Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV sẽ tập trung xây dựng pháp luật và giám sát tối cao

(Baohatinh.vn) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa quyết định triệu tập và dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV sẽ diễn ra theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội, khai mạc vào ngày 20/10 và dự kiến bế mạc vào ngày 18/11/2022.

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV sẽ tập trung xây dựng pháp luật và giám sát tối cao

Phiên họp thứ 15 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV cho ý kiến nội dung, chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Theo dự kiến chương trình, về công tác lập pháp, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 7 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết gồm: Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); Nghị quyết ban hành nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến lần đầu với 7 dự án luật, gồm Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự.

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV sẽ tập trung xây dựng pháp luật và giám sát tối cao

Toàn cảnh phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Là kỳ họp thường kỳ cuối năm, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng như: đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2022; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 (trong đó có quyết định kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước; xem xét kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2023-2025, tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2022, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2023 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý).

Quốc hội sẽ dành thời gian thỏa đáng tiến hành chất vấn, trả lời chất vấn; giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021. Đồng thời xem xét tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV; kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV; việc thực hiện kiến nghị giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội (nếu có).

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV sẽ tập trung xây dựng pháp luật và giám sát tối cao

Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 trên địa bàn tỉnh.

Quốc hội cũng xem xét các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về: công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án năm 2022 (trong đó có nội dung về công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam).

Các đại biểu sẽ tự nghiên cứu các báo cáo công tác năm 2022 của các cơ quan Quốc hội; kết quả giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; kết quả giám sát chuyên đề của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; kết quả giám sát của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư năm 2022 và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi Quốc hội năm 2022; kết quả thực hiện Nghị quyết số 134/2020/QH14 về tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII; kết quả thực hiện Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 2 và Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV; tổng thuật Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2022; báo cáo của Kiểm toán Nhà nước về công tác năm 2022, dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2023.

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV sẽ tập trung xây dựng pháp luật và giám sát tối cao

Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Ngoài ra, Chính phủ sẽ gửi báo cáo để các đại biểu xem xét về công tác của Chính phủ; tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH; hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp; tình hình xử lý tồn tại, yếu kém của các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công thương; nợ công năm 2022 và dự kiến năm 2023; tình hình thực hiện dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đường sắt đô thị thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, dự án hồ chứa nước Ka Pét; kết quả thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội; chính sách phát triển và việc sử dụng ngân sách nhà nước đầu tư cho giao thông vận tải đường sắt; chính sách, biện pháp, kết quả hoạt động, phát triển khoa học và công nghệ; hoạt động giáo dục và việc thực hiện ngân sách giáo dục; việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới; chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm y tế năm năm 2021; hoạt động tương trợ tư pháp; tình hình quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự xã hội, trật tự an toàn giao thông năm 2022; chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy; công tác đối ngoại của Nhà nước năm 2022; việc thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); việc thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh Châu Âu.

Đặc biệt, Quốc hội sẽ thực hiện quy trình công tác nhân sự một số chức danh theo quy định và xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác (nếu có).

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV sẽ tập trung xây dựng pháp luật và giám sát tối cao

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia phát biểu tại hội nghị đại biểu hoạt động chuyên trách thảo luận một số dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Để tham gia Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đạt kết quả tốt, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh và các vị đại biểu Quốc hội đang tập trung thực hiện một số nội dung:

Thứ nhất, dành thời gian nghiên cứu, góp ý kiến về dự kiến chương trình, các nội dung kỳ họp; tổ chức lấy ý kiến góp ý bằng văn bản, phối hợp với một số cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tổ chức hội nghị xây dựng pháp luật, hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề về một số dự án luật để Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp. Các ý kiến góp ý được Đoàn ĐBQH tổng hợp kịp thời báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và gửi các ĐBQH trong đoàn làm tư liệu tham gia thảo luận tại kỳ họp.

Thứ hai, phối hợp với ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tổ chức để ĐBQH tiếp xúc cử tri trước tại các địa phương; tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề, làm việc với một số cơ quan, địa phương, đơn vị trong tỉnh; thu thập, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và gửi báo cáo tổng hợp về Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam để tổng hợp, báo cáo Quốc hội.

Thứ ba, các ĐBQH tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri; tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của người đại biểu Nhân dân, chú trọng hơn việc nghiên cứu kỹ tài liệu, nắm bắt tình hình thực tế để nâng cao chất lượng nội dung phát biểu, tập trung phân tích, đánh giá, kiến nghị các giải pháp thiết thực vì quyền lợi của Nhân dân, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp.

Thứ tư, chủ động phối hợp với Văn phòng Quốc hội, các cơ quan chức năng đảm bảo điều kiện tham gia Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Chủ đề Chủ trương - Chính sách

Đọc thêm

Kỷ niệm trọng thể 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Kỷ niệm trọng thể 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Sáng 20/12, tại Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm cấp quốc gia 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2024). Tổng Bí thư Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương dự và đọc Diễn văn kỷ niệm.
Tổng Bí thư Tô Lâm dự lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Tổng Bí thư Tô Lâm dự lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Sáng 20/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) diễn ra lễ kỷ niệm trọng thể 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024) và 35 năm Ngày Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2024). Tổng Bí thư Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự lễ kỷ niệm.
Tổng kết công tác báo chí và trao Giải Búa liềm vàng năm 2024

Tổng kết công tác báo chí và trao Giải Búa liềm vàng năm 2024

Sáng 19/12, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác báo chí năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 và trao giải Búa Liềm vàng cấp tỉnh lần thứ XII – năm 2024.