Mặn đắng nghề lặn biển thuê...

(Baohatinh.vn) - Lặn biển thuê tại các ngư trường ở miền Nam mang về nguồn thu nhập ổn định cho nhiều gia đình tại thôn Lê Lợi, xã Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Thế nhưng, nghề này lại lắm rủi ro, hiểm họa khôn lường khiến không ít “kình ngư” phải sống trong cảnh tàn tật suốt đời.

Video: Ông Nguyễn Viết Hành chua chát nói về nghề lặn biển lắm vất vả, nhọc nhằn.

Trong căn nhà cấp bốn tuềnh toàng ở thôn Lê Lợi, ông Nguyễn Viết Hành (SN 1966) khó nhọc lê từng bước chân tập tễnh ngồi vào mâm cơm. Mở đầu câu chuyện, ông cay đắng nhớ lại những nhọc nhằn, hẩm hiu khi gắn bó với nghề lặn.

Mặn đắng nghề lặn biển thuê...

Ông Hành cay đắng nhớ lại những đắng cay, nhọc nhằn khi gắn bó với nghề lặn.

Năm 1990, sau khi xuất ngũ, ông Hành vào miền Nam lập nghiệp bằng nghề lặn thuê. Ngày ấy, nghề lặn đã tạo nên cơn sốt đối với người dân làng biển Kỳ Xuân. Đồng tiền bát gạo kiếm được từ lặn biển đủ sức hấp dẫn để tạo thành “cơn lốc” cuốn đám trai làng vào các tỉnh phía Nam lặn thuê.

Mỗi ngày ít nhất 6 tiếng đồng hồ, “ê kíp” lặn của ông Hành làm việc dưới đáy biển, công việc chính là bắt sò mai, sò huyết, chang chang cho chủ tàu. Ngư trường khai thác thường cách bờ từ 2 đến 3km, ở độ sâu từ 40m-60m. Cùng làm việc với ông Hành trên tàu còn có 11 thợ lặn khác và 7 thợ kéo dây.

Khi mặt trời lấp ló trên mặt biển cũng là lúc tốp thợ lặn bắt đầu ngày mới. Ngư cụ cho mỗi chuyến lặn là 7kg gồm: chì, bình oxy và 200m dây hơi quấn quanh hông.

Làm việc lâu dưới đáy biển trong môi trường áp suất lớn, lại không có bất cứ thiết bị bảo hiểm nào nên thợ lặn luôn phải đối mặt với bao hiểm nguy rình rập. Nguy hiểm nhất là lúc lên bờ, sự thay đổi áp suất quá đột ngột dễ gây “sốc” đối với cơ thể thợ lặn.

Mặn đắng nghề lặn biển thuê...

Ông Hành tập tễnh lê từng bước chân khó nhọc.

Sau một thời gian dài gắn bó với nghề lặn biển thuê, đến tháng 3/1997, ông Hành đã vĩnh viễn mất đi đôi chân khỏe mạnh. Trong một chuyến lặn biển trở về thuyền, ông Hành bị choáng váng, xây xẩm mặt mày, toàn thân dưới tê buốt rồi ngất xỉu lúc nào không hay. Tỉnh lại trên giường bệnh thì đôi chân của ông đã không còn cảm giác...

“Bác sĩ chẩn đoán đôi chân bị áp suất nước chèn vỡ các mạch máu dẫn đến bại liệt. Với thợ lặn, mất đi đôi chân cũng đồng nghĩa chấm dứt duyên nợ với nghề. Phải mất 3 năm cùng rất nhiều nỗ lực, năm 2000, đôi chân tôi mới bắt đầu tập tễnh những bước đi đầu tiên. Mỗi lần nhớ lại những ngày vùng vẫy dưới biển sâu, tôi lại chạnh lòng khi nhìn đôi chân teo tóp hiện tại. Nghề lặn đã từng mang tới nguồn thu nhập lớn cho cả gia đình, giúp chúng tôi gia cố nhà cửa, chăm lo con cái nhưng thợ lặn phải mang cả tính mạng của mình ra để đặt cược cho một canh bạc lớn giữa biển cả, sóng dữ...", ông Hành chua chát.

Mặn đắng nghề lặn biển thuê...

Sức khỏe giảm sút khiến đôi tay của ông Hành yếu dần.

Sau khi bệnh tật có phần thuyên giảm, ông Hành thuê ki-ốt đầu thôn để bơm vá, sửa xe đạp kiếm sống, ngày nhiều được vài chục, có khi chẳng có đồng nào. Nguồn sống của cả nhà 5 miệng ăn chỉ phụ thuộc vào vài sào ruộng.

