Lạm thu đầu năm học: “ Căn bệnh” chưa có “thuốc đặc trị”

(Baohatinh.vn) - Xung quanh thông tin về việc thu sai quy định ở một số trường trên địa bàn TP. Hà Tĩnh, Thanh tra Bộ GD&ĐT đã có các cuộc làm việc tại các nhà trường và đã chỉ ra những sai sót cần chấn chỉnh. Trên tinh thần đó, ngành giáo dục Hà Tĩnh đã có các văn bản chỉ đạo khắc phục cụ thể và triển khai chương trình thanh tra, giám sát việc các khoản thu chi đầu năm tại các trường học trong toàn tỉnh.

Sai ở quy trình

Sau các cuộc làm việc tại các trường học ở TP Hà Tĩnh, ông Tống Huy Hiến - Phó Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT đã thông tin với các cơ quan thông tấn báo chí: Việc thu một số khoản của phụ huynh ngay từ đầu năm học là chưa đủ các bước so với quy trình. Cụ thể, tại Trường Tiểu học Thạch Quý và Thạch Linh, ngay thời điểm làm thủ tục nhập học, nhà trường đã thu mỗi phụ huynh 1 triệu đồng (Trường Tiểu học Thạch Quý) và 970 ngàn đồng (Trường Tiểu học Thạch Linh).

Minh họa: Internet

Lý giải về vấn đề này, lãnh đạo các trường học cho biết, từ cuối năm học 2016-2017, ban giám hiệu và hội cha mẹ học sinh (HS) đã tiến hành khảo sát nhu cầu những hạng mục cần tu sửa trong năm học tới và có biên bản thống nhất kèm tờ trình gửi UBND, HĐND phường xin chủ trương. Sau khi được sự đồng ý của HĐND phường, trường cũng đã có tờ trình xin ý kiến và đã được UBND thành phố, Phòng Giáo dục thành phố chấp thuận.

Tuy nhiên, thiếu sót của các trường đó là chưa thực hiện đúng quy trình: Tổ chức lấy ý kiến của phụ huynh và niêm yết công khai 1 tuần, nếu không có ý kiến phản hồi mới tiến hành thu (theo Hướng dẫn 1702/LNTC-GDDT ngày 28/8/2012 hướng dẫn liên ngành Tài chính - Giáo dục về việc tổ chức huy động các khoản đóng góp tự nguyện của cha mẹ HS trong các cơ sở GD&ĐT).

Sau khi các sai sót này được chỉ ra, ngành giáo dục đã tăng cường chỉ đạo, yêu cầu các trường học tuân thủ các mức thu học phí và thực hiện hướng dẫn của ngành về huy động các khoản đóng góp tự nguyện; cam kết thực hiện giá dịch vụ giáo dục ở các trường học…

Có kiểm soát được tình trạng lạm thu?

Theo ông Hoàng Bá Hùng - Chánh thanh tra Sở GD&ĐT Hà Tĩnh: “Để chấn chỉnh tình trạng lạm thu, sắp tới, thanh tra sở sẽ tổ chức thanh tra ở các trường học trong toàn tỉnh. Tinh thần các cuộc thanh tra sẽ bám sát các công văn, hướng dẫn của bộ, ngành, đặc biệt là Hướng dẫn 1702 về việc huy động các khoản thu tự nguyện”.

Cũng trên tinh thần này, ngoài các công văn đã ban hành về chủ trương huy động đóng góp tự nguyện và về chấn chỉnh công tác thu đầu năm học, ngày 21/9, TP Hà Tĩnh đã có Quyết định số 1803 về việc thành lập 3 đoàn kiểm tra việc huy động đóng góp đầu năm. Tuy nhiên, ngay tại các cuộc họp phụ huynh đầu năm học ở một số trường trên địa bàn thành phố, nhiều phụ huynh phản ánh: Tình trạng lạm thu vẫn đang diễn ra.

Một phụ huynh có con học ở trường trung tâm thành phố băn khoăn khi trong 1 năm học, trường học này huy động nguồn lực xây dựng công trình lớn giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng/công trình. Trong khi đó, tại hướng dẫn của ngành giáo dục ghi rõ: Các trường được vận động đóng góp tự nguyện để xây dựng các công trình nhỏ hoặc mua sắm trang thiết bị của nhà trường, các dụng cụ phục vụ học tập, sinh hoạt của HS. Như vậy, nếu các khoản thu lớn của trường đã được các cấp, ngành phê duyệt chủ trương, thì với câu chuyện lạm thu ở đây, trách nhiệm sẽ thuộc về ai?

