Có ý nghĩa quan trọng với cả người Do Thái, người Cơ Đốc và người Hồi giáo nên từ thời Kinh thánh, thời của đế chế La Mã hay của các cuộc thập tự chinh, Jerusalem đã là đất thiêng của những tranh chấp. Đến giai đoạn hiện đại, khu vực này vẫn là điểm nóng của xung đột có nguồn gốc từ giai đoạn thực dân, giải phóng dân tộc và chủ nghĩa bài Do Thái. Ảnh: AP. |
Tháng 12/1917, 100 năm trước, tướng Anh Edmund Allenby nắm quyền kiểm soát Jerusalem từ đế chế Ottoman của Thổ Nhĩ Kỳ. Ông bước vào thành cổ bằng cách đi bộ qua cổng Jaffa, với tất cả lòng tôn trọng vị thế của Jerusalem. 3 thập kỷ sau đó chứng kiến làn sóng người Do Thái định cư ở đây với tư tưởng Jerusalem là quê nhà. Trong khi đó, số người Arab địa phương giảm xuống theo sự sụp đổ của đế chế Ottoman, vốn cai trị nơi này từ năm 1517. |
Tù nhân Palestine ở Jerusalem dưới thời cai trị của Anh. Phản đối việc di dân đã khiến người Palestine gây ra một số cuộc bạo động nghiêm trọng, trong khi người Do Thái thách thức nhà cầm quyền Anh và lệnh hạn chế nhập cư đã được ban hành vào năm 1939. Điều này khiến nhiều người Do Thái không thể tới Jerusalem để trốn khỏi cuộc diệt chủng của Đức Quốc xã. |
Chính quyền Anh trục xuất người nhập cư Do Thái từ thành phố Haifa vào năm 1947. Sau Thế chiến, năm 1947, Liên Hợp Quốc đã thông qua kế hoạch phân chia cho 2 nhà nước - một Do Thái, một Arab - với Jerusalem được quản lý bởi "chế độ quốc tế đặc biệt" do tình trạng độc nhất của nó. |
David Ben-Gurion đọc Tuyên ngôn Độc lập của Israel vào ngày 14/5/1948 tại Tel Aviv. Người Arab bác bỏ kế hoạch phân chia. Một ngày sau khi Israel tuyên bố độc lập, khối các nước Arab tấn công Israel non trẻ và chuốc lấy thất bại. |
Rất nhiều người Arab và Do Thái đã phải di dời chỗ ở. Jerusalem bị chia cắt: nửa phía tây trở thành một phần của nhà nước Israel và tới năm 1950 trở thành thủ đô theo luật do Israel thông qua, trong khi nửa phía đông, bao gồm cả thành cổ, do Jordan quản lý. |
Sự kiện định hình rõ nhất xung đột quanh Jerusalem là cuộc chiến Arab - Israel năm 1967. Israel đã không chỉ đánh bại quân đội Arab mà còn nắm quyền kiểm soát Dải Gaza và Bán đảo Sinai của Ai Cập, khu Bờ Tây và Đông Jerusalem từ Jordan, cũng như Cao nguyên Golan từ Syria. Ảnh: Magnum Photos. |
Bức tường phân chia Đông và Tây Jerusalem, năm 1967. Chiến thắng của đảng cánh hữu Likud năm 1977 đã củng cố niềm tin cho người Israel rằng Jerusalem là một phần không thể tách rời của bản sắc Do Thái. Vai trò của Jerusalem đối với lịch sử Do Thái được nhấn mạnh trong các cuộc diễu hành quân sự và các chương trình giảng dạy. Đến năm 1980, các nhà lập pháp Israel thông qua một dự luật tuyên bố "Jerusalem, hoàn chỉnh và thống nhất, là thủ đô của Israel". Bước đi này khiến cộng đồng quốc tế phẫn nộ. Ảnh: Magnum Photos. |
Một cuộc đụng độ giữa người Israel và người Palestine tại Jerusalem năm 1993. Hiệp định hòa bình Oslo năm 1993 cho phép công nhận Tổ chức Giải phóng Palestine là cơ quan Palestine có quyền kiểm soát Bờ Tây và Dải Gaza nhưng trì hoãn một nghị quyết về các vấn đề cốt lõi: biên giới, người tị nạn và tình trạng của Jerusalem. |
Đụng độ vẫn tiếp tục nổ ra. Năm 2000, chuyến thăm nhà thờ Hồi giáo al-Aqsa ở thành cổ Jerusalem của Ariel Sharon, lãnh đạo phe đối lập và sau đó là thủ tướng Israel, đã làm phật lòng người Palestine và gây ra cuộc xung đột bạo lực kéo dài 5 năm, lấy đi mạng sống của khoảng 3.000 người Palestine và 1.000 người Israel. |
Cảnh tượng sau một vụ đánh bom tự sát ở Đông Jerusalem năm 2001. Chủ quyền của Israel với Jerusalem vẫn chưa bao giờ được cộng đồng quốc tế thừa nhận. |
Binh sĩ Israel ngăn người Palestine vào khu vực Bờ Tây, năm 2016. Sau 6 tháng trì hoãn, Tổng thống Mỹ Donald Trump trong tuần này sẽ đưa ra quyết định về việc chuyển Đại sứ quán Mỹ tại Israel tới Jerusalem. Điều này thể hiện cam kết với Israel của Washington, nhưng cũng có thể gây ra làn sóng bạo lực mới trong khu vực. |
Một khu định cư Do Thái trong khu vực Đông Jerusalem. Hận thù Arab - Do Thái dai dẳng đã leo thang thành xung đột dân tộc, với Jerusalem ở vị trí trung tâm. Và cuộc xung đột này còn xa mới tìm được hồi kết. |