Lở đất, mất điện diện rộng vì động đất ở Nhật Bản

Hơn 100 người bị thương, hàng trăm nghìn ngôi nhà ở đông bắc Nhật Bản mất điện và tàu Shinkansen ngừng chạy vì trận động đất 7,3 độ tối 13/2.

Trận động đất mạnh 7,3 độ xảy ra ngoài khơi tỉnh Fukushima, đông bắc Nhật Bản, lúc 23h08 ngày 13/2. Cơ quan Khí tượng Nhật Bản cho biết tâm chấn nằm ở độ sâu 54 km, nhận định đây là dư chấn của trận động đất mạnh 9 độ gây sóng thần giết chết hơn 18.000 người ngày 11/3/2011, đồng thời cảnh báo sẽ có thêm nhiều dư chấn trong những ngày tới.

Chấn động đã làm nhiều ngôi nhà bị nứt tường và vỡ cửa sổ, đồng thời gây lở đất ở tỉnh Fukushima. Nhiều công trình ở thủ đô Tokyo cách đó hàng trăm km cũng bị rung lắc. Ít nhất 104 người bị thương, trong đó gồm nhiều trường hợp rạn nứt xương, nhưng không có ai thiệt mạng.

Lở đất, mất điện diện rộng vì động đất ở Nhật Bản

Hiện trường vụ lở đất tại tỉnh Fukushima sáng 14/2. Ảnh: AFP

Hàng trăm nghìn ngôi nhà bị mất điện sau trận động đất, lưới điện đã được phục hồi vào sáng nay. Tuy nhiên, hàng nghìn hộ dân vẫn bị mất nước, khiến người dân phải xếp hàng lấy nước từ xe bồn.

Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Katsunobu Kato cho biết đợt mất điện không ảnh hưởng tới các lô vaccine Covid-19 của Pfizer mới được nước này tiếp nhận hôm 12/2.

Đài truyền hình NHK cho biết 160 ml nước đã rò rỉ từ bể chứa các thanh nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng ở lò phản ứng Fukushima Dai-Ni, nhưng không gây nguy hiểm. Không có bất thường nào ở các nhà máy điện hạt nhân sau động đất, giới chức Nhật Bản cũng không phát cảnh báo sóng thần.

Hệ thống tàu cao tốc Shinkansen ngừng hoạt động ở phần lớn vùng phía bắc Nhật Bản do hư hại dọc đường ray, trong đó một số đoạn có thể chỉ được khôi phục sau ba ngày.

Nhật Bản nằm trên “Vành đai lửa Thái Bình Dương”, khu vực có hình dạng như móng ngựa kéo dài 40.000 km từ Nhật Bản, Indonesia cho đến California và Nam Mỹ ở phía bên kia Thái Bình Dương. Đây là nơi các mảng kiến tạo va chạm, thường xuyên gặp hoạt động địa chấn và núi lửa.

Theo VNE

Đọc thêm

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Ngày 19/1, Lực lượng quân đội Colombia cho biết sẽ tăng cường các hoạt động ở khu vực Tây Bắc đất nước để ngăn chặn làn sóng bạo lực bùng phát trong những ngày qua.
WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.