HTX Sản xuất, kinh doanh chổi đót Hương Sơn do anh Nguyễn Trọng Duật làm giám đốc đang ngày càng phát triển, giải quyết việc làm cho nhiều người dân địa phương.
Năm 2009, khi đang học tại Trường Cao đẳng Xây dựng (Hà Nội), anh Duật thường đến nhà mẹ nuôi Nguyễn Thị Hồng (SN 1965, huyện Quốc Oai - TP Hà Nội) chơi và được bà truyền nghề làm chổi đót. Năm 2012 ra trường, Duật theo đuổi công việc đúng ngành nghề đã học nhưng rồi nhận thấy không “có duyên” nên anh quyết định dừng lại tìm hướng rẽ khởi nghiệp khác.
Năm 2013, sau khi nên duyên vợ chồng với chị Nguyễn Thị Bích Phượng (SN 1995, xã Thường Nga, huyện Can Lộc), nắm bắt nhu cầu tiêu thụ chổi đót ngày càng nhiều, trong khi nguồn nguyên liệu khá dồi dào, đôi vợ chồng trẻ quyết định khởi nghiệp bằng nghề làm chổi đót ngay tại quê hương của mình - thôn 8, xã Sơn Trường.
Sự khởi đầu bao giờ cũng đối mặt với rất nhiều trở ngại, vợ chồng Duật cũng không là ngoại lệ. Thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, đặc biệt là tiếp cận với thị trường tiêu thụ khó khăn nên đôi vợ chồng trẻ gặp không ít khó khăn, sản phẩm làm ra cũng “đo đếm”, không dám làm nhiều vì sợ... đọng vốn.
“Mỗi ngày, hai vợ chồng chỉ làm 50 - 70 chiếc chổi đót, rồi mỗi người một ngả tìm đến các đại lý trên địa bàn để tiêu thụ. Có ngày rong ruổi hàng chục km nhưng chỉ bán được 5 chiếc, số tiền cả vốn lẫn lời vừa đủ... đổ xăng” - anh Duật nhớ lại.
Nhưng rồi, không nản chỉ, đôi vợ chồng trẻ ngày lại ngày vẫn miệt mài với từng đường kim mũi chỉ với mong muốn sản phẩm của mình tiếp cận được nhiều người tiêu dùng.
Mỗi tháng, HTX sản xuất 15.000 sản phẩm, doanh thu đạt 450 triệu đồng/ tháng.
Sự kiên trì nhẫn nại đã mang lại thành công, năm 2014, đơn đặt hàng bắt đầu dày thêm, Nguyễn Trọng Duật thành lập HTX Sản xuất kinh doanh chổi đót Hương Sơn do mình làm giám đốc, rồi tiến hành tuyển dụng, đào tạo nghề cho những ai có nhu cầu.
Đến với HTX, các học viên không chỉ được học nghề mà các sản phẩm làm ra cũng được tính công để trả tiền. Sau 15 ngày, các học viên có thể tự mình làm được tất cả các công đoạn để tạo ra 1 sản phẩm hoàn chỉnh.
Nghề làm chổi đót không khó nhưng đòi hỏi đức tính kiên trì, nhẫn nại.
Theo anh Duật, làm chổi đót là nghề thủ công, khá đơn giản nên không “kén” nhân công, trẻ hay già đều có thể làm được. Tuy nhiên, HTX ưu tiên đào tạo và tiếp nhận lao động là người trưởng thành, người ở độ tuổi trung niên để gắn bó với nghề lâu dài hơn. Những người lành nghề có thể nhận nguyên liệu ở HTX về nhà làm và nhập lại cho HTX.
Chổi đót của HTX đáp ứng ngày càng cao nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng.
Bà Trần Thị Thu (SN 1956, trú thôn 6, xã Sơn Trường) là người gắn bó với HTX từ ngày đầu mới thành lập, bà cũng là một trong số 15 thành viên nhận nguyên liệu về làm việc tại nhà.
“Từ khi có HTX, ngoài làm ruộng tôi còn có thêm nghề “tay trái” làm chổi đót nên kinh tế gia đình bớt khó khăn. Mỗi khi tết đến, đơn đặt hàng nhiều làm không kịp, còn phải huy động thêm con cháu trong nhà cùng làm để tăng thêm thu nhập" - bà Thu phấn khởi.
Giám đốc HTX Sản xuất, kinh doanh chổi đót Hương Sơn Nguyễn Trọng Duật kiểm tra chất lượng sản phẩm.
Nguyên liệu làm chổi đót (cây đót, nứa) khá dồi dào ở các địa phương huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang nên sản xuất rất ổn định, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng đặt hàng với số lượng lớn. Hơn nữa, đây là sản phẩm hoàn toàn làm bằng thủ công lại thân thiện với môi trường nên không chỉ người dân nông thôn mà người thành phố cũng rất ưa chuộng.
Thế nhưng, muốn thuyết phục được khách hàng, chổi phải dày, bền, đẹp và đặc biệt là loại bỏ hết hoa đót để khi quét bụi hoa đót không làm bẩn nền nhà. Vì vậy, người thợ phải thật cẩn thận, tỷ mẫn trong từng công đoạn. Hiện nay, thị trường tiêu thụ của HTX Sản xuất, kinh doanh chổi đót Hương Sơn chủ yếu ở trong tỉnh và khu vực Bắc Trung bộ.
Ở thời điểm hiện tại, bình quân, mỗi tháng, HTX sản xuất ra 15.000 sản phẩm với giá bán dao động từ 24.000 - 35.000 đồng/chổi, doanh thu đạt 450 triệu đồng/tháng. HTX còn tạo việc làm ổn định cho 30 lao động tại địa phương với mức thu nhập bình quân từ 6 - 8 triệu đồng/người/tháng.
Nguyên liệu làm chổi đót của HTX Sản xuất, kinh doanh chổi đót Hương Sơn.
Đề cập đến hướng phát triển trong thời gian tới, anh Duật cho biết thêm, HTX sẽ phấn đấu nâng công suất lên 20.000 sản phẩm mỗi tháng và thu hút thêm 10 - 15 lao động ở địa phương.
Mô hình sản xuất của HTX Sản xuất, kinh doanh chổi đót Hương Sơn ngày càng phát triển, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Đặc biệt, thành công của HTX đã góp phần rất lớn trong việc tăng thu nhập cho người lao động, giúp xã Sơn Trường là một trong hai địa phương đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao sớm nhất huyện Hương Sơn vào năm 2021.