Những cuộc họp giữa ban chỉ đạo huyện và các xã được thực hiện ngay trong những chuyến đi kiểm tra, chỉ đạo trong ngày nghỉ. Trong ảnh: Lãnh đạo huyện làm việc với lãnh đạo xã Mỹ Lộc về công tác phòng chống dịch
Can Lộc có trên 6.700 hộ chăn nuôi lợn với tổng đàn gần 50 nghìn con, trong đó có trên 36.700 con lợn thịt; trên 1.000 lợn nái và lợn đực giống. Đây là địa bàn có lưu lượng vận chuyển lợn, các sản phẩm của lợn và thức ăn chăn nuôi ra, vào khá nhiều nên tiềm ẩn nguy cơ nhiễm bệnh dịch tả lợn Châu Phi rất cao.
Vì thế, ngay trong những ngày nghỉ cuối tuần qua, Ban chỉ đạo và các đoàn công tác của huyện Can Lộc đã trực tiếp xuống địa bàn 23/23 xã thị trấn để nắm bắt tình hình, chỉ đạo các địa phương và cảnh báo, hướng dẫn người chăn nuôi trên địa bàn về các giải pháp phòng chống dịch.
Lãnh đạo huyện Can Lộc kiểm tra tình hình chăn nuôi và quán triệt công tác phòng chống dịch với các hộ nuôi và lãnh đạo xã Sơn Lộc
"Chống dịch như chống giặc", huyện đã mua 3 máy phun động cơ để phun hóa chất tiêu độc khử trùng, cung ứng 1 tấn vôi bột cho và 760 tấn hóa chất cho các xã. Việc tiêu độc, khử trùng đã được thực hiện tại 4 lò mổ và tất cả các chợ, điểm buôn bán trên địa bàn huyện.
Ở một số xã trọng điểm và các trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn, huyện chỉ đạo phòng chuyên môn cùng các chính quyền địa phương chủ động chọn vị trí tiêu huỷ theo kịch bản ngay khi có dịch vào địa bàn.
Chuẩn bị công tác phun hóa chất tại chợ Lối (Quang Lộc)
Thường trực Huyện ủy và các đoàn công tác đã bám sát các địa bàn, chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tình hình bệnh dịch tả lợn Châu Phi cho bà con, đặc biệt là hộ chăn nuôi lợn. Từ đó nâng cao ý thức, sự cảnh giác của các hộ chăn nuôi trong việc tuân thủ khuyến cáo của ngành chức năng như: mua thức ăn chăn nuôi ở những địa chỉ uy tín, không sử dụng thức ăn dư thừa có nguy cơ phát sinh dịch bệnh; nếu phát hiện lợn bị dịch bệnh thì khẩn trương tiêu hủy, khoanh vùng dập dịch.
Phun hóa chất tiêu độc khử trùng tại trang trại chăn nuôi tập trung của chị Nguyễn Thị Hương ở thôn Khánh Sơn, xã Khánh Lộc
Chị Nguyễn Thị Hương, chủ trang trại chăn nuôi lợn tập trung tại thôn Khánh Sơn, xã Sơn Lộc cho biết: “Mặc dù trang trại chăn nuôi của gia đình thường xuyên tiến hành các biện pháp phòng chống như rắc vôi bột, định kỳ phun hóa chất tiêu độc khử trùng nhưng chúng tôi cũng không thể chủ quan. Ngay khi có cảnh báo của cán bộ chuyên môn của huyện và xã, chúng tôi lại càng siết chặt hơn công tác phòng chống dịch để bảo vệ tài sản của mình”.