Làm gì để ngăn chặn nạn bạo lực học đường ở Hà Tĩnh?!

(Baohatinh.vn) - Liên tiếp những vụ bạo lực học đường nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh gần đây khiến dư luận phẫn nộ, quan ngại. Ngăn chặn vấn nạn bạo lực học đường đã không còn là trách nhiệm của ngành giáo dục mà cần sự vào cuộc tích cực của toàn xã hội.

Liên tiếp những vụ việc nghiêm trọng

Dư luận tại Hà Tĩnh, đặc biệt là các bậc phụ huynh đang hết sức quan tâm đến vụ án “Làm nhục người khác” vừa được khởi tố liên quan đến nữ sinh C.T.T H. (16 tuổi, học sinh lớp 11 - Trường THPT Lê Hữu Trác - Hương Sơn).

Làm gì để ngăn chặn nạn bạo lực học đường ở Hà Tĩnh?!

Nữ sinh lột đồ, đánh bạn dã man ở Hương Sơn đã bị khởi tố (Ảnh cắt từ clip).

Vì mâu thuẫn cá nhân, chiều 8/8/2022, tại một khu vực thuộc xã Sơn Tiến (huyện Hương Sơn), nữ sinh C.T.T.H. có hành vi đánh đập dã man, xé lột hết quần áo của em B.T.B.H. (15 tuổi) cùng trú tại huyện Hương Sơn.

Sự việc được một nhóm người quay video lại nhưng không ai có ý định can ngăn trong khi nạn nhân chỉ biết ôm người chịu trận.

Trước đó, một vụ bạo lực giữa học sinh với nhau cũng xảy ra tại phường Nguyễn Du (TP Hà Tĩnh). Nạn nhân là em N.B.A (học sinh lớp 9, Trường THCS Nguyễn Du - TP Hà Tĩnh). Xuất phát từ mẫu thuẫn cá nhân, B.A đã bị một nhóm nam sinh học lớp 10 trên địa bàn thành phố chặn đánh hội đồng.

Làm gì để ngăn chặn nạn bạo lực học đường ở Hà Tĩnh?!

Nhóm nam sinh hành hung em N.B.A tại phường Nguyễn Du (TP Hà Tĩnh) bị cơ quan chức năng triệu tập làm việc. Ảnh: Công an thành phố Hà Tĩnh.

Vì sợ hãi nên B.A không dám nói với gia đình, phụ huynh của em chỉ được biết sự việc khi xuất hiện clip trên mạng xã hội và đã trình báo cơ quan chức năng.

Dư luận chưa hết bất bình và lo lắng vì hai vụ bạo lực học đường nghiêm trọng liên tiếp xảy ra trên địa bàn thì lại chứng kiến thêm một vụ việc đau lòng khác ngay trước thềm năm học mới. Theo đó, ngày 4/9/2022, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh một nữ sinh bị nhóm bạn lột quần áo và đánh đập dã man.

Nạn nhân được xác định là em N.T.T.T (học sinh lớp 8 Trường THCS Phan Huy Chú - thị trấn Thạch Hà); nhóm nữ sinh tham gia đánh bạn là N.T.H.V, T.T.H, N.T.T và L.T.H.M (bạn học cùng trường với nạn nhân).

Làm gì để ngăn chặn nạn bạo lực học đường ở Hà Tĩnh?!

Vụ bạo lực của học sinh Trường THCS Phan Huy Chú khiến dư luận phẫn nộ. (Ảnh cắt từ clip).

Thầy Phạm Lê Hòa - Hiệu trưởng Trường THCS Phan Huy Chú cho biết: “Công an thị trấn Thạch Hà đã triệu tập các em học sinh có liên quan, mời đại diện gia đình, nhà trường lên làm việc. Sau khi có kết luận của cơ quan chức năng, nhà trường sẽ tiến hành các hình thức kỷ luật theo quy định. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất lúc này là động viên, khuyên bảo để các em ổn định tâm lý, tập trung cho việc học”.

Cần sự vào cuộc của xã hội

Có thể thấy, tình trạng bạo lực học đường đang diễn ra khá phức tạp. Chỉ xuất phát từ những xích mích, mâu thuẫn nhỏ nhặt hằng ngày nhưng với tâm lý “bất ổn” của lứa tuổi dậy thì, các em sẵn sàng hành xử thô bạo, tàn ác với nhau.

Làm gì để ngăn chặn nạn bạo lực học đường ở Hà Tĩnh?!

Học sinh Trường THPT Hồng Lĩnh (TX Hồng Lĩnh) với tiểu phẩm phòng chống bạo lực học đường trong một buổi sinh hoạt ngoại khóa.

Chị N.T.H - phụ huynh có con là nạn nhân của một vụ bạo lực học đường chia sẻ: “Khi xem clip con bị bạn học hành hung, tôi đau xót vô cùng. Tôi không dám tin rằng, các cháu vẫn còn là những đứa trẻ ngồi trên ghế nhà trường mà lại hành động thô bạo, tàn nhẫn được như thế”.

Để ngăn chặn vấn nạn bạo lực học đường, tạo môi trường an toàn, thân thiện cho học sinh, hiện có hơn 30 trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh thành lập câu lạc bộ hoặc triển khai diễn đàn “Xây dựng tình bạn đẹp - nói không với bạo lực học đường”.

Làm gì để ngăn chặn nạn bạo lực học đường ở Hà Tĩnh?!

Diễn đàn "Xây dựng tình bạn đẹp - nói không với bạo lực học đường” của Trường THPT Lê Quảng Chí thu hút đông đảo học sinh tham gia.

Thầy Mai Văn Quyết - Bí thư Đoàn Trường THPT Lê Quảng Chí (TX Kỳ Anh) cho biết: “Diễn đàn “Xây dựng tình bạn đẹp - nói không với bạo lực học đường” được nhà trường triển khai từ nhiều năm nay. Nội dung này cũng được lồng ghép trong các buổi sinh hoạt của các câu lạc bộ có học sinh tham gia. Diễn đàn nhằm góp phần định hướng tư tưởng, tình cảm đúng đắn, tích cực cho học sinh”.

Làm gì để ngăn chặn nạn bạo lực học đường ở Hà Tĩnh?!

Xây dựng tình bạn đẹp, môi trường học thân thiện là mục tiêu các nhà trường luôn hướng đến.

Nỗ lực của các trường học rất đáng ghi nhận, tuy nhiên, vấn nạn bạo lực học đường vẫn diễn ra và có xu hướng nghiêm trọng. Không chỉ là bạo lực về thể chất, bạo lực học đường còn được thể hiện qua hình thức bạo lực tinh thần (xúc phạm, bôi nhọ, tẩy chay, cô lập, xâm hại tình dục...). Điều đó cho thấy, để ngăn chặn vấn đề này, cần sự phối hợp chặt chẽ, vào cuộc tích cực của toàn xã hội.

Nhiều vụ bạo lực xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ nhưng không được phụ huynh, thầy cô phát hiện kịp thời; nhiều người chứng kiến các em bị bạo hành nhưng không can ngăn khiến nạn nhân chịu những hậu quả nặng nề về thể chất, tâm lý; thủ phạm gây ra các vụ bạo lực nghiêm trọng có thể phải đối mặt với pháp luật.

Làm gì để ngăn chặn nạn bạo lực học đường ở Hà Tĩnh?!

Những sân chơi bổ ích sẽ giúp trẻ rèn luyện kỹ năng và hướng thiện. Trong ảnh: Học sinh Trường THCS Nguyễn Hoành Từ (Thạch Hà) hào hứng tìm đọc những cuốn sách hay ở thư viện.

Trao đổi về vấn đề này, luật sư Phan Văn Chiều - Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Châu (TP Hà Tĩnh) cho biết: “Bạo lực nói chung, bạo lực học đường nói riêng, tùy vào tính chất, mức độ nghiêm trọng có thể bị xử phạt hành chính, xử lý dân sự hoặc xử lý hình sự. "Theo Điều 134 Bộ luật Hình sự, tội cố ý gây thương tích có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng - 3 năm; theo Điều 155 Bộ luật Hình sự, tội làm nhục người khác có thể bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng - 2 năm”.

Làm gì để ngăn chặn nạn bạo lực học đường ở Hà Tĩnh?!

Tổ chức đoàn thể cần tạo sân chơi, tổ chức nhiều hoạt động bổ ích để cho các bạn trẻ. Ảnh Đình Nhất

Để hạn chế các vụ bạo lực, tránh cho các em nguy cơ phải đối mặt với những hậu quả không mong muốn, luật sư Phan Văn Chiều cũng cho rằng, cha mẹ phải là người sâu sát, nắm bắt tâm lý của con em mình; có sự phối hợp chặt chẽ với giáo viên để kịp thời định hướng, tháo gỡ những khúc mắc trong cuộc sống hằng ngày của trẻ.

Cùng đó, nhà trường, các tổ chức đoàn thể cần tạo nhiều sân chơi bổ ích, rèn kỹ năng sống, tích cực hướng thiện, định hướng nhân cách cho học sinh. Khi xảy ra những vụ bạo lực học đường, rất cần sự can thiệp, lên án kịp thời của toàn xã hội để ngăn chặn những hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến tâm lý, thể chất của trẻ.

Chủ đề Phòng chống tội phạm

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast