Lời đe dọa ám sát hé lộ bất đồng giữa hai gia tộc quyền lực nhất Philippines

Loạt bất đồng giữa hai gia tộc quyền lực nhất Philippines lên đỉnh điểm, khi Phó tổng thống Sara Duterte công khai dọa ám sát Tổng thống Marcos.

Phó tổng thống Philippines Sara Duterte ngày 23/11 gây chú ý khi phát biểu tại một cuộc họp báo trực tuyến rằng bà đã chỉ thị cho sát thủ ám sát Tổng thống Ferdinand Marcos Jr., vợ ông Liza Araneta cùng Chủ tịch Hạ viện Martin Romualdez nếu bà bị giết. Bà nói sát thủ này đã đồng ý, khẳng định đây "không phải lời nói đùa".

Bộ Tư pháp Philippines sau đó xác định đây là "mối đe dọa thực sự" với Tổng thống Marcos và coi bà Sara là "chủ mưu", đồng thời yêu cầu bà trình diện cơ quan điều tra trong vòng 5 ngày để đưa ra lời giải thích.

Diễn biến đánh dấu sự rạn nứt lên đến đỉnh điểm giữa nhà Duterte và nhà Marcos, hai gia tộc quyền lực nhất quốc đảo và từng thống trị chính trường nước này trong nhiều năm.

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. (phải) và cấp phó Sara Duterte tại một sự kiện ở thủ đô Manila tháng 1/2024. Ảnh: IC
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. (phải) và cấp phó Sara Duterte tại một sự kiện ở thủ đô Manila tháng 1/2024. Ảnh: IC

Mối quan hệ giữa hai gia tộc Duterte - Marcos được cho là bắt đầu từ thời tổng thống Ferdinand Marcos Sr., bố của đương kim Tổng thống Marcos Jr. Ông Vicente Duterte, ông nội của bà Sara, từng là bộ trưởng trong nội các của ông Marcos Sr., trước khi tổng thống này bị phế truất năm 1986.

Khi ra tranh cử tổng thống năm 2016, ông Rodrigo Duterte, con trai ông Vicente Duterte, đã tìm cách tiếp cận gia đình Marcos, cho thấy một liên minh chính trị dần thành hình. Sau khi đắc cử, ông Rodrigo Duterte có quyết định gây tranh cãi là cho an táng ông Marcos Sr. tại một nghĩa trang quốc gia theo nguyện vọng từ gia đình cố tổng thống.

Ông Rodrigo Duterte kết thúc nhiệm kỳ 6 năm vào năm 2022. Con gái ông là Sara ban đầu ra tranh cử tổng thống, nhưng đến tháng 11/2021 bất ngờ tuyên bố rời cuộc đua để ủng hộ Marcos Jr.

Với sự hậu thuẫn từ gia tộc Duterte, ông Marcos Jr. đắc cử tháng 5/2022, còn bà Sara được bầu làm Phó tổng thống tháng 11 cùng năm. Ở Philippines, phó tổng thống được bầu riêng biệt với tổng thống và không có nhiệm vụ chính thức.

Sau vài tháng êm đẹp, quan hệ giữa hai gia tộc quyền lực bắt đầu xuất hiện rạn nứt từ đầu năm ngoái do bất đồng trong nhiều vấn đề đối nội và đối ngoại.

Diễn biến mang tính bước ngoặt xảy ra vào tháng 5/2023, khi Chủ tịch Hạ viện Romualdez, họ hàng với ông Marcos, bất ngờ phế truất cấp phó Gloria Macapagal Arroyo. Một số nhà quan sát nói bà Arroyo muốn phế truất ông Romualdez, nên Chủ tịch Hạ viện đã ra tay trước.

Bà Arroyo từng là tổng thống Philippines giai đoạn 2001-2010 và là cố vấn của ông Duterte. Động thái khiến bà Sara phẫn nộ, gọi ông Romualdez là "quái vật vô liêm sỉ" trong một bài đăng trên mạng xã hội.

"Quyết định của ông Romualdez đã châm ngòi mọi chuyện", Salvador Panelo, luật sư của ông Duterte, nói. "Nếu ông Marcos can thiệp, liên minh hai gia tộc có thể vẫn được duy trì đến bây giờ".

Mâu thuẫn lớn dần lên liên quan đến chức vụ của bà Sara. Bà từng bày tỏ nguyện vọng làm Bộ trưởng Quốc phòng trong chính quyền ông Marcos Jr., nhưng cuối cùng lại được giao phụ trách Bộ Giáo dục.

Bà cảm thấy mất mặt khi đề nghị phân bổ ngân sách cho "các quỹ bí mật" của Bộ Giáo dục bị công khai bác bỏ tháng 11/2023. Quốc hội Philippines sau đó mở cuộc điều tra và yêu cầu giải trình. Chủ tịch Hạ viện Romualdez phủ nhận cáo buộc cho rằng cuộc điều tra này "mang mục đích chính trị".

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos tại Manila ngày 10/1. Ảnh: AFP
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos tại Manila ngày 10/1. Ảnh: AFP

Giới phân tích cho rằng bất đồng lớn nhất dẫn đến rạn nứt giữa hai gia tộc là chính sách đối ngoại. Ông Duterte có lập trường thân Trung Quốc, nhưng sau khi nắm quyền, ông Marcos đã đảo ngược chính sách của Philippines để củng cố quan hệ với Mỹ, cho phép Washington tiếp cận nhiều hơn các căn cứ của Philippines.

Tổng thống Marcos cũng thể hiện lập trường hoàn toàn khác với ông Duterte trong vấn đề Biển Đông. Năm 2016, dưới chính quyền Duterte, Philippines đạt "nhận thức chung thân thiện" với Trung Quốc, cho phép ngư dân Philippines đánh cá quanh bãi cạn Scarborough, nơi hai bên có tranh chấp, nhưng không công bố nội dung chi tiết.

Tuy nhiên, ông Marcos đã công khai lên tiếng chỉ trích động thái này. "Họ gọi đó là thỏa thuận thân thiện, còn tôi gọi đó là thỏa thuận bí mật", ông Marcos nói khi thăm Washington hồi tháng 4. "Chúng ta đã chấp nhận điều gì trong thỏa thuận đó? Tại sao ông giữ bí mật?".

Sebastian Duterte, thị trưởng thành phố Davao, con trai ông Rodrigo, đã kêu gọi ông Marcos từ chức vì có chính sách đối ngoại sai lầm, cho rằng lập trường thân Mỹ của đương kim Tổng thống sẽ "đe dọa sinh mạng của những người Philippines vô tội".

Một đòn giáng mạnh khác vào mối quan hệ giữa hai gia tộc xảy ra tháng 11/2023, khi ông Marcos xem xét đưa Philippines tham gia trở lại Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC). Ông Duterte đã rút tư cách thành viên ICC của Philippines vào năm 2018, sau khi công tố viên tòa án thông báo mở cuộc điều tra về cuộc chiến chống ma túy do ông phát động.

Khi còn đương nhiệm, ông Duterte đã mở chiến dịch chống ma túy, cho phép cảnh sát bắn chết các nghi phạm ngay tại chỗ mà không cần qua xét xử. Các biệt đội cảnh sát Philippines sau đó đã liên tục nổ súng bắn hạ người tình nghi trên đường phố, ngay cả với những người không có hành vi phạm tội.

Cảnh sát cho biết chiến dịch đã khiến hơn 6.000 người thiệt mạng, nhưng các nhóm nhân quyền ước tính con số thực tế lên tới hàng chục nghìn người.

ICC đang điều tra những cáo buộc cho rằng chiến dịch của ông Duterte là "tội ác chống lại loài người". Nếu tham gia ICC trở lại, Philippines sẽ phải tuân thủ các nghĩa vụ với tòa.

Sau loạt bất đồng, bà Sara tuyên bố rút khỏi nội các vào tháng 6, nhưng vẫn giữ chức Phó tổng thống. Hồi tháng 10, bà Sara chỉ trích ông Marcos là "người vô năng" và nói bà đã tưởng tượng đến việc "chặt đầu Tổng thống".

Phó tổng thống cũng từng cảnh báo thượng nghị sĩ Imee Marcos, chị em của Tổng thống Marcos, rằng nếu những động thái công kích không dừng lại, bà sẽ "thực sự quật mộ Marcos Sr. và ném thi hài ông xuống biển".

Văn phòng Tổng thống Marcos ngày 13/11 cho biết họ sẵn lòng cân nhắc khả năng giao nộp cựu tổng thống Rodrigo Duterte nếu có yêu cầu từ Interpol, liên quan chiến dịch chống ma túy của ông.

"Nếu ICC chuyển quy trình này sang Interpol, cơ quan có thể phát cảnh báo đỏ cho chính quyền Philippines, chúng tôi có nghĩa vụ phải tôn trọng.

Ông Marcos đang vận động thay đổi hiến pháp năm 1987, nhằm nới lỏng các quy định và thu hút đầu tư, nhưng bà Sara cáo buộc Tổng thống muốn tìm cách tiếp tục nắm quyền. Hiến pháp Philippines quy định một người chỉ được đảm nhiệm một nhiệm kỳ tổng thống 6 năm. Bà Sara cảnh báo ông Marcos có thể chịu chung số phận như ông Marcos Sr., người đã bị lật đổ và phải tháo chạy khỏi đất nước.

Ông Rodrigo Duterte cùng bà Sara Duterte tại Bác Ngao, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc tháng 4/2018. Ảnh: AFP
Ông Rodrigo Duterte cùng bà Sara Duterte tại Bác Ngao, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc tháng 4/2018. Ảnh: AFP

Giới quan sát nhận định tranh cãi gay gắt giữa hai gia tộc có thể liên quan đến bầu cử tổng thống Philippines năm 2028. Bà Sara dự kiến ra tranh cử và được cho là có cơ hội thắng cao. Một số đồng minh của nhà Duterte còn đề cập khả năng bà Sara tranh cử với ông Rodrigo là ứng viên cấp phó.

"Đây sẽ là một cuộc đối đầu công khai trong năm nay", Ronald Llamas, nhà phân tích chính trị kỳ cựu, từng là cố vấn cho tổng thống Philippines, nói với Reuters.

"Mọi chuyện đã không thể cứu vãn", Jean Encinas-Francos, giáo sư khoa học chính trị Đại học Philippines, bình luận về quan hệ giữa hai gia tộc.

Rạn nứt giữa hai gia tộc quyền lực còn làm dấy lên lo ngại xảy ra một cuộc đảo chính, thậm chí là nội chiến. Tình hình căng thẳng đến mức Tư lệnh quân đội Philippines Romeo Brawner phải phát thông điệp trấn an, cho biết các lực lượng vũ trang sẽ luôn trung lập "với sự tôn trọng tối đa dành cho các thể chế dân chủ và chính quyền dân sự".

vnexpress.net

Đọc thêm

Liên hợp quốc cảnh báo điều kiện sống tồi tệ tại Gaza

Liên hợp quốc cảnh báo điều kiện sống tồi tệ tại Gaza

Quan chức cấp cao về nhân đạo của LHQ cảnh báo người dân Gaza đang phải sống trong tình cảnh đặc biệt tồi tệ dưới tác động của nạn đói, điều kiện sống khắc khổ cùng với thời tiết mưa lớn vào mùa Đông và giao tranh vẫn tiếp diễn.
Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.