La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp và Vua Quang Trung kết mối lương duyên Hà Tĩnh - Bình Định

(Baohatinh.vn) - Từ nền móng được tạo dựng qua mối lương duyên giữa Vua Quang Trung và nhà hiền triết Nguyễn Thiếp cách đây hơn 200 năm, đến nay, trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, mối quan hệ giữa Hà Tĩnh và Bình Định ngày càng khăng khít và phát triển.

La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp và Vua Quang Trung kết mối lương duyên Hà Tĩnh - Bình Định

Vua Quang Trung và La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp. Ảnh minh họa.

Vua trọng hiền tài, thần vì đại nghĩa

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Quang Hồng (Khoa Lịch sử, Trường Đại học Vinh) - người có nhiều nghiên cứu về La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp thì hiếm có vị vua nào trong các triều đại lịch sử Việt Nam lại khiêm nhường cầu hiền tài như vua Quang Trung. Và cũng hiếm có vị danh sỹ nào có tính cách khí khái như La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp khi thể hiện rõ lập trường, chí khí của bản thân trước danh lợi, cường quyền.

Theo các tư liệu lịch sử, Nguyễn Thiếp (1723-1804) quê ở làng Mật, xã Nguyệt Ao, tổng Lai Thạch (huyện La Sơn, phủ Đức Quang) nay là xã Kim Song Trường (Can Lộc, Hà Tĩnh) là một người tài năng lỗi lạc, “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý”. Năm 1768, sau thời gian làm quan cho triều Lê, Nguyễn Thiếp từ quan về núi Bùi Phong (thuộc dãy Thiên Nhẫn, ở xã Nam Kim, Nam Đàn, Nghệ An ngày nay) ở ẩn. Tại đây, ông đọc sách, dạy học và làm ruộng, sống cuộc đời thanh bần, không màng danh lợi.

La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp và Vua Quang Trung kết mối lương duyên Hà Tĩnh - Bình Định

Đền thờ La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp ở xã Kim Song Trường (Can Lộc, Hà Tĩnh).

Từ năm 1786 đến cuối năm 1788, Nguyễn Huệ 3 lần kéo quân ra Bắc dẹp loạn, đã 3 lần gửi thư mời Nguyễn Thiếp ra phò tá, kèm lễ vật hậu hĩnh. Tuy nhiên, lần thứ nhất ông từ chối; lần thứ 2, Nguyễn Thiếp gặp mặt hội đàm vui vẻ nhưng sau lại xin lui về ở ẩn. Đến cuối năm 1788, khi Lê Chiêu Thống rước hơn 29 vạn quân Thanh sang xâm chiếm nước ta, vua Quang Trung từ Phú Xuân (Huế) đưa quân ra dẹp giặc, bấy giờ Nguyễn Thiếp mới chính thức nhận lời. Nhờ sự quân sư hiến kế của Nguyễn Thiếp cùng các nhân tài khác, Nguyễn Huệ đã đánh bại quân Thanh xâm lược, giành lại bờ cõi núi sông đất nước vào mùa xuân Kỷ Dậu (1789).

La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp và Vua Quang Trung kết mối lương duyên Hà Tĩnh - Bình Định

Di tích nền nhà cũ của La Sơn phu tử ở trên núi Bùi Phong (xã Nam Kim, Nam Đàn, Nghệ An), đồng thời cũng là Viện Sùng Chính do vua Quang Trung lập nên giao Nguyễn Thiếp làm chủ.

Tiếp tục giúp Nguyễn Huệ chấn hưng đất nước, Nguyễn Thiếp được nhà vua cử làm Chánh chủ khảo cuộc thi Hương ở Nghệ An, sau đó lại được giao giữ chức Viện trưởng Viện Sùng Chính (lập tại nơi ở của Nguyễn Thiếp) lo biên dịch các sách chữ Hán sang chữ Nôm, thực hiện các biện pháp cải cách giáo dục, đào tạo nhân tài. Ông còn được vua tin tưởng giao nhiệm vụ cùng với các danh sỹ khác chọn đất, chuẩn bị xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô...

Năm 1792, vua Quang Trung đột ngột qua đời, Nguyễn Thiếp dù đã 69 tuổi nhưng vẫn nhiệt tình vào Phú Xuân, giúp vua Cảnh Thịnh. Tuy nhiên, nhận thấy thời cuộc thay đổi nên ông đã trả lại hết bổng lộc, xin trở về núi Bùi Phong, cho đến lúc qua đời vào năm 1804.

La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp và Vua Quang Trung kết mối lương duyên Hà Tĩnh - Bình Định

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Quang Hồng (bên phải, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Vinh) cùng cán bộ Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh bên một phần tường còn sót lại của Viện Sùng Chính trên núi Bùi Phong.

Mặc dù thời gian gặp gỡ giữa vua Quang Trung Nguyễn Huệ và La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp không nhiều nhưng cả hai bên đã dành cho nhau nhiều thịnh tình tốt đẹp. Vua Quang Trung thể hiện một vị vua anh minh, lỗi lạc coi trọng hiền tài là nguyên khí quốc gia, hết lòng đối đãi, ưu ái cho Nguyễn Thiếp. Ngay cái danh hiệu La Sơn phu tử mà vua Quang Trung đặt cho Nguyễn Thiếp cũng đã nói lên điều đó. Về phía Nguyễn Thiếp cho thấy ông tỏ rõ là một bề tôi trung thành, hết mình trong phò trợ vua Quang Trung, không chỉ ở đại thắng quân Thanh năm 1789 mà còn trong công cuộc phục hưng đất nước. Mối quan hệ vua tôi giữa Quang Trung - Nguyễn Thiếp không chỉ là vua - tôi mà còn là tri kỷ, tri âm giữa những bậc hiền tài vì đại nghĩa, đánh đuổi ngoại xâm, giành độc lập dân tộc, xây dựng phát triển đất nước.

Hà Tĩnh - Bình Định tiếp nối “lương duyên” tiền nhân

Đầu tháng 10/2023, nhận lời mời của Thư viện tỉnh Hà Tĩnh, ông Nguyễn Ngọc Sinh - Phó Giám đốc Thư viện tỉnh Bình Định đã có chuyến công tác khá đặc biệt tại Hà Tĩnh. Đó là làm giảng viên của khóa tập huấn chuyển giao công nghệ ứng dụng phần mềm VietBiblio cho hơn 140 cán bộ, giáo viên các thư viện cấp huyện và trường học của 13/13 huyện, thành phố, thị xã của Hà Tĩnh.

La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp và Vua Quang Trung kết mối lương duyên Hà Tĩnh - Bình Định

Ông Nguyễn Ngọc Sinh - Phó Giám đốc Thư viện tỉnh Bình Định làm giảng viên lớp tập huấn chuyển giao công nghệ phần mềm VietBiblio cho cán bộ các thư viện cấp huyện, xã, trường học Hà Tĩnh dịp vừa qua.

Trong câu chuyện mở đầu cho lớp tập huấn, ông Sinh giới thiệu: “Đối với người dân Bình Định chúng tôi, mảnh đất và con người Hà Tĩnh có một vị trí rất đặc biệt. Nhắc đến quê hương của La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, quê cha của nhà thơ Xuân Diệu là điều gì đó rất đỗi thân thương, gần gũi. Trong đó, chúng tôi vẫn luôn ghi nhớ những người cán bộ như thầy Trần Văn Tứ (nguyên Phó Giám đốc Thư viện tỉnh Bình Định những năm 1975), người đã mang những thùng sách đầu tiên từ Hà Tĩnh vào để lập nên Thư viện tỉnh Bình Định như ngày nay. Vì vậy, tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi có mặt tại Hà Tĩnh hôm nay, để truyền đạt, chuyển giao phần mềm này cho các bạn”.

Theo ông Mai Quốc Quyền - Giám đốc Thư viện tỉnh, hệ thống quản trị thư viện dùng chung VietBiblio do tỉnh Bình Định đầu tư xây dựng nhiều năm nay với số tiền duy trì hoạt động hằng năm hàng tỷ đồng. Phần mềm ưu việt bằng công nghệ điện toán đám mây, hỗ trợ hệ thống thư viện trên toàn tỉnh đồng bộ hóa việc quản lý thông tin, góp phần thực hiện các tiêu chí trong chuyển đổi số ngành thư viện, nâng cao văn hóa đọc cho Nhân dân. Nắm bắt thông tin, ông Quyền đã liên hệ ngỏ ý muốn nhận hỗ trợ và được Thư viện tỉnh Bình Định nhận lời. Bên cạnh hỗ trợ hoàn toàn miễn phí tài nguyên công nghệ số, Thư viện Bình Định còn cử cán bộ lãnh đạo ra tận nơi để chuyển giao công nghệ cho Hà Tĩnh.

La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp và Vua Quang Trung kết mối lương duyên Hà Tĩnh - Bình Định

Ông Nguyễn Ngọc Sinh - Phó Giám đốc Thư viện tỉnh Bình Định (bên trái) trò chuyện cùng ông Mai Quốc Quyền - Giám đốc Thư viện tỉnh Hà Tĩnh trong chuyến công tác về quê hương của La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp.

Câu chuyện của ông Nguyễn Ngọc Sinh nhắc nhớ về mối lương duyên của Bình Định - Hà Tĩnh từ xưa tới nay. Đó là năm 1960, Đảng và Nhà nước chủ trương thực hiện phong trào kết nghĩa giữa các tỉnh miền Bắc và miền Nam để cùng hỗ trợ nhau kháng chiến chống Mỹ, sau đó tái thiết quê hương sau chiến tranh. Như một nhân duyên, Hà Tĩnh và Bình Định trở thành 2 tỉnh kết nghĩa. Những năm đó, Hà Tĩnh đã cử hàng trăm cán bộ thuộc nhiều lĩnh vực vào giúp Bình Định. Đã có 8 huyện, thị của Hà Tĩnh bấy giờ kết nghĩa với 8 huyện, thị của Bình Định cùng nhau phát động nhiều phong trào, thực hiện nhiều thành công nhiều kế hoạch như: “Phát huy chiến thắng 26/3 (1965), Bình Hà quyết thắng”; chiến dịch thủy lợi Bồng Sơn (Bình Định)... Những kết quả đó đã tô thắm thêm tình cảm đoàn kết Bình Định - Hà Tĩnh và tinh thần hướng về miền Nam ruột thịt.

Tìm lại những người cán bộ Hà Tĩnh vào giúp Bình Định trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, tôi may mắn khi gặp ông Nguyễn Quỳ (SN 1936) tại thôn Lũy (xã Kim Song Trường, Can Lộc).

La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp và Vua Quang Trung kết mối lương duyên Hà Tĩnh - Bình Định

Ông Nguyễn Quỳ (thôn Lũy, xã Kim Song Trường, Can Lộc) từng là cán bộ Hà Tĩnh chi viện cho Bình Định những năm kháng chiến chống Mỹ.

Năm 1954, sau khi nhập ngũ tại Sư đoàn 316, Trung đoàn 174 tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ giành thắng lợi, ông Quỳ theo đơn vị công tác ở một số tỉnh Tây Bắc. Trong những năm 1966 - 1968, ông được cử đi học tại Trường Đại học Nông nghiệp 1 (Hà Nội). Tốt nghiệp trở về, ông được tỉnh cử vào Bình Định hỗ trợ tỉnh bạn. Từ năm 1969 - 1975, ông Quỳ là cán bộ Ban Nông nghiệp tỉnh Bình Định, sau đó được bổ nhiệm là Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tuy Phước (1976 - 1979). Năm 1980 - 1985, ông trở về làm Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Can Lộc, sau đó nghỉ hưu.

Điều đặc biệt mà ít ai biết là ông Nguyễn Quỳ chính là hậu duệ đời thứ 7 của La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp ở thôn Lũy, xã Kim Song Trường.

La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp và Vua Quang Trung kết mối lương duyên Hà Tĩnh - Bình Định

Ông Nguyễn Quỳ (hàng sau, thứ 3 từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo tỉnh Bình Định và các đồng chí trong đoàn cán bộ Hà Tĩnh vào hỗ trợ tỉnh bạn, năm 1969. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Ông Nguyễn Quỳ cho biết: “Trong suốt thời gian công tác ở Bình Định, tôi luôn nhận được sự yêu quý, hỗ trợ của các cấp lãnh đạo, bà con nhân dân. Suốt những năm ở tỉnh bạn, từ khi Bình Định vẫn còn chưa giải phóng hoàn toàn, cho đến sau năm 1975, tôi có rất nhiều kỷ niệm. Trong đó, ấn tượng nhất với tôi là mỗi khi nhắc đến truyền thống lịch sử quê hương, đến mối quan hệ giữa Vua Quang Trung và La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, mỗi người dân Bình Định đều bày tỏ sự kính trọng, dành nhiều tình cảm cho tiền nhân. Có lẽ đó cũng là điều khiến mối quan hệ giữa 2 tỉnh khăng khít, bền chặt”.

La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp và Vua Quang Trung kết mối lương duyên Hà Tĩnh - Bình Định

Ông Nguyễn Quỳ cùng con cháu dòng họ Nguyễn Thiếp bên cây me lưu niệm, do lãnh đạo tỉnh Bình Đình trồng trong khuôn viên Đền thờ La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp.

