Lê Hữu Trác và Hải Thượng y tông tâm lĩnh từ điểm nhìn thế kỷ XXI

(Baohatinh.vn) - Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724-1791) là một đại danh y - nhà văn lớn - nhà văn hóa xuất sắc của dân tộc. Ông đã để lại cho hậu thế một khối di sản văn hóa đồ sộ, có giá trị sâu sắc, bền vững về nhiều mặt, về cơ bản được tập hợp trong bộ “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” (gồm 28 tập, 66 quyển) - bộ sách được coi là “Bách khoa thư” y học vĩ đại nhất của Việt Nam thời trung đại.

Từ điểm nhìn của thế kỷ XXI, chúng ta có đủ cơ sở để xác định “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” là biểu hiện kết tinh các thành tựu và giá trị về nhiều lĩnh vực, phương diện mà Lê Hữu Trác gửi lại cho hậu thế.

Chân dung Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Ảnh internet.

Lê Hữu Trác viết/biên soạn “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” trong khoảng 30 năm cuối đời (tập đầu được hoàn thành năm Canh Dần thời Cảnh Hưng, tức năm 1770). “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” gồm 28 tập/66 quyển, được coi là bộ “Bách khoa thư y học” đầu tiên của Việt Nam.

Nhìn bộ sách trong tính hệ thống chỉnh thể, không khó để thấy rằng, “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” không chỉ đề cập, bàn luận tới hầu hết các vấn đề của y học/đông y mà còn đề cập tới những vấn đề khác. Những vấn đề của y học/đông y đành rằng là nội dung chủ yếu của bộ sách, nhưng không phải không có quan hệ với các vấn đề và nội dung của nhiều lĩnh vực khác (nhân học, văn hóa, tư tưởng, văn học...). Cả logic hình thức và logic nội tại của bộ sách qua 66 quyển cho thấy tính thống nhất của bộ sách và dụng ý của Lê Hữu Trác.

Bộ sách "Hải Thượng y tông tâm lĩnh" do Đại danh y Lê Hữu Trác biên soạn. Ảnh internet.

Căn cứ vào văn bản “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” và nhìn nó trong mối liên hệ với con người, cuộc đời và hoạt động của tác giả, không khó để thấy rằng, nhiều tư cách (hay phương diện) của một nhân cách - trí tuệ - tâm hồn lớn hội tụ thật đẹp ở Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

Với tư cách là một người thầy thuốc, Lê Hữu Trác xứng danh là một lương y, hơn thế, là một đại danh y. Hiếm có trường hợp nào như Lê Hữu Trác, vừa là nhà lập thuyết (bao hàm cả y đức, y lý, y thuật, dược và dưỡng sinh), vừa là nhà thực hành (trực tiếp sáng chế thuốc và trực tiếp chữa bệnh), đồng thời là người kiểm định cả phần lý thuyết và thực hành của mình.

Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Tĩnh đang kế thừa và phát huy hiệu quả các giá trị y học của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

Hơn ai hết, ít nhất là trong thời đại ông, Lê Hữu Trác thấy trước những khả thi và bất khả thi, những thành công và thất bại của người thầy thuốc với các phương thuốc trong chữa bệnh cứu người; những “Y dương án” (các loại bệnh án có thể chữa được), “Y âm án” (những bệnh án khó hoặc không chữa được), trên cơ sở đó, tìm bài học kinh nghiệm và dự báo tương lai cho hậu thế ngành y tìm phương án giải quyết.

Trong tư cách một đại danh y, Lê Hữu Trác có cả một hệ thống quan điểm, lý luận, từ y đức, y lý, y thuật, đến dược, di dưỡng… Về y lý và y thuật có thể có những điểm ngày nay không còn phù hợp hoặc do lịch sử vượt qua nhưng về cơ bản vẫn mang tính giá trị bền vững.

Về y đức, quan niệm của Lê Hữu Trác với những nét lớn (“Nhân là một đức tính cơ bản”, “là điều kiện tiên quyết để vào nghề y” - quyển Y âm án; “Người thầy thuốc cần có tám chữ: Nhân, Minh, Đức, Trí, Lượng, Thành, Khiêm, Cần”; cần tránh tám chữ/ 8 tội: “lười”, “keo”, “tham”, “dối”, “dốt”, “ác”, “hẹp hòi”, “thất đức” - Y âm án)… vẫn đầy tính thuyết phục và chắc chắn có sức sống trường tồn.

Tác phẩm "Thượng kinh ký sự". Ảnh internet.

