Không thể coi nhẹ văn hóa bán hàng

(Baohatinh.vn) - “Khách hàng là thượng đế” là câu châm ngôn của không ít cửa hàng, doanh nghiệp khi muốn lấy lòng người mua hoặc sử dụng sản phẩm của họ. Tuy nhiên, thời nay, nhiều nơi vẫn tồn tại lối suy nghĩ “xin - cho”, chưa bắt nhịp kịp với văn minh thương mại.

khong the coi nhe van hoa ban hang

Trau dồi kỹ năng, văn hóa bán hàng là góp phần xây dựng văn minh thương mại.

Trong một lần về thăm quê, bà N.H liền đảo một vòng khu chợ lớn nhất và thấy một cái túi xách cách điệu khá ưng ý. Bà bước tới quầy hàng và ngỏ ý được xem chiếc túi, ngay lập tức, cô nhân viên bán hàng không thèm nhìn mặt khách mà thẳng thừng: “Tôi lấy xuống thì bà phải mua, không thì thôi. Treo lên, treo xuống, cũ hết hàng, tôi bán cho ai?”. Bà H. đành lặng thinh hồi lâu rồi ngán ngẩm quay về.

Hay lần nọ ông T.P (phường Trần Phú, TP Hà Tĩnh) dẫn đứa cháu trai vừa thi đậu kỳ thi học sinh giỏi quốc gia đi tìm mua một đôi giày mới trên đường Xuân Diệu. Vì không rõ nguồn hàng cũng như những mặt hàng này khá xa lạ, nên ông xem qua một lượt rồi hỏi người bán: “Giày nào là hàng tốt vậy chị? Có được bền như những đôi tôi thường mua ở chợ không?”. Lập tức, người bán hàng giật nhanh đôi giày ông P. đang cầm trên tay khiến ông chúi nhủi rồi quát: “Không biết hàng hiệu mà cũng bày đặt sờ vào, trầy xước tí nào thì ông phải mua đền đó!”. Tự ái lắm nhưng cũng chẳng hơi đâu đôi co, ông P. liền “ôm cục tức” chở cháu đi nơi khác tìm mua.

Còn không ít tình huống khiến “thượng đế” dở khóc, dở cười như bị phủ đầu bằng những lời lẽ chợ búa nếu lỡ xem hàng mà không mua vào buổi sáng sớm hay gặp những trường hợp “bún mắng, cháo chửi” tại những cửa hàng phục vụ ăn uống. Chị Nguyễn Thị Quyên (thị trấn Nghèn, Can Lộc) bức xúc: “Thuận mua vừa bán là lẽ đương nhiên, vậy mà, không hiểu một số nhà hàng có tiếng, đông khách lại có cách ứng xử quá tệ như vậy. Đứa con út của tôi hiếu động, chẳng may làm vỡ ly nước trên bàn, ấy thế mà, từ chủ nhà hàng tới nhân viên xông vào chì chiết mặc dù tôi đã có lời xin lỗi và ngỏ ý đền bù”.

Trong các mối quan hệ xã hội thì quan hệ mua bán chiếm một phần không nhỏ trong đời sống con người. Quan hệ này mang lại rất nhiều lợi ích cho cả người mua và người bán. Ngoài các siêu thị lớn của các nhãn hàng nổi tiếng, nhân viên được đào tạo tốt trong giao tiếp và nghiệp vụ bán hàng, còn lại đa số những người bán hàng nói chung đều thiếu kỹ năng, chỉ làm theo tự phát là bán sản phẩm của mình.

Văn hóa bán hàng là một “nghệ thuật”, một lợi thế của kỹ thuật thương mại. Trong thời đại hội nhập, nếu không coi trọng văn hóa ứng xử, xây dựng nét văn minh thương mại thì người bán hàng, doanh nghiệp cung ứng sản phẩm sẽ đánh mất thị trường.

Đọc thêm

"Vô tư" đi ngược chiều trên quốc lộ 1!

"Vô tư" đi ngược chiều trên quốc lộ 1!

Khi điểm mở dải phân cách trên quốc lộ 1 thuộc địa phận huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) lắp thêm rào chắn, nhiều người chọn đi ngược chiều nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Biển chỉ dẫn... có như không!

Biển chỉ dẫn... có như không!

Nhiều biển chỉ dẫn dọc theo tuyến đường thuộc xã Thạch Văn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) bị hư hỏng, bong tróc như "đánh đố" người tham gia giao thông.