Vùng đất “chảo lửa, túi mưa”
Người dân Hà Tĩnh hẳn không quên trận lũ kép lịch sử năm 2010 đã làm ngập 183 xã, trong đó, 105 xã bị cô lập hoàn toàn trong nhiều ngày, hàng chục người chết, 175 người bị thương, gây thiệt hại tài sản ước tính 6.400 tỷ đồng. Mới đây nhất, trận lũ tháng 10/2016 đã làm 9 người chết, 32.372 hộ bị ngập; hàng trăm ha lúa và hàng nghìn ha cây ăn quả, hoa màu bị ngập úng, hư hại; hàng trăm nghìn con gia cầm, gia súc bị chết và cuốn trôi... Tổng giá trị thiệt hại ước tính trên 1.000 tỷ đồng. Vùng đất nhiều nắng gió này còn gánh chịu nhiều tác động của hạn hán. Năm 2015, đợt hán kéo dài gây thiệt hại lớn cho ngành nông nghiệp Hà Tĩnh; trong đó có 200 ha chè bị chết, hàng trăm ha đất nông nghiệp bị bỏ hoang... thiệt hại ước tính khoảng 260 tỷ đồng.
Các chuyên gia người Bỉ nghiên cứu về các giải pháp công trình nhằm giúp Hà Tĩnh ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “BĐKH không chỉ ảnh hưởng đến cây trồng mà còn ảnh hưởng rất lớn đến gia súc, gia cầm, dẫn đến một số dịch bệnh nguy hiểm có thể phát sinh. Như đợt rét cuối năm 2015, đã khiến 14.000 ha mạ chết, phải gieo cấy lại. Suốt vụ hè thu 2016, không có mưa, nhiệt độ tăng cao, gây nhiều khó khăn cho người dân trong sản xuất và đời sống”.
Bên cạnh những thách thức do thiên tai, với mạng lưới 13 con sông lớn dài hơn 400 km, phân bố đều khắp tỉnh làm cho nguồn nước mặt phong phú. Hà Tĩnh còn có rất nhiều hồ lớn nhỏ khác nhau như: Kẻ Gỗ, Sông Rác, Cửa Thờ - Trại Tiểu… Điều này đặt ra thách thức trong việc quản lý nguồn nước và phát triển đô thị ở Hà Tĩnh, nhất là trong mối liên hệ BĐKH khó lường như hiện nay. Ông Nguyễn Công Tâm - chuyên viên thuộc Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh cho biết: “BĐKH gây nên nhiều khó khăn trong việc quản lý nguồn nước, ảnh hưởng đến sự phát triển KT-XH, đòi hỏi sự tham gia tích cực từ các cấp, ngành, trong đó, nâng cao năng lực cho các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở là hết sức cần thiết”.
“Chìa khóa” tháo gỡ bế tắc
Trước những thách thức trong việc quản lý nguồn nước và phát triển đô thị liên quan đến BĐKH, chương trình BĐKH trong khuôn khổ chương trình hợp tác định hướng giai đoạn 2011-2015 giữa Chính phủ Việt Nam và Vương quốc Bỉ đã ưu tiên hỗ trợ Hà Tĩnh triển khai dự án IWMC. Dự án được Vương quốc Bỉ tài trợ 7,8 triệu EURO và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam trị giá 1 triệu EURO, được thực hiện trong vòng 6 năm (2013-2019), trong đó, tập trung vào TP Hà Tĩnh, TX Hồng Lĩnh và các vùng phụ cận.
Chuyên gia nước ngoài thuyết trình về dự án quản lý nguồn nước tổng hợp và phát triển đô thị trong mối liên hệ với biến đổi khí hậu.
Ông Lê Tiến Minh - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án SRDP – IWMC cho biết: “Thông qua dự án, Vương quốc Bỉ sẽ giúp chính quyền Hà Tĩnh tăng cường năng lực, thể chế của cơ quan cấp tỉnh ở lĩnh vực quản lý nguồn nước tổng hợp và phát triển đô thị trong bối cảnh BĐKH. Thông qua các nghiên cứu về BĐKH để mô hình hóa thủy lực, thủy văn của sông Rào Cái, từ đó, xác định tác nhân gây ngập lụt của TP Hà Tĩnh. Đặc biệt, từ kết quả nghiên cứu, dự án sẽ đưa ra các giải pháp công trình và phi công trình để đầu tư thí điểm các hoạt động ưu tiên nhằm giúp thành phố ứng phó với BĐKH. Dự án cũng hướng đến mục tiêu huy động sự tham gia của cộng đồng, khu vực tư nhân vào việc ứng phó với BĐKH”.
Hơn 1/2 chặng đường dự án đã đi qua, Ban Điều phối dự án đã phối hợp với các ban, ngành liên quan thực hiện công tác nghiên cứu, lập kế hoạch hành động triển khai nhiều hạng mục. Trên cơ sở các nghiên cứu, dự án sẽ thực hiện đầu tư thí điểm một số công trình nhằm tiêu thoát lũ cho TP Hà Tĩnh như: vườn ươm cây giống rừng ngập mặn, hồ điều hòa Đập Bợt (Thạch Quý), hồ điều hòa Bến Đá (Thạch Đồng), cống tiêu thoát nước Đậu Hầu (Thạch Trung), hệ thống kênh tiêu thoát nước phía Tây TP Hà Tĩnh...
So với các dự án có nguồn vốn nước ngoài khác, dự án IWMC sẽ thông qua các nghiên cứu khoa học để từ đó đề xuất hỗ trợ Hà Tĩnh quy hoạch đô thị thích ứng với BĐKH. Theo Giáo sư Trần Đình Hoàn - Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi, phương pháp nghiên cứu của dự án hiện đại nhất trên thế giới hiện nay. Vì vậy, tính thực tiễn và hiệu quả là rất khả thi. Khi các hạng mục của dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng, công tác quản lý nguồn nước trên địa bàn tỉnh sẽ được cải thiện, đô thị Hà Tĩnh sẽ phát triển bền vững, góp phần ứng phó hiệu quả với BĐKH.