Với tư cách là một tác gia văn học, Lê Hữu Trác vừa là nhà thơ, vừa là nhà văn; có phong cách, cá tính tài hoa, độc đáo; có đóng góp quan trọng cho lịch sử văn học dân tộc. Lê Hữu Trác để lại một khối lượng thơ không nhỏ, có thể phân thành 2 loại. Loại thứ nhất là “thơ diễn ca” - được dùng như một phương tiện/cách thức để chuyển tải nội dung y học.

Loại thơ thứ hai là “thơ nghệ thuật” (Y lý thâu nhàn lái ngôn phụ chí - những bài thơ sáng tác trong thời kỳ làm thuốc; các bài thơ trong “Thượng kinh ký sự”. Loại thơ này đậm tính trữ tình, dạt dào cảm xúc, ngôn ngữ tinh tế, giàu tính tạo hình và biểu cảm, xứng đáng là những áng thơ đích thực, sáng tác theo cảm hứng và quy luật đặc thù của nghệ thuật thi ca.

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là một đại danh y, một nhà văn hóa lớn của dân tộc.

Đặc biệt, “Thượng kinh ký sự” (Ký sự lên kinh đô) - phần cuối cùng (quyển 66) của bộ “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” đã đưa Lê Hữu Trác vào danh sách các tác gia lớn của văn học Việt Nam. Có thể xem “Thượng kinh ký sự” vừa như một tác phẩm độc lập, vừa như là phần kết hoặc là “vĩ thanh” có chủ ý của Lê Hữu Trác đối với bộ “Hải Thượng y tông tâm lĩnh”. “Thượng kinh ký sự” tái hiện một cách chân thực bức tranh hiện thực xã hội phong kiến Việt Nam nửa sau thế kỷ XVIII với nhiều mảng màu sắc nét: hiện thực Kinh đô và cung vua, phủ chúa; hiện thực xã hội chốn kinh thành; hiện thực quê nhà và các vùng miền trên lộ trình Lê Hữu Trác lên kinh đô.

Với tư cách là một hiện tượng văn hóa/nhà văn hóa, ở Lê Hữu Trác và “Hải Thượng y tông tâm lĩnh”, càng có nhiều điều cần phải được tiếp tục nghiên cứu. Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác không chỉ am hiểu mà còn vượt lên, biết tổng hợp, tinh lọc các giá trị văn hóa ngoại lai (các triết thuyết: Nho, Phật, Lão, Lý dịch, Kinh dịch, Âm dương, Ngũ hành.../trong thời đại ông, lúc bấy giờ, văn hóa phương Đông tuy là văn hóa khu vực nhưng cũng có ý nghĩa như văn hóa quốc tế) và giá trị văn hóa truyền thống bản địa, ở cả 2 nguồn bác học và dân gian, từ thế kỷ thứ XVIII trở về trước); tổng hợp, tinh lọc tri thức từ nhiều trước tác của tiền nhân, nhất là trên lĩnh vực y học (Bảo sinh diên thọ toàn yếu, Toàn thư của Cảnh Nhạc, Nam dược thần hiệu của Tuệ Tĩnh v.v...).

Khu mô Đại danh y Lê Hữu Trác tại xã Sơn Trung - huyện Hương Sơn.

Tư cách nhà văn hóa ở Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, một mặt là sự “tổng hợp” tư cách một đại danh y và tư cách một nhà văn lớn, mặt khác là sự “vượt lên”, mở rộng hơn nhờ những hoạt động, ứng xử phong phú, đa chiều của ông. Ông vừa là một mẫu hình lương y tận hiến, một mẫu hình của nhà văn sáng tạo, vừa là một mẫu hình trí thức/kẻ sĩ biết “xuất”, “xử”/“hành”, “tàng” tỉnh táo trên cơ sở lấy nghĩa lớn và đức nhân làm trọng.

Lê Hữu Trác và “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” hiện đã được giới thiệu, tìm hiểu và nghiên cứu ở khá nhiều nước trên thế giới, tiêu biểu như: Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Nga, Đức, Anh, Thụy Sĩ, Hoa Kỳ... Điều này cho thấy sức ảnh hưởng và sự lan tỏa từ Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác và di sản ông để lại là rất lớn. Lê Hữu Trác thực sự mang tầm vóc quốc tế của một danh nhân văn hóa có tầm ảnh hưởng sâu rộng, đủ sức lãnh sứ mệnh nêu gương và truyền cảm hứng cho nhân loại.

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói