Vượt khó trong nuôi trồng, Hà Tĩnh thu gần 8.000 tấn thủy sản mặn lợ

(Baohatinh.vn) - Từ đầu năm đến nay, người nuôi trồng thủy sản vùng nước mặn lợ ở Hà Tĩnh đã nỗ lực vượt khó để thu hoạch gần 8.000 tấn sản phẩm các loại.

Những tháng đầu năm nay, ngoài thời tiết cực đoan thì nguồn nước cấp tại các vùng nuôi trồng thủy sản mặn lợ tập trung ở Lộc Hà tiềm ẩn các loại virus gây bệnh nguy hiểm trên các đối tượng nuôi.

Vượt khó trong nuôi trồng, Hà Tĩnh thu gần 8.000 tấn thủy sản mặn lợ

Những mẻ tôm kích cỡ lớn của Công ty Hồng Anh (xã Mai Phụ, Lộc Hà) xuất bán.

Trong đó, nguy hiểm nhất là tôm thẻ chân trắng (đối tượng nuôi quan trọng nhất trên địa bàn) bị bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy, hồng thân, chậm lớn... xảy ra ở nhiều nơi, kể cả các cơ sở được đầu tư nuôi thâm canh, công nghệ cao trong bể xi măng, trong nhà lưới, ao lót bạt.

Đặc biệt, dịch bệnh đốm trắng đã xẩy ra tại 2,5 ha của 5 hộ nuôi ở xã Mai Phụ đã buộc các hộ nuôi và cơ quan chuyên môn xử lý bằng hóa chất chlorine.

Với quyết tâm duy trì sinh kế, ổn định sản xuất, người nuôi trồng thủy sản ở Lộc Hà đã nỗ lực để khắc phục các yếu tố tác động xấu, giảm thiểu ảnh hưởng đến sản xuất. Ngoài duy trì ổn định các vùng nuôi đã có, xã Mai Phụ đã xây được 3 mô hình nuôi trồng hiện đại và bước đầu cho kết quả khá là: nuôi tôm công nghệ cao quy mô 10 ha của Công ty Hồng Anh, nuôi cua công nghệ cao bằng hộp nhựa trong nhà quy mô 1.000 hộp của Nguyễn Văn Quang và nuôi cua 2 giai đoạn quy mô 1 ha của ông Tô Đình Lệ.

Với việc khai thác tốt 291 ha đất mặt nước nuôi trồng mặn lợ, hơn 9 tháng năm 2023, Lộc Hà đã thu hoạch được 1.778 tấn sản phẩm các loại, trong đó tôm thẻ chân trắng khoảng 360 tấn, còn lại là hến, cua, các loại cá, tôm sú...

Vượt khó trong nuôi trồng, Hà Tĩnh thu gần 8.000 tấn thủy sản mặn lợ

Người nuôi tôm thẻ chân trắng ở Thạch Hà, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh... mạnh dạn đầu tư nuôi theo hướng công nghệ cao để đảm bảo an toàn, tăng năng suất, tăng lợi nhuận.

Cùng với Lộc Hà, người nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh cũng đã nỗ lực vượt khó để đảm bảo nhịp độ sản xuất, cải thiện thu nhập.

Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nghi Xuân Lê Anh Đức cho biết: “Thực hiện kế hoạch sản xuất thủy sản mặn lợ của năm 2023, người nuôi trồng toàn huyện đã duy trì 534 ha (bằng cùng kỳ năm ngoái) để nuôi các đối tượng như tôm, cua, cá đối, cá mục, cá hồng... và thu về 1.401 tấn sản phẩm. Trong quá trình sản xuất, bà con đã tập trung khắc phục các yếu tố bất lợi về thời tiết, dịch bệnh, ô nhiễm nguồn nước, giá thức ăn cao, chất lượng con giống, tư thương ép giá khi xuất bán”.

Vượt khó trong nuôi trồng, Hà Tĩnh thu gần 8.000 tấn thủy sản mặn lợ

Người dân Nghi Xuân thu hoạch tôm vụ hè thu (Ảnh tư liệu).

Theo số liệu thống kê, từ đầu tháng 9 đến nay (giai đoạn bước vào mùa mưa bão nên phải thu hoạch hoặc gối vụ để nuôi vụ đông), người nuôi trồng thủy sản vùng mặn lợ ở Hà Tĩnh đã thu hoạch 2.222 tấn sản phẩm các loại, đạt giá trị sản xuất gần 181 tỷ đồng.

Hiện nay, một số vùng ven biển (nhất là các vùng nuôi công nghệ cao, an toàn) đang tiếp tục gia cố ao hồ, dọn bể nuôi, vệ sinh môi trường nuôi, thực hiện các biện pháp phòng chống mưa bão và ngăn ngừa dịch bệnh, chuẩn bị nguồn nước, liên hệ giống và thức ăn... để nuôi vụ đông, có sản phẩm bán tết, nhất là tôm thẻ và cua.

Vượt khó trong nuôi trồng, Hà Tĩnh thu gần 8.000 tấn thủy sản mặn lợ

Người dân xã Thạch Lạc (Thạch Hà) nuôi cá chim vây vàng trong ao lót bạt bước đầu cho lợi nhuận khá.

Trưởng phòng Quản lý nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản, Sở NN&PTNT Hà Tĩnh) Nguyễn Thị Hoài Thúy cho biết: “Dù gặp phải những khó khăn nhất định nhưng hoạt động nuôi trồng mặn lợ từ đầu năm đến nay ở tỉnh ta vẫn đạt 2.700 ha (đạt 97% kế hoạch năm). Trong số diện tích sản xuất này có 2.154 ha nuôi các loại tôm (1.887 ha tôm thẻ chân trắng, còn lại các loại tôm sú), 124 ha nuôi cua và cá, 422 ha nhuyễn thể. Tôm được xác định là đối tượng nuôi chính, cho giá trị sản xuất cao và có 614 ha nuôi theo công nghệ cao, 462 ha nuôi bán thâm canh, còn lại nuôi quảng canh cải tiến hoặc quảng canh”.

“Nhờ các cấp, ngành tăng cường quản lý, tích cực chỉ đạo sản xuất, người nuôi trồng chăm lo sản xuất, chủ động khắc phục khó khăn nên sản lượng nuôi trồng mặn lợ toàn tỉnh từ đầu năm đến nay đạt gần 8.000 tấn (đạt 85% kế hoạch năm), mang về giá trị sản xuất gần 540 tỷ đồng. Trong đó, sản lượng tôm các loại đạt 4.465 tấn, cá các loại đạt 250 tấn, còn lại là các đối tượng nuôi khác”, bà Nguyễn Thị Hoài Thúy thông tin thêm.

Chủ đề Đánh bắt - Nuôi trồng thủy hải sản

Đọc thêm

Giá vàng hôm nay 1/11/2024: Giảm nhẹ

Giá vàng hôm nay 1/11/2024: Giảm nhẹ

Giá vàng hôm nay 1/11/2024: Giá vàng giảm khi giá ổn định sau khi đạt mức cao kỷ lục, trong khi nhu cầu trú ẩn an toàn trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Giá xăng giảm, dầu tăng

Giá xăng giảm, dầu tăng

Giá xăng giảm trong khi các mặt hàng dầu quay đầu tăng từ 15h hôm nay, sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính.