi cũng kể cho mẹ nghe. Đến dịp lễ, tết hay những ngày đặc biệt thay vì chỉ mua quà cho mẹ ruột của mình,tôi sẽ mua hai phần quà tặng cho hai mẹ. Thấy con dâu đối xử thật lòng với mình, mẹ chồng tôi mừng lắm. Có lần, tôi nghe mẹ khoe với mấy người bạn: “Con dâu tôi tội lắm. Tôi thương nó không khác chi con ruột”. Mắt tôi cay cay. Thương mẹ và mừng cho chính mình.

Cứ thế, tôi đã “học cách làm dâu” và từng bước thay đổi. Quà tặng mà tôi nhận được là một người mẹ tuyệt vời và những ngày thật vui ở gia đình mới.

Theo VOV

Đọc thêm

Một người nên có nhiều nhất mấy thẻ tín dụng?

Một người nên có nhiều nhất mấy thẻ tín dụng?

Theo các chuyên gia, mỗi người chỉ nên sở hữu từ 1 đến 2 thẻ tín dụng để dễ quản lý và tránh rủi ro về tài chính. Việc sử dụng nhiều thẻ có thể dẫn đến việc quên thanh toán hàng tháng.
Uống cà phê tốt nhất và tệ nhất vào lúc nào trong ngày?

Uống cà phê tốt nhất và tệ nhất vào lúc nào trong ngày?

Để nhận được lợi ích từ cà phê và giảm các tác dụng phụ, thời điểm uống cà phê rất quan trọng. Vậy nên uống cà phê vào lúc nào trong ngày? Trào lưu thưởng thức một tách cà phê từ 4 giờ sáng và ngắm bình minh có thực sự tốt?
8 kiểu tư duy khiến bạn nghèo

8 kiểu tư duy khiến bạn nghèo

Tư duy sai nghĩa là bạn nhìn thế giới qua lăng kính của sự khan hiếm và thiếu thốn, không thấy được sự phong phú và những cơ hội xung quanh mình.
Tới thời Gen Z quản cha mẹ

Tới thời Gen Z quản cha mẹ

Những đứa con từng bị cha mẹ giám sát kỹ càng giờ đây đảo ngược vai trò. Nhiều người cảm thấy khó chịu, số khác thấy đây là cách để gắn kết gia đình.
Gen Z định nghĩa lại văn hóa rượu bia

Gen Z định nghĩa lại văn hóa rượu bia

Khi bắt đầu làm bartender 20 năm trước, Zhang Yuan thường thấy khách độ tuổi 30-40 uống rượu xã giao trong công việc, nhưng nay mọi chuyện đã thay đổi.
Bao nhiêu tuổi kết hôn là phù hợp?

Bao nhiêu tuổi kết hôn là phù hợp?

Kết hôn khi quá trẻ, cả hai người đều chưa chín chắn, trưởng thành có thể dẫn đến ly hôn, nhưng chờ đợi quá lâu cũng gây ra nhiều vấn đề.
6 yếu tố nguy cơ gây ung thư ở người trẻ

6 yếu tố nguy cơ gây ung thư ở người trẻ

Hệ vi khuẩn đường ruột thay đổi, ô nhiễm không khí, vi nhựa, béo phì, uống rượu và tiêu thụ thực phẩm siêu chế biến có thể là yếu tố nguy cơ gây ung thư ở người trẻ.
8 lời khuyên ăn uống giúp sống thọ

8 lời khuyên ăn uống giúp sống thọ

Ăn đa dạng, phối hợp đạm động vật và thực vật, không ăn mặn, tiêu thụ rau quả hàng ngày, là những nguyên tắc được chuyên gia dinh dưỡng khuyên giúp sống thọ.
Người trẻ sợ nghe, gọi điện thoại

Người trẻ sợ nghe, gọi điện thoại

Khảo sát công ty tuyển dụng quốc tế Robert Walters (Mỹ) cho thấy 50% Gen Z và thế hệ Millennials không thoải mái nếu phải thực hiện cuộc gọi thoại trong công việc.