Phấn đấu sản lượng tôm tăng 150 tấn
Sau khi đi tham quan, học hỏi nhiều nơi, anh Trần Văn Hiếu ở TDP Xuân Hòa (thị trấn Lộc Hà) vừa mạnh dạn đầu tư gần 600 triệu đồng nâng cấp khu nuôi tôm thẻ chân trắng. Theo đó, các ao nuôi của anh được chuyển từ làm vuông, lót bạt, không có mái thành ao tròn, đáy nổi, có mái che bằng lưới. Những ngày khô ráo, gia đình anh Hiếu huy động tối đa nhân lực, máy móc để đẩy nhanh tiến độ cải tạo ao.
Anh Trần Văn Hiếu đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ nâng cấp ao hồ để sẵn sàng cho vụ nuôi mới.
Sau hơn 1 tháng cải tạo, dự kiến khoảng 20 ngày nữa, khu nuôi tôm thẻ của anh Hiếu có thể hoàn thành và bắt đầu vụ nuôi mới. Với hệ thống ao mới này, anh đang kỳ vọng sẽ giúp đảm bảo an toàn, dễ quản lý, đưa năng suất đạt khoảng 2,5 tấn/ao rộng 800m2/vụ (tăng 20 - 30% so với trước đây).
Các hộ nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao trong các bể xi măng ở vùng nuôi trồng thuộc TDP Xuân Hòa cũng đang gấp rút chuẩn bị cho vụ nuôi mới. Anh Trần Văn Minh - một hộ nuôi trồng ở đây cho biết: “Chúng tôi đang gấp rút vệ sinh ao lắng, lấy nước dự trữ, lau chùi bể nuôi, vệ sinh hệ thống sục khí, kiểm tra lưới che mái, bảo dưỡng máy móc... Để chủ động sản xuất, chúng tôi đã liên hệ với đại lý cung ứng giống chuẩn bị những mẻ đảm bảo chất lượng, thuần theo nhiệt độ, độ mặn, độ pH, độ kiềm của ao nuôi”.
Một số ao nuôi tôm bán thâm canh ở Lộc Hà đã được phơi khô, chờ rắc vôi bột để khử trùng và tăng độ PH, kiềm (ảnh ở xã Thạch Châu).
Năm nay, Lộc Hà có kế hoạch nuôi 135 ha tôm thẻ chân trắng (nhiều hơn năm ngoái 10 ha), dự kiến sản lượng đạt ước đạt 435 tấn (tăng 150 tấn so với năm 2022). Để kịp xuống giống theo hướng dẫn của Sở NN&PTMT (đầu tháng 3), tất cả các vùng nuôi tôm thẻ ở Mai Phụ, Hộ Độ, Thịnh Lộc, Thạch Châu, thị trấn Lộc Hà đều đang gấp rút chuẩn bị cho vụ mới như: xử lý ao nuôi; nạo vét bùn đất, vệ sinh, sửa cống ở các dòng kênh, ao cấp nước; bảo dưỡng máy nổ, đường điện; liên hệ đặt hàng các đại lý cung ứng giống, thức ăn, thuốc phòng ngừa dịch bệnh...
Một số hồ nuôi tôm lót bạt ở Hộ Độ đang được lau rửa, bố trí hệ thống sục khí để chuẩn bị vụ nuôi mới.
Chị Nguyễn Thị Duyên – chuyên viên Phòng NN&PTNT huyện Lộc Hà cho biết: “Để đạt mục tiêu đề ra, ngành đang tập trung chỉ đạo, phối hợp thực hiện tốt các giải pháp tăng năng suất trên một đơn vị diện tích, nhất là về yếu tố kỹ thuật. Chúng tôi thường xuyên động viên bà con triển khai nhiều mô hình nuôi an toàn sinh học theo hướng VietGAP, hạn chế hóa chất; tổ chức hướng dẫn, khuyến cáo sử dụng giống tốt, kiểm soát chặt chẽ chất lượng con giống; sử dụng thức ăn gắn với quản lý môi trường và phòng ngừa dịch bệnh...”.
Duy trì 190 ha nuôi trồng các đối tượng mặn, lợ
Các thành viên của HTX Nuôi trồng thủy sản Việt Hồng (Mai Phụ) đang ngày đêm thu hoạch ngao thương phẩm.
Hiện nay, các thành viên của HTX Nuôi trồng thủy sản Việt Hồng ở thôn Mai Lâm, xã Mai Phụ vẫn còn hơn 200 tấn ngao thương phẩm. Những ngày này, các thành viên đang dồn sức thu hoạch với mục tiêu hạn chế tối đa rủi ro, chuẩn bị quỹ đất cho đợt xuống giống mới. Hoạt động khai thác, tuyển lựa, mua bán... ở đây đang diễn ra tấp nập cả ngày lẫn đêm.
Để kịp xuống giống vào đầu tháng 4, người nuôi ngao ở vùng bãi bồi ven Cửa Sót (giáp ranh giữa huyện Lộc Hà và Thạch Hà) đang thu hoạch theo hình thức cuốn chiếu, tập trung vệ sinh bãi bồi, làm tươi xốp bãi nuôi; liên hệ con giống ở các tỉnh phía Bắc, chuẩn bị giá thể để kết hợp nuôi hàu với nuôi ngao...
Người dân xã Mai Phụ chuẩn bị giá thể để nuôi hàu (xen với ngao) trên các bãi bồi ven cửa sông.
Năm nay, huyện Lộc Hà cũng duy trì gần 190 ha vùng nước mặn, lợ ven cửa sông, cửa biển. Trong số này, có 167 ha ở vùng bãi bồi cửa biển thuộc xã Thạch Châu, thị trấn Lộc Hà và Mai Phụ được nuôi các loài nhuyễn thể (ngao, hàu Thái Bình Dương, vẹm xanh). Đáng nói, năm nay, nhiều hộ sản xuất ở vùng nước sâu đã tiến hành nuôi xen canh (nuôi ngao dưới bãi, làm giá thể nuôi hàu ở vẹm xanh ở tầng nước lửng) để tận dụng tối đa diện tích, tăng sản lượng nuôi trồng và thu nhập trên một đơn vị diện tích.
Ngoài ra, các địa phương ven biển của Lộc Hà cũng duy trì 23 ha mặn, lợ để nuôi các đối tượng khác như: cua, cá đối mục, cá dìa, cá chẽm, các hồng, cá sủ... Bà con cũng đã cơ bản chuẩn bị ao hồ, lồng bè, nguồn nước và kiểm soát các yếu tố đầu vào để sẵn sàng cho sản xuất mới.
Các bãi nuôi ngao đã thu hoạch ở Thạch Châu trong thời gian chờ thu dọn vỏ chết để thả giống lứa mới.
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lộc Hà Võ Tá Bình cho biết: “Chúng tôi đã tham mưu cho UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo sản xuất và hướng dẫn quy trình kỹ thuật trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản mặn, lợ. Trong quá trình sản xuất, huyện chủ trương ưu tiên phát triển mạnh các đối tượng nuôi chủ lực, các vùng nuôi thâm canh, nuôi công nghiệp, bảo vệ môi trường sinh thái. Việc đa dạng hóa các đối tượng và phương pháp nuôi được gắn liền với khuyến khích đầu tư cơ sở hạ tầng và ứng dụng các tiến bộ KHKT, áp dụng quy trình nuôi an toàn sinh học theo VietGAP...”.