Phát huy mối lương duyên giữa các tiền nhân, hàng chục thập kỷ qua, tình đoàn kết giữa Bình Định - Hà Tĩnh càng thêm bền chặt. Các dịp kỷ niệm 50 năm, 55 năm kết nghĩa đều được 2 tỉnh tổ chức, thông qua đó tăng cường mối quan hệ nghĩa tình cùng hỗ trợ nhau phát triển đi lên. Năm 2016, một doanh nhân là người con quê hương Bình Định cũng đã hỗ trợ Hà Tĩnh số tiền gần 10 tỷ đồng trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử cấp quốc gia Đền thờ La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp...

Gần đây nhất, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) và Tuy Phước (Bình Định) - 2 địa phương kết nghĩa đã trao đổi, thực hiện lễ đặt tượng Nguyễn Thiếp tại công viên Can Lộc (thị trấn Tuy Phước) nhân dịp kỷ niệm 300 năm ngày sinh La Sơn phu tử. Trước đó, Tuy Phước cũng đã tiến hành đặt tượng Danh nhân Đào Tấn tại công viên Tuy Phước (thị trấn Nghèn, Can Lộc)...

La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp và Vua Quang Trung kết mối lương duyên Hà Tĩnh - Bình Định

Cán bộ văn hóa huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) và Tuy Phước (Bình Định) chụp ảnh lưu niệm trước tượng Nguyễn Thiếp vừa được đặt tại công viên Can Lộc (thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định).

Có thể nói, mối lương duyên giữa Vua Quang Trung và La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp hơn 2 thế kỷ trước đã đặt nền móng, để Bình Định - Hà Tĩnh ngày nay thêm thắm thiết nghĩa tình, tiếp tục cùng nắm tay nhau đưa quê hương của 2 danh nhân ngày càng phát triển đi lên.

Chủ đề Danh nhân Hà Tĩnh

Chủ đề Kỷ niệm 300 năm ngày sinh La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp

Đọc thêm

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Tĩnh là quê hương của nhiều ca sĩ thành danh trong dòng nhạc dân gian. Nhiều giọng ca người Hà Tĩnh chia sẻ, từ nhỏ họ đã được nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật truyền thống thông qua những câu hò, điệu ví. Chất dân ca cứ thế ngấm dần vào giọng nói, tiếng hát một cách tự nhiên như hơi thở.
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Trong kho tàng di sản văn hóa quý giá của miền quê xứ Nghệ, dân ca ví, giặm là những “hạt ngọc’’ lấp lánh. Bằng tâm hồn đẹp đẽ, phong phú, bằng tình yêu sâu sắc và mãnh liệt với di sản của cha ông, những thế hệ cư dân Nghệ An, Hà Tĩnh đã làm lung linh, tỏa sáng những viên ngọc quý ấy.
Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Tại các gian hàng trưng bày và trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh trong khuôn khổ Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản” được tổ chức tại Hà Tĩnh, du khách sẽ có cơ hội khám phá những dấu ấn văn hóa của các vùng miền trong nước.
Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Dân ca ví, giặm là một bộ phận chủ đạo trong kho tàng thơ ca trữ tình dân gian do cộng đồng người Việt ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo nên trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt cộng đồng.
Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản” năm 2024, tại Hà Tĩnh không chỉ là nơi trình diễn di sản xứ Nghệ mà còn là không gian để các di sản văn hóa phi vật thể từ mọi miền đất nước hội tụ tỏa sáng.
Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Giây phút tiếng búa của Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản phi vật thể vang lên, ghi danh dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại 10 năm trước, vẫn còn đọng mãi trong tôi những cảm xúc dâng trào.
Yêu câu ví, giặm quê mình

Yêu câu ví, giặm quê mình

Trước ngày “khai hội” kỷ niệm 10 năm dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” (2014-2024), những người con quê hương Nghệ An - Hà Tĩnh đã mang câu ví, giặm ngọt ngào đến với muôn phương không khỏi bồi hồi, xao xuyến…
“Quả ngọt” mùa giá rét

“Quả ngọt” mùa giá rét

Khi không khí lạnh tràn về, những vườn quả đã ủ hương lên mật, ruộng nương, hạt tí tách nẩy mầm, cũng là lúc người nông dân Hà Tĩnh chộn rộn chờ đón những mùa đông ấm áp, đủ đầy.
Cô giáo say mê dân ca ví, giặm

Cô giáo say mê dân ca ví, giặm

Nhiều năm qua, cô Phan Thị Thùy Diễm (Tổng phụ trách Đội Trường THCS Thành Mỹ, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã không ngừng truyền dạy làn điệu dân ca cho các thế hệ học sinh.