Ở một phản ánh khác, trong khi Công văn số 177 ngày 8/8/2017 về chủ trương huy động đóng góp tự nguyện trong năm học 2017-2018 của HĐND thành phố Hà Tĩnh quy định, quỹ hoạt động của ban đại diện cha mẹ HS đối với các trường mầm non, tiểu học, THCS huy động không quá 200 ngàn đồng/HS, nhưng qua thực tế, số tiền quỹ này ở nhiều trường học đều cao vượt mức. Một phụ huynh có con học trường mầm non trên địa bàn TX Hà Tĩnh phản ánh, chỉ riêng các khoản quỹ đã lên tới 700 ngàn đồng/cháu. Cụ thể, quỹ phụ huynh lớp 300.000, quỹ trường 200.000 và thêm quỹ lễ hội 200.000 đồng…

Một số ý kiến khác lại cho rằng, nhiều trường chưa thực sự công khai, minh bạch các khoản thu, chi. “Trong danh sách tiền nộp học đầu năm, ngoài các khoản xây dựng trường, củng cố cơ sở vật chất, mua sắm đồ dùng phục vụ bán trú, bảo vệ… vẫn còn mục “các khoản khác”, nhưng chúng tôi cũng không biết “khoản khác” là những khoản gì” - một phụ huynh cho biết.

"Xã hội hóa" và lạm thu - ranh giới mong manh

Thực tế cho thấy, trong điều kiện ngân sách có hạn, các chương trình mục tiêu quốc gia bị cắt giảm thì việc xã hội hóa huy động nguồn lực qua tinh thần tự nguyện của phụ huynh để tăng cường cơ sở vật chất trường lớp là cần thiết. Trung bình mỗi năm, nguồn huy động xã hội hóa cho giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh ước đạt khoảng 100 tỷ đồng.

Ông Lê Quang Cảnh - Trưởng phòng Tài chính kế hoạch, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cho biết: “Việc đầu tư xây dựng lớn như nhà học, phòng bộ môn được trích từ nguồn ngân sách cấp bằng vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Còn ngân sách chi thường xuyên chỉ đáp ứng tối thiểu việc dạy và học. Việc sửa chữa nhỏ như vôi ve, bàn ghế, sân chơi, bãi tập… đầu năm đều phải huy động từ nguồn xã hội hóa giáo dục. Riêng đối với những công trình lớn cần phải huy động nguồn xã hội hóa, cần phải có kế hoạch, lộ trình cụ thể, rõ ràng”.

“Xã hội hóa giáo dục là một hoạt động mang ý nghĩa tích cực, nhưng nguyên tắc của xã hội hóa là tự nguyện, không được vận động bình quân. Mà thực tế, để triển khai mỗi trường một mức là rất khó và cũng không có quy định nào cho vấn đề này nên nhiều trường đã linh động” - ông Cảnh cho biết thêm.

Sự linh động ấy đã dẫn đến tình trạng lạm thu “núp bóng” dưới các tên gọi “thỏa thuận”, “tự nguyện” hay “xã hội hóa” với số tiền không hề nhỏ, tạo nên gánh nặng, nỗi lo và bức xúc cho các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, chỉ khi các bậc phụ huynh và dư luận xã hội lên tiếng thì các lực lượng chức năng của ngành giáo dục mới vào cuộc quyết liệt và chỉ ra những sai phạm cụ thể. Qua đó thấy rằng, chúng ta đang thiếu cơ chế kiểm soát khoa học, minh bạch đối với việc thu đóng góp từ phụ huynh thời gian qua. Và các lực lượng thanh tra, kiểm tra đối với việc thu đóng góp từ phụ huynh của ngành giáo dục chưa thể hiện được sự quyết liệt, hiệu quả; chưa tạo được niềm tin đối với xã hội.

Việc giải quyết tình trạng lạm thu vẫn đang là bài toán khó khi công tác xã hội hóa giáo dục đang được xem như là một giải pháp để tăng cường cơ sở vật chất trường lớp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân. Vì vậy, trước hết, mỗi nhà trường phải thực sự căn cơ, xác định các công trình, phần việc cần huy động nguồn đóng góp của HS, tránh lạm dụng tinh thần tự nguyện khiến nhiều gia đình mang gánh nặng đóng nộp đầu năm. Bên cạnh đó, sự minh bạch, công khai của mỗi nhà trường và người đứng đầu cơ sở giáo dục là cần thiết để không chỉ giữ danh tiếng cho bản thân mà còn tạo dựng niềm tin cho xã hội về một môi trường giáo dục lành mạnh, công bằng.

Chủ đề Thi cử - Tuyển sinh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói