Hồng Lộc gặt “mùa vàng” sau chuyển đổi đồng ruộng quy mô lớn

(Baohatinh.vn) - Sau cuộc “đại cách mạng” về đồng ruộng trên quy mô lớn, triệt để, toàn diện, xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) đã có một vụ mùa bội thu.

Hồng Lộc gặt “mùa vàng” sau chuyển đổi đồng ruộng quy mô lớn

Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Hà Nguyễn Văn An (ngoài cùng bên phải) và lãnh đạo xã Hồng Lộc kiểm tra, đánh giá tình hình đồng ruộng.

Trước đây, ông Bùi Văn Hạnh ở thôn Đông Thịnh (xã Hồng Lộc) làm 8 sào ruộng nhưng nằm ở 3 vị trí khác nhau nên việc đầu tư, chăm sóc gặp khó khăn, hiệu quả canh tác còn hạn chế. Sau cuộc “đại cách mạng” về đồng ruộng, vụ hè thu năm nay, ông chỉ còn lại một thửa ruộng lớn ở xứ đồng Nhà Trấp nên sản xuất rất thuận lợi, gia đình thu hoạch thắng lớn.

Ông Bùi Văn Hạnh khẳng định: “Không còn nghi ngờ gì nữa, chủ trương chuyển đổi ruộng đất quy mô lớn, triệt để của huyện, xã là đúng và bà con đang được hưởng lợi lớn. Như gia đình tôi, năm nay năng suất lúa đạt 3,2 tạ/sào, chi phí đầu tự giảm được khoảng 8% so với vụ trước, từ lúc làm đất đến khâu thu hoạch đều thuận lợi khi được cơ giới hóa”.

Hồng Lộc gặt “mùa vàng” sau chuyển đổi đồng ruộng quy mô lớn

Máy móc hối hả thu hoạch ruộng lúa vàng óng, trĩu bông của gia đình ông Bùi Văn Hạnh.

Hòa chung niềm vui được mùa, anh Lê Viết Hương ở thôn Đông Thịnh khoe: “Năm nay, gia đình tôi làm gần 8 mẫu ruộng, vùng này vốn là xứ đồng sâu, chua phèn, hoang hóa, nhiều chuột bọ nên trước đây không ai làm. Sau chuyển đổi đồng ruộng, hạ tầng sản xuất được đầu tư, nước được đưa về chân ruộng, chỗ trú ngụ của chuột bọ bị dẹp bỏ, sản xuất thuận lợi... nên tôi nhận thầu. Dự kiến, vụ này chúng tôi có lãi khoảng 120 triệu đồng từ lúa.”

Những ngày này, không khí phấn khởi được mùa lúa đang lan tỏa khắp gần 2.000 hộ/7.744 khẩu nhận ruộng ở 7 thôn của xã Hồng Lộc. Những cánh đồng lúa “thẳng cánh cò bay” đang vào độ chín, óng vàng no ấm phủ khắp các xứ đồng rộng đến 529 ha. Ngày mùa, đi đến đâu bà con cũng đều nói về niềm vui thắng lợi, công tác thu hoạch và những lợi ích, thuận tiện sau khi chuyển đổi đồng ruộng theo hướng mỗi nhà chỉ sản xuất một thửa lớn.

Hồng Lộc gặt “mùa vàng” sau chuyển đổi đồng ruộng quy mô lớn

Những cánh đồng lúa chín của thôn Yến Giang đang vào độ thu hoạch.

Ông Phan Trọng Hách - Trưởng thôn Yến Giang thông tin: “Vụ này, thôn chúng tôi có diện tích sản xuất lúa lớn nhất xã (500 hộ, làm 115 ha). Nhờ đồng ruộng được cải tạo, chăm sóc tốt, sản xuất thuận tiện nên năng suất bình quân ước đạt 3,1 tạ/ha (cao hơn vụ trước 15 kg/sào), trong đó có 15 ha lúa BTE1 đạt năng suất 3,3 tạ/ha và gần 30 ha Nếp 98 đạt năng suất 3,5 tạ/ha. Kết quả bước đầu cho thấy, chủ trương chuyển đổi ruộng là hoàn toàn đúng, bà con phấn khởi lắm”.

Hiện nay, những cánh đồng lớn ở Hồng Lộc đã đi vào thu hoạch (hiện được khoảng 15% tổng diện tích) đại trà và dự kiến chỉ mất khoảng hơn 1 tuần sẽ hoàn thành (nhanh hơn trước đây 5 ngày vì ruộng bằng, liền thửa, máy móc dễ hoạt động). Đặc biệt, để đảm bảo tiến độ gặt, tránh tranh giành, ép giá... chính quyền và người dân nơi đây đã hợp đồng với 8 chủ máy gặt với mức giá chung là 130 nghìn đồng/sào (thấp hơn các vụ trước từ 40 - 60 nghìn đồng/sào).

Hồng Lộc gặt “mùa vàng” sau chuyển đổi đồng ruộng quy mô lớn

Những vụ trước, các xứ đồng cao cưỡng như Nương Ràn, Kè Khai của thôn Thượng Phú bị bỏ hoang nhưng nay lúa chín vàng óng khắp đồng.

Ông Lê Viết Bình - Chủ tịch UBND xã Hồng Lộc cho biết: “Cuối năm 2022, chúng tôi tổ chức chuyển đổi ruộng đất quy mô lớn, mang tính chất triệt để trên toàn bộ diện tích đất lúa (529 ha). Nhờ vậy, từ vụ này trở đi, mỗi gia đình chỉ sản xuất lúa trên một thửa lớn. Và ngay từ vụ đầu tiên, bà con nông dân đã có sự thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tư duy sản xuất để hướng tới nền sản xuất nông nghiệp hữu cơ, hiện đại, sản xuất hàng hóa với năng suất cao, hiệu quả kinh tế lớn.

Cùng với chuyển đổi ruộng đất, chúng tôi cũng đã tập trung nguồn lực (khoảng 18 tỷ đồng) đầu tư xây dựng mới, nâng cấp hệ thống đường nội đồng, kênh mương, cầu cống, cải tạo mặt ruộng... đáp ứng yêu cầu sản xuất của cánh đồng lớn. Đó là cơ sở quan trọng để đạt kết quả sản xuất tốt như vụ mùa này”.

Hồng Lộc gặt “mùa vàng” sau chuyển đổi đồng ruộng quy mô lớn

Nông dân tất bật chở lúa về nhà sau thu hoạch.

Theo đánh giá ban đầu từ Phòng NN&PTNT huyện Lộc Hà, với năng suất bình quân hơn 60 tấn/ha, vụ hè thu năm nay, đồng ruộng Hồng Lộc có năng suất cao hơn mặt bằng chung toàn huyện (cả huyện ước đạt 55,6 tạ/ha).

Không chỉ có năng suất tốt mà hoạt động sản xuất ở Hồng Lộc cũng thuận lợi hơn so với các địa phương khác trong huyện. Cụ thể như: chi phí đầu tư (không tính cải tạo mặt bằng) thấp hơn khoảng 5 - 7%, hạn chế được công sức lao động thủ công, kiềm chế được dịch bệnh và sâu bọ, dễ đưa cơ giới vào sản xuất, không còn diện tích bỏ hoang, tiết kiệm được thời gian lấy nước (khoảng 3 - 4 ngày/đợt), tăng thời gian giữ nước trong chân ruộng (thêm 5 ngày/đợt), giảm chi phí máy gặt (khoảng 40 - 60 nghìn đồng/sào)...

Từ kết quả ban đầu này, thời gian tới, huyện Lộc Hà sẽ tập trung chỉ đạo, hỗ trợ xã Hồng Lộc thực hiện thêm các chính sách về hỗ trợ phát triển sản xuất, cải tạo đồng ruộng triệt để, tăng cường cơ giới hóa. Cùng đó, huyện cũng sẽ mở rộng đối tượng chuyển đổi ruộng đất theo hướng tích tụ thành ô thửa lớn gắn với xây dựng, nâng cấp hạ tầng phục vụ sản xuất ở những địa phương thuận lợi, có nhiều lợi thế như: Tân Lộc, Ích Hậu, Phù Lưu, Bình An...

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.
Nông dân Hà Tĩnh lo chống rét cho gia súc, gia cầm

Nông dân Hà Tĩnh lo chống rét cho gia súc, gia cầm

Hà Tĩnh đang trải qua đợt rét đậm mạnh nhất kể từ đầu mùa đông đến nay. Bà con nông dân đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống đói, rét, bảo vệ an toàn đàn vật nuôi.
Góp sức phủ xanh những cánh rừng

Góp sức phủ xanh những cánh rừng

Sau nhiều năm xây dựng thương hiệu, đến nay, Công ty TNHH Bảo Lâm (Hương Sơn, Hà Tĩnh) trở thành đơn vị hàng đầu trên địa bàn tỉnh trong lĩnh vực lâm nghiệp, lâm sinh.
Soi đèn đi “săn” rươi ở Nghi Xuân

Soi đèn đi “săn” rươi ở Nghi Xuân

Những ngày qua, khi màn đêm buông xuống, hàng chục hộ dân ở xã Xuân Lam (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) lại ra đồng soi đèn “săn” rươi, thu nhập hàng triệu đồng mỗi ngày.
Sâu bệnh "xuất kích" gây hại ngô vụ đông

Sâu bệnh "xuất kích" gây hại ngô vụ đông

Nông dân Hà Tĩnh cần theo dõi đồng ruộng, kịp thời phát hiện các đối tượng sâu keo, bệnh khô vằn, đốm lá... gây hại trên một số diện tích ngô đông để tránh ảnh hưởng năng suất.
"Đặc sản" Hà Tĩnh vào vụ Tết

"Đặc sản" Hà Tĩnh vào vụ Tết

Thời điểm này, nhiều cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu Hà Tĩnh đã vào vụ cao điểm, chuẩn bị nguồn hàng cung ứng cho thị trường Tết năm 2025.
Rộn ràng mùa lúa mới

Rộn ràng mùa lúa mới

Cuối tháng 11, những cánh đồng ở Hà Tĩnh lại rền vang tiếng máy, tiếng người rộn ràng chuẩn bị sản xuất vụ đầu tiên của năm tới.
Nghi Xuân có thêm 2 sản phẩm OCOP hạng 3 sao

Nghi Xuân có thêm 2 sản phẩm OCOP hạng 3 sao

Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) công nhận sản phẩm “Chả cá sông Lam” và sản phẩm “Rau sạch An Tâm” đạt chuẩn OCOP hạng 3 sao đợt 5 năm 2024.