Hơn 300 cán bộ, chiến sỹ thuộc Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Đồn Biên phòng Phú Gia, Đồn Biên phòng Bản Giàng, ĐVTN huyện cùng bà con nhân dân đã tập trung đến các điểm trường: Mầm non Hương Đô (xã Hương Đô), Mầm non Hương Phúc, Tiểu học Hương Phúc (xã Hương Trạch), Mầm non Lộc Yên (xã Lộc Yên) vét bùn, lau rửa bàn ghế, đồ dùng phục vụ công tác dạy học... Đây là những địa phương bị cô lập trong những ngày mưa lũ vừa qua.
Với sự hỗ trợ tích cực của LLVT và các đoàn thể, người dân Hương Khê dọn dẹp môi trường với phương châm lũ rút tới đâu khắc phục tới đó.
Tại các xã Phương Điền, Phương Mỹ, Hội Chữ thập đỏ tỉnh, huyện và nhóm Thiện nguyện cũng đã kêu gọi quyên góp và trực tiếp về các địa phương chi viện một số nhu yếu phẩm cần thiết như mỳ tôm, nước lọc, áo… cho bà con. Đã có hơn 1.000 thùng mỳ tôm, 100 áo phông, 200 chai nước lọc cùng các nhu yếu phẩm như nước mắm, dầu ăn, lương khô… chuyển đến tận tay người dân các xã. Quân khu 4 cũng đã chuyển qua UBMTTQ huyện 2 tấn mỳ tôm, 2 tấn lương khô, 4.000 chai nước khoáng, 1.000 cuốn vở để kịp thời chuyển tới tận tay người dân.
Anh Nguyễn Thanh Trầm - Trưởng nhóm thiện nguyện Thiện Tâm Hương Khê cho biết: Thông qua mạng xã hội, các kênh thông tin liên lạc, nhóm đang tích cực kêu gọi và tiếp nhận hỗ trợ của các nhà hảo tâm trong, ngoài nước để kịp thời chuyển vật phẩm cần thiết đến cho bà con vùng lũ.
Các tổ chức từ thiện kịp thời cứu trợ lương thực giúp người dân vùng bị cô lập
Huyện Hương Khê cũng chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng huyện phun thuốc khử trùng, khử khuẩn nguồn nước, hướng dẫn bà con sử dụng hóa chất làm sạch nguồn nước uống… và đảm bảo vệ sinh môi trường sau lũ. Đồng thời, cử cán bộ vừa nắm tình hình lũ lụt, vừa thăm hỏi, tặng quà, động viên nhân dân vượt qua thiên tai; làm tốt công tác cứu nạn, cứu hộ; rà soát tình hình thiệt hại, kịp thời báo cáo cấp trên và đề xuất một số nội dung hỗ trợ ban đầu cho địa phương trong công tác khắc phục.
Tại xã Lộc Yên - một trong những địa phương bị cô lập bởi lũ, ông Nguyễn Đình Hưng - Chủ tịch UBND xã cho biết: Xã đã chủ động di dời dân cư ở những vùng bị cô lập, nước chảy xiết. Các hộ dân phát huy tinh thần đoàn kết giúp đỡ nhau trong thiên tai với phương châm nước rút đến đâu, lau dọn, sửa sang nhà cửa đến đó. Tuy nhiên, hiện nay, trên địa bàn huyện, việc tiếp cận vùng dân cư bị cô lập đang gặp nhiều khó khăn… Cùng với tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, việc di dời người, tài sản, vật tư nông nghiệp, các loại giống cây trồng vụ đông cũng là trở ngại lớn; thông tin liên lạc còn gián đoạn…
Do nước rút chậm nên người dân phải tự làm bè để giữ gìn những vật dụng còn lại
Trước tình hình đó, huyện đã ban hành các kế hoạch và phân công cán bộ thường trực theo dõi 24/24h để cập nhật tình hình và tập trung chỉ đạo; thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện trực tiếp xuống tận xã đôn đốc, triển khai các biện pháp đối phó với mưa lũ. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện cũng đã huy động 3 xuồng máy hạ thủy tại các vùng trọng điểm để kiểm tra, ứng cứu khi cần thiết.
Ông Lê Ngọc Huấn - Chủ tịch UBND huyện chia sẻ: Thiệt hại của người dân vô cùng lớn, chưa thể thống kê hết bởi hàng nghìn hộ vẫn ngập trong biển nước. Tuy nhiên, huyện tuyệt đối không chủ quan, lơ là mà đang chỉ đạo các cấp, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương vừa tập trung khắc phục hậu quả, vừa chủ động đối phó cơn bão số 7 và những diễn biến phức tạp của thời tiết.
Đến chiều 16/10, Hương Khê vẫn còn 10 xã bị ngập lụt với 2.369 hộ dân, trong đó có 482 hộ ngập trên 1m; nước lũ cuốn trôi 4 nhà bán kiên cố, 1 nhà kiên cố phải di dời khẩn cấp.
Trụ sở UBND xã Phương Mỹ Diện tích lúa mùa bị ngập 200 ha, 400 ha bưởi Phúc Trạch bị ảnh hưởng; trên 1.000 tấn lúa hư hỏng; hơn 400 con gia súc, 40.000 gia cầm bị cuốn trôi… Các công trình giao thông, thủy lợi, trường học, trụ sở làm việc UBND, hội quán các xã, thị trấn bị ngập sâu, hư hỏng. Mưa lũ cũng đã cuốn trôi 150 tấn xi măng phục vụ làm giao thông nông thôn, kênh mương bê tông năm 2016 và 55 tấn lân, đạm. |