Lời khen của Bác là động lực to lớn cho sự nghiệp trồng người ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Những lời động viên, khen ngợi và mong muốn của Bác Hồ với vùng đất học Hà Tĩnh trong chuyến về thăm vùng đất này năm 1957 đã trở thành niềm tin và động lực to lớn để mỗi cán bộ, giáo viên và học sinh không ngừng khắc phục khó khăn, tạo được nhiều dấu ấn, tiếp tục tô thắm trang sử vàng của vùng đất học.

Khắc ghi lời dạy của Người

Ngay sau ngày nước nhà giành độc lập, Hà Tĩnh đã bắt tay vào thực hiện phong trào “diệt giặc dốt”. Từ những ngôi làng đầu tiên được thanh toán nạn mù chữ, phong trào ngày càng được lan tỏa. Tháng 8/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có thư gửi Trưởng ty Bình dân học vụ Hà Tĩnh với lời khen ngợi các thầy cô giáo và người dân. Người cũng nêu 3 nhiệm vụ trọng tâm về công tác bình dân học vụ. Đó là: phải nhanh chóng thanh toán nạn mù chữ; nâng cao chất lượng học tập toàn diện; tuyên truyền, cổ động cho công việc kháng chiến, kiến quốc.

Lời khen của Bác là động lực to lớn cho sự nghiệp trồng người ở Hà Tĩnh

Bác Hồ thăm một lớp học bình dân học vụ. Ảnh tư liệu

Khắc ghi lời Người, Đảng bộ và chính quyền Hà Tĩnh đã tổ chức phát động phong trào chống nạn mù chữ, xây dựng đời sống mới. Phong trào thi đua “diệt giặc dốt” với nhiều hình thức phong phú, lôi cuốn mọi lứa tuổi, không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, gái trai, đến với các lớp học trong đình, chùa, làng xóm. Khẩu hiệu “Đi học là yêu nước”, “Thi đua thanh toán nạn mù chữ”, “Tiền tuyến diệt xâm lăng, hậu phương trừ giặc dốt”, tinh thần “Mỗi gia đình là một lớp học”... được thực hiện khắp nơi trên toàn tỉnh.

Tháng 2/1949, Hà Tĩnh được Bộ Giáo dục công nhận là tỉnh đầu tiên trong cả nước thanh toán nạn mù chữ; được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư, gửi điện khen ngợi và tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì. Phát huy thành tích đạt được trong công tác xóa nạn mù chữ, giai đoạn từ 1960-1970, phong trào bổ túc văn hóa với những nội dung đa dạng, phong phú tiếp tục được triển khai thực hiện trên khắp các địa phương trong toàn tỉnh.

Lời khen của Bác là động lực to lớn cho sự nghiệp trồng người ở Hà Tĩnh

Trường Tiểu học Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) là một trong những cơ sở giáo dục ở Hà Tĩnh sớm đạt chuẩn mức độ 2 từ năm học 2006 - 2007.

Đặc biệt, từ năm 1960 - 1965, xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) trở thành lá cờ đầu toàn miền Bắc 5 năm lần thứ nhất về kết quả bổ túc văn hóa. Năm 1968, Cẩm Bình là xã đầu tiên của miền Bắc phổ cập cấp 1 cho toàn dân. “Ngọn đèn làng học” nơi đây tiếp tục tỏa sáng, lan tỏa đến phong trào giáo dục không chỉ trong tỉnh mà còn cả nước.

Ngày 19/5/1969, Bác Hồ đã gửi tặng Đảng bộ và Nhân dân Cẩm Bình bức chân dung có bút tích của Người: “Thân ái gửi lời khen Nhân dân và cán bộ xã Cẩm Bình đã tổ chức tốt công tác giáo dục, văn hóa”. Năm 1978, Tổ chức UNESCO tặng giải thưởng quốc tế Krupscaya cho xã Cẩm Bình - lá cờ đầu về thành tích xóa nạn mù chữ ở Việt Nam.

Động lực viết tiếp những thành tích mới

Hơn 40 năm qua, bức chân dung có bút tích của Bác gửi tặng Đảng bộ và Nhân dân Cẩm Bình hiện được đặt ở vị trí trang trọng trong phòng truyền thống của Trường Tiểu học Cẩm Bình.

Lời khen của Bác là động lực to lớn cho sự nghiệp trồng người ở Hà Tĩnh

Bức chân dung có bút tích của Bác vẫn được đặt ở vị trí trang trọng trong phòng truyền thống của Trường Tiểu học Cẩm Bình.

Đã trở thành thông lệ, mỗi một ngày lễ kỷ niệm hoặc hoạt động ngoại khóa là dịp học sinh được nghe các thầy cô giáo nói chuyện về truyền thống đáng tự hào của quê hương đất học. Nhiều thập kỷ đã trôi qua, ngọn lửa của sự nghiệp trồng người trên quê hương Cẩm Bình vẫn luôn tỏa sáng. Trong thành tích chung ấy, Trường Tiểu học Cẩm Bình cũng đã góp phần làm dày thêm trang sử vàng truyền thống, là đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua giáo dục bậc tiểu học ở Hà Tĩnh trong 4 năm học 2012 - 2013, 2014 - 2015, 2019 - 2020 và 2020 - 2021. Đây cũng là một trong những trường học ở Hà Tĩnh sớm đạt chuẩn mức độ 2 từ năm học 2006-2007.

“Chúng tôi đang phấn đấu xây dựng trường trở thành trường trọng điểm của bậc giáo dục tiểu học Hà Tĩnh vào năm học 2025 - 2026”, thầy Nguyễn Trung Yên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cẩm Bình cho biết.

