Người dân, doanh nghiệp Hà Tĩnh ưu tiên thanh toán online

(Baohatinh.vn) - Thanh toán không dùng tiền mặt không chỉ tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong giao dịch mà còn tạo cơ sở để các “nhà băng” ở Hà Tĩnh hoàn thiện mục tiêu “ngân hàng số”.

Ông Nguyễn Văn Hương, trú tại thôn 5, xã Cẩm Quang (Cẩm Xuyên) thường đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh thăm khám, điều trị bệnh. Nếu như trước đây, mỗi lần đi viện ông phải chuẩn bị sẵn tiền để tiện bề thanh toán viện phí, đó là chưa nói đến việc mất an toàn khi đưa nhiều tiền mặt bên mình. Từ khi được cán bộ ngân hàng tuyên truyền, ông Hương đã lập tài khoản và ưu tiên sử dụng giao dịch thanh toán online.

Người dân, doanh nghiệp Hà Tĩnh ưu tiên thanh toán online

Ông Nguyễn Văn Hương (Cẩm Xuyên) thanh toán viện phí online tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh.

Ông Hương cho biết: “Sử dụng hình thức thanh toán online rất thuận tiện, an toàn và chính xác. Không chỉ nộp tiền viện phí, tôi còn thường xuyên nộp tiền điện, nước... qua app. Mọi giao dịch thanh toán không mất phí nên chúng tôi hào hứng trải nghiệm”.

Ông Hương là một trong nhiều khách hàng thường xuyên sử dụng các dịch vụ thanh toán online trả viện phí tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh.

Ông Võ Đình Thọ - Phó trưởng phòng Tài chính – Kế toán, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cho biết: "Đơn vị đã liên kết với Vietcombank và Agribank triển khai dịch vụ thanh toán viện phí online qua tài khoản, mã QR, thẻ tín dụng... 9 tháng năm 2023, bệnh viện thu phí online đạt gần 27 tỷ đồng, chiếm khoảng 30% tổng các loại phí thu tại đơn vị. Mỗi ngày, bệnh viện đón lượng lớn bệnh nhân đến thăm khám, điều trị nên việc ứng dụng thanh toán online không chỉ tạo thuận lợi cho bệnh nhân mà còn giúp bệnh viện tiết giảm thời gian, nhân lực phục vụ công tác thu phí và giúp nâng cao độ chính xác trong hoạt động này".

Vietcombank Hà Tĩnh là “nhà băng” có tỷ lệ khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt lớn. Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà – Trưởng phòng Dịch vụ khách hàng, Vietcombank Hà Tĩnh thông tin: "Để gia tăng số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử, chi nhánh tăng cường giới thiệu cho khách hàng các tiện ích và dịch vụ trên ứng dụng VCB Digibank, VCB DigiBiz, IntenetBanking. Cùng đó, chúng tôi thành lập các tổ xuống cơ sở, tham gia các chương trình chuyển đổi số tại các huyện, thị để giới thiệu quảng bá dịch vụ.

Đến nay, đã có 198.137 khách hàng cá nhân sử dụng dịch vụ VCB Digibank, chiếm 58% khách hàng cá nhân tại đơn vị. Ngoài ra, việc ứng dụng ngân hàng số của Vietcombank giúp nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tiết kiệm thời gian, chi phí và tăng hiệu quả quản trị doanh nghiệp. Các doanh nghiệp tham gia nộp thuế, phí, lệ phí, trả tiền hàng một cách nhanh chóng qua ngân hàng điện tử".

Người dân, doanh nghiệp Hà Tĩnh ưu tiên thanh toán online

Nhân viên Vietcombank Hà Tĩnh ra quân phủ sóng mã QR code tại các cơ sở kinh doanh.

Theo đại diện Công ty Bảo hiểm PJICO Hà Tĩnh, đơn vị thường xuyên chuyển tiền bồi thường cho khách hàng, tiền lương cho người lao động và nhiều hoạt động thu, chi khác. Trước đây, doanh nghiệp phải đến trực tiếp ngân hàng giao dịch mỗi ngày. Từ khi ứng dụng phần mềm ngân hàng số VCB DigiBiz, doanh nghiệp có thể giao dịch mọi lúc, mọi nơi qua app, giúp tiết kiệm thời gian đi lại, được miễn phí giao dịch cũng như dễ dàng kiểm soát số liệu tài chính qua phầm mềm.