Điều ông Hành luôn trăn trở là hiện nay gia đình thuộc hộ nghèo. Với thu nhập ít ỏi của 2 vợ chồng, không biết rồi đây, tương lai của 3 đứa con còn đang tuổi ăn học (đứa lớn học lớp 10, đứa bé nhất học lớp 7) sẽ ra sao!

Mặn đắng nghề lặn biển thuê...

Trước năm 2015, ông Bùi Quang Hạnh là người đàn ông khỏe mạnh nhưng giờ đây phải bước trên đôi chân tập tễnh.

33 năm sống với biển cả, ông Bùi Quang Hạnh (SN 1968, trú thôn Lê Lợi) đã từng chứng kiến rất nhiều số phận phải gánh chịu nỗi đau sinh nghề tử nghiệp. Không ít “kình ngư” phải bỏ mạng giữa biển khơi, trong số những người trở về, phải gắn bó với chiếc xe lăn đến hết đời. Thế nhưng, ông không thể ngờ, chính mình cũng là nạn nhân của của nghề lặn biển thuê...

Tai nạn xẩy ra với ông Hạnh vào năm 2015, trong một chuyến lặn biển thuê, biến ông từ một con người cường tráng khoẻ mạnh trở thành yếu ớt, phải... tập đi như trẻ lên 3.

Mặn đắng nghề lặn biển thuê...

Ông Hạnh hồi tưởng lại ký ức kinh hoàng với Trưởng thôn Lê Lợi Trần Văn Phú (áo xanh) và PV Báo Hà Tĩnh.

Những ngày sau đó là chuỗi thời gian ông Hạnh được vợ con, người thân đưa đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác. Thế nhưng, vận may vẫn chẳng thể mỉm cười.

Theo các bác sỹ, sức ép của áp suất nước biển quá lớn đã làm cho cơ chân của ông bị giãn ra, ép vào tủy và các mạch máu bị tắc không thể lưu thông đi nuôi các tế bào.

Trở về quê nhà với tấm thân tàn phế, oái ăm thay, ông còn bị biến chứng sau tai biến, khiến một nửa thân trên bại liệt, đôi tay cũng dần co quắp. 4 năm đầu tiên, ông chỉ có thể nằm một chỗ, mọi sinh hoạt cá nhân đều phụ thuộc người nhà.

Mặn đắng nghề lặn biển thuê...

Sau khi đôi chân không còn đi lại được, ông Hạnh bị biến chứng sau tai biến, khiến một nửa thân trên bại liệt.

”Sau rất nhiều nỗ lực chạy chữa cùng với quyết tâm phục hồi chức năng, tập vật lý trị liệu, mỗi ngày vợ con lại dìu tôi tập đi trên sân. 7 năm sau tai nạn đau lòng, đến nay, tôi dần tập tễnh được song chủ yếu vẫn phải phụ thuộc phần lớn vào chiếc xe lăn. Lần lặn định mệnh ấy mãi mãi là ký ức kinh hoàng mà đến hết đời này tôi chẳng thể nào quên”, ông Hạnh trải lòng.

Mặn đắng nghề lặn biển thuê...

Chị Nguyễn Thị Liệu bất đắc dĩ trở thành trụ cột của gia đình khi anh Trần Quang Huệ (chồng chị) trở về với đôi chân bại liệt.

Với chị Nguyễn Thị Liệu (SN 1979, thôn Lê Lợi), cuộc sống khá vất vả khi chị bất đắc dĩ trở thành trụ cột gia đình khi chồng chị - anh Trần Quang Huệ (SN 1971) trở về với đôi chân bại liệt vào năm 2007 do nghề lặn biển thuê.

"Sau gần 10 năm trong nghề, chồng tôi phải đành bỏ cuộc với đôi chân tàn phế. 15 năm qua, một mình tôi vừa phải chạy vạy thuốc thang cho chồng vừa làm lụng nuôi dạy con cái. Mới đây, bác sỹ chẩn đoán chồng tôi có khả năng suy thận khiến tâm lý của cả gia đình thêm đè nặng...”, chị Liệu ngậm ngùi.

Trưởng thôn Lê Lợi Trần Văn Phú cho biết: “Toàn thôn có 342 hộ dân với 1.150 nhân khẩu, trong đó, có hơn 40 người bại liệt do nghề lặn biển thuê. Đến thời điểm hiện tại, nghề lặn “cha truyền con nối” ở Kỳ Xuân mai một đi ít nhiều bởi làn sóng xuất khẩu lao động đã mở thêm cơ hội đổi đời cho không ít người. Tuy nhiên, chi phí đưa con em đi nước ngoài cũng là một thử thách đối với nhiều gia đình. Vì vậy, dẫu những hệ lụy từ nghề lặn đã được báo trước nhưng vẫn không ít người đang phải mưu sinh bằng nghề nguy hiểm này".