Lời khen của Bác là động lực to lớn cho sự nghiệp trồng người ở Hà Tĩnh

Quy mô trường lớp ngày càng phát triển; cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư xây dựng khang trang.

Với sự quan tâm của tỉnh, của toàn xã hội, giáo dục Hà Tĩnh đã bước sang trang mới. Quy mô trường lớp ngày càng phát triển; cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu dạy, học. Điều Bác hằng mong muốn “ai cũng được học hành” đã trở thành hiện thực. Hà Tĩnh là một trong những tỉnh sớm đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, chống mù chữ vào năm 1992; đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập THCS năm 2002; đạt chuẩn phổ cập mầm non cho trẻ em 5 tuổi năm 2013.

Đến nay, gần 100% xã, phường, thị trấn hoàn thành phổ cập giáo dục THCS mức độ 3. Song song với việc củng cố và mở rộng hệ thống giáo dục chính quy, tỉnh đã triển khai chủ trương xây dựng xã hội học tập. Theo đó, đến nay, 100% địa phương đã xây dựng và phát huy hiệu quả trung tâm học tập cộng đồng.

Lời khen của Bác là động lực to lớn cho sự nghiệp trồng người ở Hà Tĩnh

Vượt qua khó khăn, Hà Tĩnh vẫn thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông mới.

Trên mỗi chặng đường, các thế hệ thầy cô giáo và học sinh trên vùng đất học luôn khắc ghi lời dạy của Bác: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt”. Nhờ đó, trước những khó khăn thử thách của thiên tai, dịch bệnh, việc dạy và học ở Hà Tĩnh chưa bao giờ bị gián đoạn. Trong những ngày mưa lũ hay những thời điểm dịch bệnh bùng phát, phương châm chỉ đạo của ngành: “Học sinh dừng đến trường nhưng không ngừng việc học” đã trở thành khẩu hiệu trong mỗi nhà trường.

Từ sự quan tâm của các thầy cô giáo trong việc trang bị kiến thức, kỹ năng và khát vọng chinh phục kiến thức, học sinh Hà Tĩnh đã nỗ lực vươn tới, tự tin khẳng định mình trên đấu trường quốc tế. Những gương mặt tiêu biểu như: Võ Anh Đức (HCV Olympic Toán quốc tế 2013), Nguyễn Thị Việt Hà (HCĐ Olympic Toán quốc tế 2015), Phan Nhật Duy (HCV Olympic Toán quốc tế 2017), Nguyễn Đình Đại (HCB Olympic Tin học châu Á - Thái Bình Dương 2017)… đã ghi danh trên bảng vàng truyền thống.

Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2021 - 2022, Hà Tĩnh tiếp tục giữ vững vị trí tốp 5 cả nước về chất lượng với 74/99 em tham gia dự thi đạt giải. Khép lại mùa thi học sinh giỏi quốc gia, giáo viên, học sinh và người dân vùng quê hiếu học cũng đã có thêm niềm vui, niềm hy vọng, bởi sau 5 năm chờ đợi em Phan Xuân Hành (Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh) góp mặt trong đội tuyển tham gia Kỳ thi Olympic Hóa quốc tế.

Lời khen của Bác là động lực to lớn cho sự nghiệp trồng người ở Hà Tĩnh

Sau 5 năm Hà Tĩnh vừa có học sinh góp mặt trong đội tuyển tham gia Kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế.

Trên chặng đường phát triển mới, những lời khen ngợi, dặn dò của Bác lại tiếp thêm sức mạnh để các thế hệ giáo viên, học sinh không ngừng ra sức học tập, tiếp thu các kiến thức dựng xây quê hương Hà Tĩnh ngày cùng giàu mạnh.

Những năm qua, ngành GD&ĐT Hà Tĩnh không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng dạy, học gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Việc học Bác đã được ngành cụ thể hóa bằng các phong trào thi đua, các cuộc vận động trong giáo viên, học sinh như: “Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; “Đổi mới sáng tạo trong dạy và học”; “Thi đua thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy”; “Thanh niên làm theo lời Bác”… Từ đó, đã góp phần lan tỏa những việc làm, những hình ảnh đẹp, xuất hiện ngày càng nhiều tập thể và cá nhân cán bộ, giáo viên, học sinh xuất sắc trong học tập, rèn luyện, góp phần làm rạng danh truyền thống đất học Hà Tĩnh.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Hồng Cường

Chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Chủ đề 65 năm ngày Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh

Đọc thêm

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trong suốt hành trình 40 năm phát triển, Trường Năng khiếu thị xã Hà Tĩnh xưa và Trường THCS Lê Văn Thiêm nay luôn là lá cờ đầu của ngành GD&ĐT tỉnh nhà. Không chỉ đảm đương sứ mệnh là “nôi” bồi dưỡng nhân tài, chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học sinh, Trường THCS Lê Văn Thiêm đang bắt nhịp xu thế, phát triển mô hình trường học tiên tiến, năng động, từng bước hội nhập quốc tế.
Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Hơn 17 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, thầy Trần Xuân Thắng (Trường THPT Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã dành trọn tình yêu thương cho học trò, chắp cánh cho các em bước tới tương lai.
“Cùng con học bài”

“Cùng con học bài”

Phong trào “Cùng con học bài” do Hội LHPN huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) triển khai không chỉ nhằm truyền đạt kiến thức mà còn là cơ hội để bố mẹ gắn kết hơn với con cái.