Được biết, 9 tháng năm 2023, tổng doanh số thanh toán qua các điểm chấp nhận thẻ, mã QR code tại Vietcombank Hà Tĩnh đạt 792 tỷ đồng, tổng doanh số thanh toán sử dụng thẻ tín dụng đạt 349 tỷ đồng.

Ngoài các ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank, khối ngân hàng ngoài quốc doanh cũng đang nỗ lực nhằm “phủ sóng” tỷ lệ khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt.

Theo bà Dương Thu Hương - Trưởng phòng Dịch vụ Khách hàng, Techcombank Hà Tĩnh, nền tảng thanh toán số mà Techcombank xây dựng đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự thay đổi thói quen của người dùng từ thanh toán bằng tiền mặt sang các giao dịch số hóa tiện lợi và an toàn. Hiện nay, nhiều người dân Hà Tĩnh đã sử dụng hình thức thanh toán online trên đa dạng lĩnh vực như: thu học phí, viện phí, phí dịch vụ chung cư... Việc trải nghiệm dịch vụ tiện ích này không chỉ khách hàng hưởng lợi mà còn giúp ngân hàng sớm hoàn thiện mục tiêu “ngân hàng số”.

Người dân, doanh nghiệp Hà Tĩnh ưu tiên thanh toán online

Nhân viên Techcombank Hà Tĩnh hướng dẫn khách hàng dịch vụ thanh toán online.

Ngân hàng Nhà nước tỉnh đang tập trung chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số theo kế hoạch của ngành và Quyết định số 424/QĐ-UBND ngày 18/02/2022 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025”. Hoạt động thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng tiếp tục được triển khai rộng rãi, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế, giáo dục, an sinh xã hội, thu ngân sách...

Tính đến đầu tháng 10/2023, tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện qua ngân hàng Hà Tĩnh đạt 77,95%, tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền nước qua ngân hàng và các đơn vị thu hộ đạt 76,4%. Ngoài ra, khách hàng nộp học phí qua tài khoản ngân hàng chiếm tỷ lệ 56,04% tổng số tiền thu học phí; khách hàng thanh toán viện phí không dùng tiền mặt chiếm tỷ lệ 17,22% trong tổng số tiền thu viện phí...

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi số hoạt động ngân hàng, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trên cơ sở ứng dụng công nghệ, tạo thuận lợi cho người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa tiếp cận được dịch vụ.

Cùng đó, tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử; triển khai hiệu quả các hệ thống thanh toán quan trọng và hoạt động các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đảm bảo hoạt động đúng quy định của pháp luật, thông suốt, an toàn. Tích cực phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền về thanh toán không dùng tiền mặt, giáo dục tài chính; tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền lợi hợp pháp người tiêu dùng...

Chủ đề Tài Chính - Ngân Hàng

Đọc thêm

Lộc Hà “tăng tốc” xây dựng nông thôn mới

Lộc Hà “tăng tốc” xây dựng nông thôn mới

Thời điểm cuối năm này, các địa phương ở huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) đang tập trung đẩy nhanh tiến độ nâng cấp các tiêu chí NTM gắn với chỉnh trang cảnh quan xóm làng đón tết.
Hà Tĩnh sẽ có thêm 2 khu đô thị hơn 3.900 ha

Hà Tĩnh sẽ có thêm 2 khu đô thị hơn 3.900 ha

Khu đô thị Kỳ Nam và Kỳ Ninh sẽ được xây dựng thành những khu vực dân cư đô thị văn minh, hiện đại, phù hợp với định hướng quy hoạch chung của thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh).
Khai trương showroom VinFast Hà Tĩnh 2

Khai trương showroom VinFast Hà Tĩnh 2

Showroom VinFast Hà Tĩnh 2 không chỉ là nơi trưng bày và kinh doanh sản phẩm mà còn là cầu nối giữa VinFast với khách hàng nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của thị trường.