Hơi ấm yêu thương của người phụ nữ miền Bắc trong căn nhà 4 thế hệ ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Trong căn nhà nhỏ đơn sơ ở tổ dân phố 2, thị trấn Hương Khê (Hà Tĩnh) có một gia đình 4 thế hệ luôn tràn ngập tình yêu thương nhờ “bí quyết” làm dâu, làm mẹ của người phụ nữ miền Bắc.

Hơi ấm yêu thương của người phụ nữ miền Bắc trong căn nhà 4 thế hệ ở Hà Tĩnh

Gia đình 4 thế hệ của bà Thanh (áo tím), ông Dưỡng luôn tràn ngập tình yêu thương.

Bà Trần Lệ Thanh (SN 1954) quê tận Bắc Giang, vì tình yêu với chàng trai người Hà Tĩnh Đậu Đình Dưỡng (SN 1947) mà theo về làm dâu miền đất nắng gió này.

Năm 1990, bà Thanh bắt đầu cuộc sống gia đình nơi đất khách quê người với bao khó khăn vất vả. “Nhưng nhờ tình yêu thương của gia đình nhà chồng và bà con lối xóm, tôi đã nhanh chóng hòa nhập, gắn bó và coi Hà Tĩnh là quê hương thứ hai của mình”, bà Thanh chia sẻ.

Năm 1998, sau khi bố chồng mất, mẹ chồng bà là cụ Pham Thị Em (SN 1924, tên thường gọi là cụ Chương) chuyển về sống cùng vợ chồng bà Thanh. Năm 2012, con trai cả của vợ chồng bà Thanh kết hôn và sinh con đầu lòng, gia đình bà trở thành một gia đình có 4 thế hệ cùng chung sống.

Hơi ấm yêu thương của người phụ nữ miền Bắc trong căn nhà 4 thế hệ ở Hà Tĩnh

Cụ Chương (bên phải) chia sẻ: “Tôi chẳng coi Thanh là con dâu mà coi như con đẻ”.

Căn nhà nhỏ, đông người, nhiều thế hệ cùng chung sống nhưng chưa bao giờ làng xóm phải chứng kiến lời to tiếng nhỏ. Ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo là điều mà ai cũng nhận thấy từ gia đình 4 thế hệ của bà Thanh, ông Dưỡng.

Với vai trò người vợ, người mẹ, người con dâu, bà Thanh hết lòng chăm sóc các thành viên trong gia đình, nuôi dạy các con nên người.

Nhưng, điều mà họ hàng, làng xóm cảm phục bà nhất vẫn là tấm lòng hiếu kính với mẹ chồng.

Cụ Chương - mẹ chồng bà Thanh năm nay đã 96 tuổi, được cháu con chăm sóc, yêu kính nên tinh thần cụ lúc nào cũng vui vẻ, đầu óc minh mẫn.

Nhưng, gần một năm nay, sau khi không may bị ngã, cụ đi lại hết sức khó khăn. Từ đó, mọi sinh hoạt cá nhân của cụ đều một tay bà Thanh lo liệu.

Hơi ấm yêu thương của người phụ nữ miền Bắc trong căn nhà 4 thế hệ ở Hà Tĩnh

Được con cháu hết lòng yêu kính, chăm sóc, dù đã 96 tuổi nhưng cụ Chương vẫn minh mẫn, tinh thần vui vẻ, lạc quan.

Nhìn cách bà Thanh cõng mẹ chồng trên lưng, cách hai mẹ con vui vẻ cười đùa, chăm sóc lẫn nhau, ai cũng nghĩ rằng họ là mẹ con ruột. Cụ Chương vui vẻ cho biết: “Tôi sống với vợ chồng Thanh đã hơn 20 năm nay, mấy mẹ con hợp tính nhau nên lúc nào cũng vui vẻ, thoải mái, các con chăm sóc tôi rất chu đáo. Ngày chồng tôi chưa mất, ông ấy ốm đau nằm một chỗ cũng nhờ cả vào vợ chồng nó”.

Tình cảm, sự hiếu kính của bà Thanh dành cho mẹ chồng là tấm gương để các con, các cháu noi theo. Cũng chính vì thế, con dâu bà Thanh dù sống với bố mẹ, bà nội và em chồng trong cùng một mái nhà nhưng luôn được mọi người yêu quý, coi như con đẻ.

Hơi ấm yêu thương của người phụ nữ miền Bắc trong căn nhà 4 thế hệ ở Hà Tĩnh

Đi lại khó khăn, mọi sinh hoạt của cụ Chương đều do bà Thanh lo liệu.

Bà Thanh chia sẻ: “Trong cuộc sống hiện đại, gia đình nhiều thành viên, nhiều thế hệ cùng chung sống luôn tiềm ẩn những mâu thuẫn, nhưng các thành viên trong gia đình phải biết kính trọng, yêu thương, nhường nhịn nhau thì mới giữ gìn được hòa khí”.

Nói về mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu, bà Thanh cho rằng, muốn được mẹ chồng yêu quý, trước hết con dâu phải làm tròn trách nhiệm, đạo hiếu làm con trong gia đình. Và ngược lại, bản thân bà Thanh cũng là mẹ chồng thì luôn coi con dâu như con đẻ, thật lòng sẻ chia. “Mẹ chồng nàng dâu yêu thương, hòa thuận cũng là một trong những yếu tố quan trọng để gìn giữ hạnh phúc trong gia đình, đặc biệt là gia đình nhiều thế hệ như gia đình chúng tôi”, bà Thanh tâm sự.

Hơi ấm yêu thương của người phụ nữ miền Bắc trong căn nhà 4 thế hệ ở Hà Tĩnh

Làm tròn bổn phận người phụ nữ trong gia đình, sống chan hòa với bà con lối xóm nên bà Thanh luôn được mọi người yêu quý.

Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ tổ dân phố 2 (Thị trấn Hương Khê) Hồ Thị Hoa cho biết: “Một gia đình 4 thế hệ chung sống hòa thuận dưới một mái nhà mấy chục năm nay như gia đình chị Thanh là điều rất đáng quý. Người già thì mẫu mực, người trẻ thì hiếu kính, thành đạt, sống chan hòa với mọi người, bà con lối xóm ai cũng cảm phục. Chị Thanh không chỉ làm tròn trách nhiệm với gia đình mà rất tích cực tham gia phong trào tại địa phương, là tấm gương để chị em hội viên noi theo”.

Sinh ra và lớn lên ở miền Bắc, một thân một mình theo chồng vào Hà Tĩnh làm dâu hơn 30 năm nay, bà Thanh vẫn đùa rằng, bà đã thành “người Hà Tĩnh”. Hòa nhập với phong tục, tập quán của địa phương, hết lòng yêu kính bố mẹ chồng, làm tròn bổn phận người mẹ, người vợ trong gia đình – đó chính là “bí quyết” bà Thanh giữ gìn hạnh phúc, gia phong trong ngôi nhà 4 thế hệ mà mình đang sống.

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Tỏa sáng di sản y học cổ truyền Hải Thượng Lãn Ông

Tỏa sáng di sản y học cổ truyền Hải Thượng Lãn Ông

Kế thừa, phát huy giá trị di sản y học cổ truyền của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, các bệnh viện, Hội Đông y Hà Tĩnh và cả nước ngày càng nâng cao hiệu quả hoạt động, khẳng định vai trò trong công tác chữa bệnh cứu người.
“Tấm căn cước” quý giá

“Tấm căn cước” quý giá

Nơi ấy, trên bản đồ hình chữ S của nước Việt ngàn năm là dải đất nhỏ hẹp, “đòn gánh gánh hai đầu đất nước”. Nơi ấy, bên dòng sông Lam trong xanh và núi Hồng sừng sững, những cư dân nhiều đời đã làm nên bao huyền thoại, tạo dựng một vùng văn hóa giàu bản sắc: văn hóa Hồng Lam. Đó là “tấm căn cước” quý giá, riêng có của Hà Tĩnh.
Dấu ấn cố hương trong “Thượng Kinh ký sự”

Dấu ấn cố hương trong “Thượng Kinh ký sự”

Tác phẩm “Thượng kinh ký sự” của Đại danh y Lê Hữu Trác bên cạnh trường đoạn nói về nỗi nhớ nơi ẩn cư ở quê mẹ ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) là trường đoạn nói về nỗi nhớ cố hương da diết với rất nhiều hoài niệm.
Cuộc “gặp gỡ” giữa Albert Sallet và Lê Hữu Trác

Cuộc “gặp gỡ” giữa Albert Sallet và Lê Hữu Trác

Cuộc “gặp gỡ” giữa Albert Sallet và Lê Hữu Trác là sự kết nối của Đông và Tây, của các phương pháp cổ truyền và khoa học tiến bộ, của cây cỏ và máy móc, là sự tương đồng và tấm lòng của những bậc lương y, là niềm say mê và trách nhiệm đối với khoa học của những nhà bác học.
Noel ấm áp, an lành

Noel ấm áp, an lành

Những ngày này, nhiều làng quê Hà Tĩnh lại rộn ràng không khí chờ đón lễ Noel. Dẫu không phải người xứ đạo nhưng tôi đã thấy mùa Giáng sinh ấm áp đang lan tỏa trong mình.