Màn ra mắt lịch sử trên eo biển Hormuz

Eo biển Hormuz nói riêng và các vùng biển ở Trung Đông nói chung tiếp tục trải qua biến động với sự xuất hiện của một con tàu dù chỉ dài 13m nhưng lại cho thấy kế hoạch đầy tham vọng của Hải quân Mỹ.

Tàu không người lái MAST-13 cùng tàu tuần duyên của Hải quân Mỹ vượt qua eo biển Hormuz. Ảnh: U.S. Coast Guard

Giữa tuần trước, L3 Harris Arabian Fox MAST-13 (gọi tắt là MAST-13) đã trở thành chiếc tàu không người lái đầu tiên của Hải quân Mỹ băng qua eo biển Hormuz, một trong những tuyến đường thủy quan trọng, náo nhiệt và căng thẳng nhất thế giới. Theo hãng tin AP, tàu không người lái MAST-13 đã vượt qua eo biển Hormuz với sự hộ tống của hai tàu tuần duyên USCGC Charles Moulthrope và USCGC John Scheuerman.

Lâu nay, eo biển Hormuz vẫn thường xuyên là điểm nóng trong cuộc đối đầu giữa Mỹ và Iran. Cũng chính vì vậy, sự kiện tàu MAST-13 đi qua eo biển mang tầm quan trọng chiến lược này đã không thoát khỏi sự giám sát chặt chẽ của Hải quân Iran.

Màn “chào ra mắt” của tàu không người lái MAST-13 tại eo biển Hormuz trước hết được giới phân tích quân sự nhìn nhận là dấu hiệu cho thấy Hải quân Mỹ đang vận dụng những công nghệ hiện đại vào hoạt động tác chiến tại khu vực Trung Đông.

Cũng có thể nói rằng, tàu không người lái ngày càng đóng vai trò quan trọng trong hoạt động tuần tra cũng như duy trì sự hiện diện của Hải quân Mỹ tại khu vực này. Người phát ngôn lực lượng Hải quân Mỹ Timothy Hawkins tiết lộ, nhờ được trang bị cảm biến và camera, tàu không người lái MAST-13 có thể truyền hình ảnh về trung tâm trên bờ hoặc tới các tàu khác của Hải quân Mỹ, qua đó giúp các thủy thủ sớm phát hiện những phương tiện đang hoạt động trên biển.

Nhưng chuyến hải trình lịch sử nói trên của tàu không người lái MAST-13 dường như chỉ là bước chạy đà cho lộ trình dài hơi của Hải quân Mỹ. Bằng chứng là gần đây, Hạm đội 5 của Hải quân Mỹ đang đóng tại Bahrain đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm gồm các tàu không người lái phục vụ cho nhiệm vụ tuần tra các vùng biển ở khu vực Trung Đông, đồng thời hướng tới việc thiết lập hạm đội gồm khoảng 100 tàu mặt nước và tàu lặn không người lái hoạt động tại khu vực này.

Hải quân Mỹ cũng đã công bố mục tiêu đến năm 2045 sẽ có 150 tàu mặt nước không người lái cỡ lớn được triển khai ở 7 vùng biển trên thế giới. Lại có thông tin cho rằng, Hải quân Mỹ sẽ thành lập một hạm đội tàu mặt nước không người lái ngay trong năm nay.

Trang mạng chuyên về tin tức quân sự Defense News cho biết thêm, trong năm 2022, những chuyên gia về phương tiện không người lái của Hải quân Mỹ đã âm thầm phối hợp với các cộng sự thuộc Hạm đội 5 để thử nghiệm và phát triển nhiều loại tàu mặt nước không người lái khác nhau. Chỉ huy Hạm đội 5 Brad Cooper khẳng định, việc tận dụng các công nghệ không người lái mới và kết hợp chúng với trí tuệ nhân tạo sẽ giúp Hải quân Mỹ tăng cường an ninh hàng hải và khả năng răn đe trên biển.

Lợi thế của các tàu không người lái, đặc biệt là tàu mặt nước không người lái, là có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau như: Trinh sát, thu thập dữ liệu và thông tin tình báo, vận chuyển hàng hóa hay săn mìn... Thậm chí, tàu không người lái có thể còn được trang bị vũ khí để làm nhiệm vụ tác chiến trên mặt nước hoặc tuần tra, bảo vệ, hộ tống các phương tiện khác. Đó là chưa kể tàu không người lái thường có chi phí thấp, dễ cơ động, rất phù hợp với các vùng nước nông, đặc biệt là không cần thủy thủ phải mạo hiểm tính mạng của mình.

Hạm đội 5 của Hải quân Mỹ nhận định, dù đến nay các tàu mặt nước không người lái vẫn là công nghệ mới, song trong tương lai, đây sẽ là công nghệ thiết yếu để duy trì an ninh trên biển.

Nếu như máy bay quân sự không người lái đã trở thành thứ vũ khí sắc bén giúp giành thế thượng phong trên bầu trời thì tàu không người lái được dự báo sẽ tạo ra một cuộc cách mạng đối với hoạt động tác chiến trên biển. Việc Hải quân Mỹ lần đầu tiên đưa một tàu không người lái đi qua eo biển Hormuz phần nào cho thấy hiện thực cuộc cách mạng ấy đang đến gần.

Theo QĐND

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói