Lúa hè thu đón mưa vàng

Hà Tĩnh đang trải qua những ngày dễ chịu nhất của mùa hè năm nay. Từ sau cơn bão số 3, trên địa bàn xuất hiện những cơn mưa với lượng không quá lớn, giao động từ 20-60mm. Mưa không chỉ làm không khí dịu mát mà còn cung cấp một nguồn nước quan trọng cho đồng ruộng, chấm dứt đợt khô hạn kéo dài suốt cả tháng qua…

Chỉ cách đây chỉ ít ngày, mặt đất như khô hạn. Mực nước hồ Kẻ Gỗ vào sáng 18/8 chỉ đạt 15,05 m (8,2% so với thiết kế), sông Rác (22,1% so với thiết kế), nước sông La xuống thấp nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây. Trong khi đó, lúa đến kỳ trổ bông mà đồng ruộng nhiều nơi đã nứt nẻ. Thậm chí có những vùng như Sơn Trà (Hương Sơn), Cẩm Lĩnh (Cẩm Xuyên) hàng chục ha lúa bị cháy.

lua he thu don mua vang

Ruộng đầy nước, bà Trần Thị Lịch, thông Trung Hưng (TP Hà Tĩnh) bón thêm đạm thúc lúa trổ bông

Không bị ảnh hưởng như các tỉnh miền Bắc, cơn bão số 3 chỉ mang lại những cơn mưa vừa cho Hà Tĩnh. Trong các ngày 19-21/8, lượng mưa đo được xấp xỉ 40mm- 50mm, trải rộng hầu khắp các địa phương trong tỉnh. Đợt mưa này tiếp tục kéo dài thêm vào đêm 21-22/8 với lượng mưa lớn hơn đủ để cấp nước cho đồng ruộng.

Nhìn cảnh nhộn nhịp trên cánh đồng vừa trải qua khô hạn mới thấy được niềm phấn khởi của bà con nông dân. Ở Thạch Hưng (TP Hà Tĩnh) dù diện tích sản xuất lúa không lớn nhưng hầu như năm nào người dân ở đây cũng phải chịu cảnh “đồng khô cỏ cháy” vào vụ hè thu. Mấy ngày có mưa, khí thế xuống đồng rầm rộ hẳn. Người bón thêm đạm để thúc cho lúa trổ bông, người căng gàu tát nước vào ruộng để giữ nước.

Bà Trần Thị Lịch, thôn Trung Hưng (Thạch Hưng) cho biết: “Đầu vụ đến giờ lúc nào lúa cũng trong tình trạng “đói” nước. Hạn đầu vụ đã chậm gieo cấy rồi, bây giờ đến kỳ trổ bông tưởng rồi thua mất. May có đợt mưa này, nước đã đủ trong chân ruộng nên cây lúa đang phục hồi dần. Tôi tranh thủ ra đồng bón thêm đạm cho cây trổ bông khỏe và chắc hạt”.

Cách đó không xa, vợ chồng ông Lê Xuân Định đang tận dụng lấy nước từ mương nhỏ vào ruộng. Ông Định cho biết: “Mấy ngày trước đứng trong ruộng như đứng giữa nền xi măng. Ruộng nhà tôi cao hơn nên phải tát thêm nước vào rồi đắp bờ giữ lại không ít hôm nắng lên là chẳng mấy chốc mà bay hơi”.

Thạch Hà - chỉ trừ vùng Tây Nam là nằm đầu hệ thống tưới Kẻ Gỗ, còn lại toàn bộ các xã phía Bắc và bãi ngang gần như phải chịu khô hạn cả tháng trời. Nước từ Kẻ Gỗ về dù có ép đến mấy cũng không đủ cho các xã vùng xa. Vì thế, đợt mưa trong những ngày này được bà con ví như vàng, như bạc. Mưa làm đất tơi xốp hơn, độ ẩm tăng lên, không khí dịu xuống. Chỉ trong vài ngày mà cây lúa ở những vùng đất này đã lấy lại được sức sống để bước vào kỳ quan trọng nhất là trổ bông.

Ông Nguyễn Văn Thuận - Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thạch Hà cho biết: “Vào thời điểm này, lúa hè thu đã trổ 50% diện tích. Đợt cấp nước tự nhiên này có lợi rất lớn cho sinh trưởng của cây lúa, giúp lúa trổ bông thuận lợi, cho năng suất cao về cuối vụ. Cùng với đó, một số hồ đập nhỏ trên địa bàn được cung cấp lượng nước đảm bảo nên sẽ hạn chế được hạn cục bộ như thời gian qua”.

lua he thu don mua vang

Tranh thủ thời gian, bà con lấy nước từ mương vào chân ruộng mình

Điều quan trọng, đợt mưa lần này phủ trên diện rộng ở hầu khắp các địa phương. Đồng ruộng từ miền núi Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang đến Cẩm Xuyên, Kỳ Anh đều được bổ sung lượng nước đáng kể. Nhờ vậy mà các công ty thủy nông cũng có thể “thở phào” nhẹ nhõm khi thời gian “căng” nhất của nguồn nước tưới đã qua. Theo đại diện của Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh, mực nước Kẻ Gỗ đã “nhích” lên được 0,06 m, đạt 15,11 m vào sáng nay (22/8). Dù lượng mưa không cung cấp được nhiều cho hồ chứa chính nhưng hệ thống tiết kiệm được lượt tưới dưỡng lần cuối để tiết kiệm cho vụ sản xuất tới.

Vào thời điểm này, lúa hè thu toàn tỉnh đã trổ bông được 60% diện tích. Các trà lúa đang bước vào thời kỳ trổ rộ, theo kế hoạch sẽ kết thúc trổ vào 25/8 tới. Ông Nguyễn Trí Hà, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: “Không chỉ cung cấp lượng nước đáng kể, thời tiết dịu mát này sẽ tạo điều kiện để lúa trổ nhanh hơn, thoát hơn nhằm tạo ra năng suất cao cho cuối vụ”.

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.