Ngày 14/8/1979, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Nghệ Tĩnh được thành lập; đến năm 1991 được chia tách thành Hội Chữ thập đỏ Nghệ An và Hội Chữ thập đỏ Hà Tĩnh. Trải qua 45 năm thành lập và hoạt động (1979 - 2024), Hội Chữ thập đỏ Hà Tĩnh đã không ngừng phát triển lớn mạnh, trở thành lực lượng nòng cốt trong hoạt động nhân đạo, từ thiện.
Từ ngày thành lập, BCH Hội Chữ thập đỏ Hà Tĩnh chỉ có 21 người với vài trăm hội viên. Đến nay, toàn tỉnh đã có hệ thống tổ chức hội vững mạnh từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn, trường học với 260 hội cơ sở, hơn 190.000 cán bộ, hội viên, tình nguyện viên.
Các thế hệ cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên, tình nguyện viên chữ thập đỏ Hà Tĩnh tự hào khi khoác trên mình màu áo đỏ thân thương, kiên trì vượt qua khó khăn để thực hiện tốt vai trò của những người làm nhân đạo, kết nối lòng nhân ái, tô đẹp thêm truyền thống nhân văn của dân tộc.
Xác định công tác phòng ngừa và ứng phó thảm họa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm chiến lược, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả trên lĩnh vực này. Toàn tỉnh hiện có 47 đội xung kích ứng phó thảm họa cộng đồng với hơn 1.200 thành viên; 10 mô hình cộng đồng an toàn trước thiên tai và biến đổi khí hậu tại các xã, phường; 3 mô hình trường học an toàn trước thiên tai.
Thành viên các đội ứng phó thảm họa ngày càng chuyên nghiệp, nhanh, nhạy, kịp thời, hiệu quả; trang thiết bị phục vụ phòng ngừa, ứng phó thảm họa được đầu tư như: hệ thống cảnh báo sớm, nhà cộng đồng chống bão lũ, áo phao, trồng rừng ngập mặn…
Hoạt động hỗ trợ đào tạo, xây dựng lực lượng xung kích tại cơ sở đã góp phần thực hiện có hiệu quả phương châm 4 tại chỗ, nâng cao năng lực sẵn sàng, chủ động ứng phó và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra cho cộng đồng.
Các hoạt động từ thiện, nhân đạo được triển khai sâu rộng, hiệu quả, góp phần thực hiện công tác an sinh xã hội, xây dựng cộng đồng nhân ái. Phong trào "Tết Nhân ái” được tổ chức với nhiều nét mới, hình thức đa dạng; thu hút sự tham gia của nhiều tổ chức, cá nhân, được các cấp ủy đảng, chính quyền, Nhân dân ghi nhận và đánh giá cao, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.
Tết Nhân ái năm 2024, các cấp hội toàn tỉnh đã kêu gọi, kết nối, vận động được gần 26 tỷ đồng để trao tặng 52.287 suất quà cho các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương trong cộng đồng.
Tháng Nhân đạo (tháng 5 hàng năm) được các cấp hội, đông đảo cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên chữ thập đỏ hưởng ứng tích cực với nhiều hoạt động, phần việc thiết thực, góp phần làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của cấp ủy, chính quyền, toàn xã hội đối với công tác nhân đạo.
Với tinh thần mỗi huyện, thị, thành hội có ít nhất 1 hoạt động; mỗi cơ sở hội có ít nhất 2 hoạt động, Tháng Nhân đạo hàng năm, các cấp hội đã tham mưu, phối hợp, kêu gọi vận động hàng tỷ đồng, trợ giúp cho hàng chục nghìn lượt người.
Phong trào “Người tốt, việc thiện - Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái” đang được triển khai tại các cơ sở hội đã góp phần xây dựng nếp sống văn hóa, đề cao giá trị nhân đạo trong cộng đồng.
Trong giai đoạn 2022 - 2024, 30 gương tiêu biểu trong triển khai thực hiện phong trào “Người tốt, việc thiện - Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái” đã được Hội Chữ thập đỏ tỉnh vinh danh.
Triển khai cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, toàn tỉnh hiện có 397 địa chỉ nhân đạo được các cấp hội vận động trợ giúp với tổng trị giá 771 triệu đồng.
Các chương trình trọng điểm của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam triển khai trong nhiệm kỳ 2022 - 2027 được tổ chức hội các cấp ở Hà Tĩnh triển khai hiệu quả như: “An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn”, “Dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khuyết tật”…
Với phương châm vừa hỗ trợ khẩn cấp, vừa hỗ trợ sinh kế lâu dài cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức hội đã huy động sức mạnh nhân đạo của các cấp, ngành, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân với tổng trị giá trung bình trên 40 tỷ đồng/năm, góp phần tham gia thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội của tỉnh nhà.
Với vai trò, sứ mệnh của mình, hội chữ thập đỏ thực sự là cầu nối để mỗi người, mỗi nhà, mỗi ngành chung tay góp sức cùng thực hiện công tác nhân đạo từ thiện, giúp những người thiệt thòi, yếu thế trong xã hội có cuộc sống tốt đẹp hơn. Đó cũng là việc làm thiết thực, hiệu quả nhất trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh.