Thạch Hà là địa bàn thường chịu ảnh hưởng bởi thiên tai; nguy hiểm nhất là mưa bão, triều cường ở vùng ven biển, sạt lở đất đá ở các xã miền núi và ngập úng cục bộ ở vùng thấp trũng. Vì vậy, nhiều năm qua, công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn (PCTT & TKCHCN) luôn được LLVT huyện đặc biệt chú trọng, được cán bộ, chiến sĩ (CBCS) xem là “mệnh lệnh từ trái tim” và tất cả đều hướng tới mục tiêu ứng cứu kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Trung tá Đặng Phúc Giang - Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Thạch Hà chia sẻ: “LLVT huyện luôn quán triệt nghiêm túc Nghị quyết số 689 ngày 10/10/2014 của Quân ủy Trung ương về phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, TKCHCN. Chúng tôi đã tập trung chỉ đạo, lãnh đạo, đôn đốc các đơn vị trực thuộc chuẩn bị đầy đủ, kịp thời các phương án, kế hoạch, nhân lực, phương tiện theo tinh thần “4 tại chỗ”, “phòng là chính”. Ngoài ra, đơn vị cũng phối hợp với các lực lượng khác trong khảo sát, đánh giá, nhận định tình hình để có sự chuẩn bị tốt, thực hiện nhiệm vụ hiệu quả và an toàn”.
Cẩm Xuyên cũng là địa bàn trọng điểm về thiên tai nên việc phòng chống, ứng cứu để giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước, Nhân dân, quân đội luôn được LLVT địa phương đặt lên hàng đầu. Toàn lực lượng đã chủ động bám sát yêu cầu nhiệm vụ, nắm chắc địa bàn, xác định rõ các vùng trọng điểm đối với mỗi loại thiên tai để làm tốt công tác tham mưu, chuẩn bị, hành động.
Ông Hà Văn Bình - Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho hay: “Mỗi khi xảy ra thiên tai, những người lính là lực lượng được chúng tôi tin tưởng và đánh giá cao nhất. Cùng với lực lượng chính quy của quân khu, tỉnh, huyện là những chiến sĩ sao vuông luôn bất chấp mọi hiểm nguy, tiên phong đi đầu trong mọi việc từ hỗ trợ chằng néo nhà cửa, neo đậu tàu thuyền, di dời tài sản, thu hoạch mùa màng, đưa người đến nơi an toàn, bảo vệ các khu vực xung yếu, TKCHCN... đến khắc phục hậu quả sau mỗi đợt thiên tai”.
Để đảm bảo hiệu quả và an toàn khi thực hiện nhiệm vụ, các đơn vị LLVT đã tổ chức tập huấn, rèn luyện, diễn tập công tác tham gia PCTT & TKCHCN. Qua đó đã giúp thực hiện thuần thục các tình huống và phát huy được tinh thần chủ động, sáng tạo của cấp ủy, chính quyền các cấp cũng như vai trò của LLVT trong phối hợp ứng phó với mọi hình thái thiên tai.
Thượng tá Nguyễn Cao Hoàng - Chính trị viên Ban CHQS huyện Đức Thọ cho hay: “Qua các cuộc diễn tập đã từng bước nâng cao trình độ chỉ huy, hiệp đồng, khả năng ứng phó với các hình thái thiên tai, năng lực TKCHCN của các lực lượng. Điều này cũng giúp phát huy sự chủ động, sáng tạo và khẳng định vai trò nòng cốt của LLVT trong công tác PCTT&TKCHCN”.
Trong 10 năm thực hiện Nghị quyết số 689, LLVT Hà Tĩnh luôn xác định đây là “nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình” của “đội quân chiến đấu, đội quân công tác”. Căn cứ vào tình hình thực tiễn nơi đóng quân, các đơn vị bộ đội đã đoàn kết, tham gia toàn diện, điều hành linh hoạt để ứng cứu hiệu quả đối với từng đợt thiên tai. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, những người lính cũng luôn sẵn sàng hết lòng vì nhiệm vụ để giảm thiểu thiệt hại và đảm bảo an toàn về mọi mặt cho Nhân dân.
LLVT Hà Tĩnh luôn duy trì khoảng 20 nghìn chiến sĩ dân quân tự vệ, 1.000 CBCS của lực lượng thường trực, 1.500 CBCS của lực lượng phối hợp để sẵn sàng cho mọi tình huống. Đặc biệt, từ năm 2014 đến nay, đã điều động 30 nghìn CBCS và hàng nghìn lượt phương tiện để thực hiện nhiệm vụ PCTT&TKCHCN.
Đại tá Hoàng Anh Tú - Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh khẳng định: “Chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công tác PCTT & TKCHCN; kiện toàn, duy trì nền nếp hoạt động của ban chỉ huy các cấp; chủ động xây dựng, hoàn thiện hệ thống kế hoạch, phương án ứng phó khi có thiên tai xảy ra theo từng cấp độ rủi ro, nhất là ứng phó với thiên tai lớn; chuẩn bị tốt các mặt đảm bảo theo phương châm “4 tại chỗ”; làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho CBCS về nhiệm vụ này...”.