  • Mặn đắng nghề lặn biển thuê...
    Chuyện ở làng chài đá Kỳ Xuân…

    Tôi vẫn thường gọi làng chài Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) là làng chài đá theo cách riêng của mình. Mỗi lần ngắm những con thuyền cá neo mình bên những bãi đá lô nhô nơi làng chài này, tôi lại nghĩ đến sự kiên gan và tình yêu biển của những ngư dân nơi đây.

  • Mặn đắng nghề lặn biển thuê...
    Biển Kỳ Xuân đón trên 60.000 lượt khách du lịch

    Từ đầu mùa hè đến nay, bãi tắm Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh - Hà Tĩnh) đã đón trên 60.000 lượt khách du lịch về tham quan, nghỉ dưỡng…

Đọc thêm

Diễn xướng “Duyên tình biển mặn”

Diễn xướng “Duyên tình biển mặn”

Tiết mục: Diễn xướng “Duyên tình biển mặn” (soạn lời và chỉnh lý: Văn Mạnh, Sỹ Chinh) do Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Hà Tĩnh biểu diễn tại Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Chợ phiên - nét văn hóa truyền thống

Chợ phiên - nét văn hóa truyền thống

Tháng Chạp về, khi đào, mai bắt đầu ươm nụ trên những làng quê Hà Tĩnh, lòng tôi lại háo hức chờ đợi những buổi chợ phiên truyền thống, để được hòa mình trong không gian văn hóa quê hương.
Tỏa sáng di sản y học cổ truyền Hải Thượng Lãn Ông

Tỏa sáng di sản y học cổ truyền Hải Thượng Lãn Ông

Kế thừa, phát huy giá trị di sản y học cổ truyền của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, các bệnh viện, Hội Đông y Hà Tĩnh và cả nước ngày càng nâng cao hiệu quả hoạt động, khẳng định vai trò trong công tác chữa bệnh cứu người.
“Tấm căn cước” quý giá

“Tấm căn cước” quý giá

Nơi ấy, trên bản đồ hình chữ S của nước Việt ngàn năm là dải đất nhỏ hẹp, “đòn gánh gánh hai đầu đất nước”. Nơi ấy, bên dòng sông Lam trong xanh và núi Hồng sừng sững, những cư dân nhiều đời đã làm nên bao huyền thoại, tạo dựng một vùng văn hóa giàu bản sắc: văn hóa Hồng Lam. Đó là “tấm căn cước” quý giá, riêng có của Hà Tĩnh.
Dấu ấn cố hương trong “Thượng Kinh ký sự”

Dấu ấn cố hương trong “Thượng Kinh ký sự”

Tác phẩm “Thượng kinh ký sự” của Đại danh y Lê Hữu Trác bên cạnh trường đoạn nói về nỗi nhớ nơi ẩn cư ở quê mẹ ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) là trường đoạn nói về nỗi nhớ cố hương da diết với rất nhiều hoài niệm.
Noel ấm áp, an lành

Noel ấm áp, an lành

Những ngày này, nhiều làng quê Hà Tĩnh lại rộn ràng không khí chờ đón lễ Noel. Dẫu không phải người xứ đạo nhưng tôi đã thấy mùa Giáng sinh ấm áp đang lan tỏa trong mình.
“Hành giả” Stêphannô Nguyễn Khắc Dương

“Hành giả” Stêphannô Nguyễn Khắc Dương

Trong cộng đồng Thiên Chúa giáo Việt Nam hiện nay, Stêphannô Nguyễn Khắc Dương, quê ở xã An Hòa Thịnh (Hương Sơn, Hà Tĩnh) là một tu sĩ được rất nhiều giám mục, linh mục, chức sắc tôn giáo, đồng bào có đạo biết đến và rất kính trọng.
Đoàn kết lương giáo - tô điểm quê hương

Đoàn kết lương giáo - tô điểm quê hương

Với tinh thần “Sống tốt đời, đẹp đạo”, đồng bào công giáo Hà Tĩnh đã tích cực gắn kết lương giáo, chung sức xây dựng, điểm tô cho bức tranh quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Thành Sen - thành phố bên bờ biển

Thành Sen - thành phố bên bờ biển

Một chiều như mọi chiều, tôi lại chạy xe chầm chậm trên những con phố cổ xưa của Thành Sen để ngắm nhìn những sắc màu mới đan xen màu ký ức. Xuôi về phía biển, một cảm giác vừa lạ lẫm, vừa hân hoan dào lên trong tôi - thành phố Hà Tĩnh đã mở rộng về bốn phía, làm dậy lên bao xúc cảm.